Giới doanh nghiệp Trung Quốc: Xâm nhập toàn cầu nhờ “vũ khí” Hollywood

31/01/2013 07:25 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Khi phim Iron Man 3 (Người sắt 3) ra rạp vào mùa Xuân này, những người mê điện ảnh trong lúc theo dõi cuộc phiêu lưu của nhân vật chính do Robert Downey Jr thủ vai, sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng một chiếc TV màn hình 110 inch do công ty điện tử TCL của Trung Quốc sản xuất. Nhưng đó không phải là lần xuất hiện duy nhất của thương hiệu này trong phim.

Bộ phim sẽ có những chiếc điện thoại của TCL sản xuất và một cảnh trong đó Nhà hát Trung Quốc ở Đại lộ Hollywood Boulevard bị nổ tung thành nhiều mảnh. Công trình trên, nơi tổ chức nhiều sự kiện thảm đỏ, mới được đổi tên thành Nhà hát Trung Quốc TCL trong khuôn khổ một thỏa thuận kéo dài 10 năm trị giá 5 triệu USD.

Quảng bá ở nước ngoài để gây ảnh hưởng ở trong nước

"TCL đã đề cao tầm quan trọng trong việc hợp tác với Hollywood" - Li Dongsheng, chủ tịch TCL từng phát biểu khi đôi bên đạt được thỏa thuận quảng bá sản phẩm hồi tháng 1 năm nay.

Công ty của ông thực ra chỉ là một trong nhiều tập đoàn Trung Quốc đang sử dụng cỗ máy tiếp thị của Hollywood để quảng bá thương hiệu của họ ra với khán giả toàn cầu.

Những công ty như TCL đang xem Hollywood như một bàn đạp quảng bá thương hiệu tốt để tiến ra toàn cầu

Đối với các thương hiệu Trung Quốc, Hollywood có sức hút đặc biệt lớn. Theo Patrick Frater, giám đốc điều hành công ty Film Business Asia, nguyên nhân là do Hollywood tạo cơ hội cho các công ty Trung Quốc nổi tiếng trên thị trường toàn cầu và song song với đó cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường trong nước.

Thường thì các thương hiệu và sản phẩm của Trung Quốc xuất hiện trên phim Hollywood sẽ không được bán bên ngoài thị trường nội địa. Ví dụ như trong phim Transformers: Dark Side of the Moon hồi năm 2011, minh tinh Shia LaBeouf đã mặc một chiếc áo phông do công ty quần áo Metersbonwe của Trung Quốc sản xuất. Trong một cảnh khác, một nhân vật đã uống sữa Shuhua do tập đoàn Yili sản xuất.

"Tôi không biết việc quảng bá như thế này có ý nghĩa gì với khán giả quốc tế không... Nhưng có vẻ khán giả quốc tế không phải là toàn bộ câu chuyện" - Frater nói - "Ý nghĩa của việc quảng bá này là để khán giả Trung Quốc nghĩ rằng đây là một thương hiệu lớn, với tiềm lực mạnh đủ để xuất hiện trong phim Hollywood".

Động cơ chứng tỏ tiềm lực là lý do để công ty sản xuất nước ngọt Wahaha, cùng với Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đã thông báo hồi tháng 1 năm nay về việc tài trợ đội bóng Manchester United ở giải Ngoại hạng Anh. "Tôi nghĩ rằng đây là một trong những đội bóng vĩ đại nhất trong lịch sử và đội rất được ưa thích ở Trung Quốc" - Lyndon Cao, một chuyên gia tư vấn của công ty quảng cáo Ogilvy nhận xét - "Các thương hiệu Trung Quốc tiến ra toàn cầu muốn thấy có những tác động quay ngược trở lại quê nhà họ".

Tham vọng lớn, thành công hạn chế

Thật khó để hình dung việc người tiêu dùng, sau khi nhìn ngắm các mặt hàng với logo lạ mắt xuất hiện trên những bộ phim bom tấn của Hollywood, sẽ đổ xô đi mua tivi TCL hay áo phông Metersbonwe, đặc biệt là khi các mặt hàng này không được bán rộng rãi.

Từng được xem là "những con rồng giấu mặt", các công ty Trung Quốc giờ lại vươn ra thế giới vì nhiều nguyên nhân.

Theo Shaun Rein, giám đốc điều hành Tập đoàn nghiên cứu thị trường Trung Quốc, dù các công ty ở đây vẫn làm ăn tốt nhưng năm ngoái, Trung Quốc đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 13 năm qua, buộc nhiều công ty phải tìm nguồn sinh lợi mới.

Một số đã đưa thương hiệu của họ ra nước ngoài, trong khi số khác mua lại một số thương hiệu phương Tây đã có chỗ đứng. Đơn cử như tập đoàn Wanda đã mua chuỗi rạp chiếu phim Mỹ AMC vào năm ngoái, trong khi tập đoàn Fosun lại đầu tư vào thương hiệu kim hoàn cao cấp Folli Follie.

"Các doanh nhân Trung Quốc rất mạnh bạo và tham vọng. Họ muốn trở thành thương hiệu toàn cầu. Họ không kiên nhẫn được như các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc" - Rein nói.

Và xu hướng vươn ra nước ngoài này lại được Bắc Kinh ngấm ngầm khuyến khích. Giới lãnh đạo Trung Quốc dường như rất muốn các công ty trong nước có thể cạnh tranh được ở cấp độ đa quốc gia.

Tuy nhiên dù tham vọng là rất lớn, vẫn chẳng có mấy công ty Trung Quốc thực sự thành công trong vai trò một thương hiệu hàng tiêu dùng uy tín ở ngoài thị trường nội địa.

Hiện mới chỉ có nhà sản xuất đồ gia dụng Haier tìm được chỗ đứng trong việc bán tủ lạnh ở Mỹ. Tương tự, các sản phẩm máy tính của Lenovo được bán ra toàn cầu, dù thương hiệu này được ghi nhận chủ yếu nhờ việc mua lại thương hiệu ThinkPad của tập đoàn IBM hồi năm 2005.

Nhưng Li-Ning, công ty đã đặt mục tiêu cạnh tranh với các thương hiệu Nike và Adidas, lại chật vật làm ăn dù tài trợ cho giải bóng rổ nhà nghề NBA. Không ít thương hiệu khác cũng chỉ gây được các ảnh hưởng mờ nhạt.

Kiên trì theo đuổi mục tiêu toàn cầu

Dù vậy, Cao vẫn tin tưởng rằng các thương hiệu hàng đầu của Trung Quốc sẽ trở thành những cái tên lớn trên toàn cầu trong 10 năm tới, giống như thương hiệu Toyota và Toshiba của Nhật Bản đã làm được.

Tuy nhiên ông cho rằng các công ty Trung Quốc có thể sẽ không tạo tên tuổi tại những thị trường đã trưởng thành như Mỹ và Tây Âu. Thay vì thế, mảnh đất màu mỡ để họ phát triển là tại các thị trường mới nổi như Brazil. Cao gần đây đã tư vấn để công ty xe hơi JAC Motors của nhà nước mở rộng sang Brazil. Ông bày tỏ tin tưởng các công ty Trung Quốc sẽ có cơ hội chiến thắng ở những nơi này.

Xây dựng thương hiệu toàn cầu là một cuộc chơi dài hơi và có vẻ như các công ty Trung Quốc đang rất nghiêm túc trong cuộc chơi này. "Đây sẽ là một tiến trình diễn ra chậm. Ý tôi là phải mất cả thế kỷ để Toyota và Sony được xem là những công ty không sản xuất ra hàng rẻ tiền" - Rein nói - "Rồi các anh sẽ chứng kiến việc ngày càng có nhiều thương hiệu Trung Quốc xâm nhập vào đời sống của người tiêu dùng châu Âu và Mỹ".

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm