Hãng hàng không quốc gia: Biểu tượng đáng tự hào hoặc vết nhơ khó xóa

22/07/2014 07:57 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Một chiếc máy bay chở khách không chỉ là cỗ máy đưa bạn từ nơi này tới nơi khác. Nó còn đóng vai trò biểu tượng sâu sắc, đặc biệt khi chiếc máy bay thuộc về một hãng hàng không quốc gia.

Chiếc máy bay có thể đại diện cho hy vọng, sự hiện đại và sức mạnh của một quốc gia. Nhưng khi có chuyện xảy ra, chiếc máy bay biểu tượng cho sức mạnh đó lại mang tới sự hổ thẹn sâu sắc cho cả đất nước.

Nỗi hổ thẹn của cả đất nước

Đó là tình huống mà Malaysia đang phải đối mặt, sau khi mất tới 2 chiếc máy bay của hãng hàng không quốc gia chỉ trong vòng 4 tháng. "Một sự bất hạnh tới khó tin đã giáng xuống (hãng Malaysia Airlines) trong một khoảng thời gian rất ngắn. Nó sẽ không ảnh hưởng tới tên tuổi của đất nước Malaysia, nhưng chắc chắn sẽ gây hại tới danh tiếng của hãng hàng không quốc gia" - James Chin, một nhà phân tích chính trị tại Đại học Monash ở Malaysia nhận xét.

Quả thực vụ bắn hạ chuyến bay mang số hiệu MH17 diễn ra chỉ 131 ngày sau vụ mất tích chuyến bay MH370. Việc biến cố lớn liên tục xảy ra chắc chắn sẽ khiến du khách chất vấn sự an toàn khi bay cùng Malaysia Airlines. Đó là chưa kể tới việc giới chức Malaysia đã bị dư luận chỉ trích về cách thức xử lý vụ MH370.

"Hãng hàng không quốc gia đại diện cho một đất nước, là đại sứ của quốc gia ấy" - Chris Sloan, người điều hành trang web tin tức và lịch sử hàng không Airchive.com đánh giá - "Các hãng hàng không thường phản ánh giá trị đất nước của họ".

Trước khi xảy ra 2 thảm họa trong năm nay, Malaysia Airlines đã gặp rắc rối lớn về tài chính và lỗ 370 triệu USD trong năm ngoái. Con số này khiến Malaysia Airlines là một trong những hãng lỗ lớn nhất thế giới. Cùng thời điểm, phần lớn các hãng hàng không khác của thế giới đều có 1 năm kinh doanh tốt, tỷ lệ lãi trung bình 4,7 %. “Khi một hãng hàng không gặp các vấn đề như ở Malaysia, nó sẽ trở thành nỗi hổ thẹn của cả quốc gia" - Sloan nói.


Một lao công Philippines làm việc bên hình vẽ 3D do nghệ sĩ nước này tạo ra để tưởng nhớ các nạn nhân bị mất tích cùng chuyến bay MH370 thuộc hãng Malaysia Airlines

Niềm tự hào trong hình bóng chiếc máy bay

Tại không ít nơi trên thế giới, công chúng vẫn đặt rất nhiều niềm tự hào vào hãng hàng không quốc gia. "Họ thích tới sân bay và chứng kiến những chiếc máy bay chở khách hiện đại, tuyệt vời, sáng lấp lánh, với quốc kỳ của họ in trên thân" - Robert Gandt, người có 34 năm là phi công và đã viết 15 cuốn sách về ngành hàng không, đánh giá.

Bản đồ bay khổng lồ thời trước chiến tranh thế giới của các hãng hàng không quốc gia lớn ở châu Âu như KLM Royal Dutch Airlines (Hà Lan) và Air France (Pháp) giống như một lời tuyên bố chính thức về sức mạnh thuộc địa của các nước này. Các hãng hàng không quốc gia khi đó cũng thường mang cái tên thể hiện sự thống trị, như Imperial Airways (Hàng không Đế quốc), tiền thân của hãng British Airways (Anh).

Trong những năm 1970, rất lâu sau khi các đế quốc xưa kia đã tan vỡ, Anh và Pháp vẫn hợp lực để tạo ra chiếc máy bay chở khách nhanh nhất thế giới. Chiếc Concorde siêu âm không phải lúc nào cũng mang lại lợi nhuận, nhưng điều này chẳng khiến ai bận tâm. Concorde khi đó đóng vai trò biểu tượng, cho thế giới thấy 2 nước vẫn là những người chơi lớn trên trường quốc tế.

Cùng một lý do tự hào quốc gia mà hãng hàng không Alitalia của Italy vẫn còn tồn tại tới nay, bất chấp việc gặp rất nhiều vấn đề tài chính. Giới chức Italy không muốn hãng này phá sản nên liên tục tung tiền giải cứu. "Rõ ràng người ta làm thế chỉ vì niềm kiêu hãnh quốc gia" - chuyên gia hàng không George Hamlin đánh giá.

Một sân khấu lớn nhất

Tuy nhiên sợi dây liên hệ sâu sắc giữa công chúng và hãng hàng không quốc gia cũng mang tới tai họa, đặc biệt khi những kẻ xấu muốn một nước nào đó phải trả giá. Ví dụ trong nhiều thập kỷ, hãng El Al đã là mục tiêu của các vụ tấn công chống Israel.

Mỹ chưa từng có một hãng hàng không quốc gia, nhưng lâu nay Pan Am vẫn được xem như "hãng hàng không quốc gia không chính thức". Đây là lý do vì sao người Libya đã đánh bom chiếc máy bay Pan Am trên bầu trời Lockerbie vào năm 1988. Những tên khủng bố trong vụ 11/9/2001 đã đánh cướp máy bay của American Airlines và United Airlines, một phần cũng bởi chúng đại diện cho toàn thể nước Mỹ.

Ngoài ra, cũng chẳng cần phải rơi máy bay mới khuấy động cảm xúc của cả một quốc gia. Năm ngoái, các vấn đề kỹ thuật liên quan tới những chiếc Boeing 787 Dreamliner đã khiến Nhật Bản hổ thẹn, do nước này từng tự hào tham gia thiết kế hệ thống điện của máy bay và là quốc gia đầu tiên đưa Boeing 787 vào hoạt động.

Bình thường, máy bay chỉ chở khách. Nhưng khi cần thiết chúng lại biến thành công cụ hỗ trợ hoạt động nhân đạo, mang thực phẩm, nước sạch và thuốc men tới vùng có tai họa. Máy bay dân sự cũng dùng để chở quân tới vùng chiến sự hay biến thành chuyên cơ - một công cụ ngoại giao phô diễn uy thế của một quốc gia. Chúng rõ ràng là những sân khấu lớn nhất.

Cuối cùng, theo nhận xét của sử gia hàng không Janet Bednarek, khi bạn là một lữ khách, hẳn bạn sẽ cảm thấy quen thuộc và thoải mái nếu đi đâu đó cùng hãng hàng không quốc gia. Trên chiếc máy bay đó, tiếp viên nói chung ngôn ngữ với bạn, phục vụ đồ ăn ưa thích của bạn. "Đó là một mảnh nhỏ của quê hương mà bạn mang theo mình khi bay ra nước ngoài" - Bednarek nói.

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm