Giấy khai sinh của Obama và những thủ đoạn chính trị kiểu Mỹ

29/04/2011 11:50 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa phải công bố giấy khai sinh của ông trong một sự kiện hiếm hoi, nhằm ngăn chặn những lời đồn thổi rằng ông không phải là dân Mỹ chính gốc. Giới quan sát đánh giá sự việc đã cho thấy phần nào góc tối của nền chính trị Mỹ, nơi người ta có thể dùng mọi thủ đoạn để hạ thấp uy tín của đối thủ.

Theo tờ giấy khai sinh mới được công bố, Barack Obama sinh tại Bệnh viện phụ sản Kapiolani, Honolulu, vào lúc 7h24 tối ngày 4/8/1961. Văn bản này hoàn toàn hợp pháp bởi nó có chữ ký của bác sĩ đỡ đẻ, mẹ ông và cán bộ hộ tịch địa phương.

Một chuyện “ngu ngốc” nhưng quan trọng

Mẹ ông khi đó mới 18 tuổi, khai và ký tên là Ann Dunham Obama, sống tại số 6085 đường cao tốc Kalanianaole, Honolulu. Cha ông là Barack Hussein Obama, 25 tuổi, người gốc Phi và sinh tại Kenya còn mẹ ông là người gốc Caucasian nhưng sinh tại Wichita, Kansas.

Ngoài giấy khai sinh, Nhà Trắng còn công bố một lá thư do ông Obama gửi tới Sở Y tế Hawaii đề ngày 22/4/2011, trong đó chính thức yêu cầu có 2 bản sao của giấy khai sinh đầy đủ. Tổng thống cũng đã gửi luật sư riêng Judith Corley tới Hawaii để lấy các tài liệu và mang chúng về Washington bằng máy bay.

Obama khi còn nhỏ và cha đẻ Barack Hussein Obama

Đồng thời với việc công bố giấy khai sinh, Obama đã lên án những tranh cãi quanh nơi sinh của mình là “ngu xuẩn” và “một sự kiện đánh lạc hướng” trong bối cảnh Mỹ đang có nhiều vấn đề quan trọng hơn để giải quyết như nợ quốc gia, giáo dục, giá xăng dầu. Ông mô tả những kẻ đã lợi dụng bí ẩn liên quan tới ngày tháng năm sinh là “hoạt náo viên ở lễ hội hóa trang”. Obama không nêu danh các đối thủ tấn công vào nơi sinh của ông nhưng dường như ngầm chĩa mũi dùi vào Donald Trump, nhân vật có khả năng sẽ tranh cử Tổng thống trong vai trò ứng cử viên của Đảng Cộng hòa.

Hồi tháng 3 năm nay, Trump và những người ủng hộ cho rằng ông Obama có thể đã sinh ra tại quê cha ở Kenya thay vì Mỹ. Điều này, nếu đúng, có thể khiến Obama không được tiếp tục nhiệm kỳ hiện nay do Hiến pháp Mỹ quy định rõ Tổng thống phải là người sinh ra trên đất Mỹ.

Vấn đề đã thu hút sự quan tâm của công chúng tới mức ông Obama, sau thời gian dài lảng tránh, cuối cùng đã phải nhượng bộ trình ra giấy khai sinh và có bài phát biểu đột xuất trên truyền hình: “Vâng, sự thật thì tôi sinh tại Hawaii, vào ngày 5/8/1961, tại bệnh viện Kapiolani. Trong 2 năm rưỡi qua, tôi đã chứng kiến và không khỏi kinh ngạc, tôi đã bối rối trước mức độ mà chuyện này (các tin đồn quanh nơi sinh) đã phát triển lên. Tôi biết rằng vẫn có một bộ phận người, không cần biết tôi đưa ra chứng cứ gì, sẽ không để chuyện này được yên. Nhưng tôi chỉ muốn chứng minh nơi mình sinh với đại đa số người dân Mỹ. Chúng ta không có thời gian cho những chuyện ngu ngốc này và chúng ta còn rất nhiều điều khác phải làm”.

Thuyết âm mưu và những cú đòn 

Vấn đề nơi sinh của Obama được nhắc tới lần đầu vào năm 2004, khi Andy Martin, một ứng cử viên chính trị ở tiểu bang Illinois đã ra thông cáo báo chí cho rằng Obama là một người Hồi giáo và đang cố che giấu tôn giáo của mình.

Năm 2008, người ủng hộ bà Hillary Clinton, đối thủ chính của ông Obama trong cuộc đua giành lá phiếu ứng cử viên đại diện phe Dân chủ ganh đua với phe Cộng hòa vào ghế Tổng thống, đã phát tán thư điện tử nói rằng Obama sinh ra tại Kenya.

Tháng 10/2008, một cử tri tham gia chiến dịch vận động tranh cử cho ông John McCain, ứng viên Tổng thống của phe Cộng hòa, cáo buộc ông Obama là người Arab. Chỉ một tháng sau, Obama tranh cử Tổng thống Mỹ, trong bối cảnh các lá đơn kiện ông không hợp lệ vì không sinh ra tại đất Mỹ xuất hiện khắp nơi.

Bản sao giấy khai sinh đầy đủ, trong đó chứng nhận ông Obama sinh ra tại Mỹ

Trước khi đắc cử, Obama đã trình ra một bản in giấy khai sinh rút gọn, do chính quyền bang Hawaii cấp, cho thấy ông chào đời ở Mỹ. Giám đốc cơ quan y tế Hawaii nói rằng bà có bản in đầy đủ của giấy khai sinh nhưng cất trong kho. Dữ liệu sinh đẻ được đăng trên 2 tờ báo cùng thời cũng nói rằng ông Obama được sinh ở Hawaii. Song những kẻ theo thuyết âm mưu vẫn cho rằng có thể bản đầy đủ của giấy khai sinh có thứ gì đó mà ông Obama muốn che giấu.

Tháng 8/2009, Orly Taitz, một lãnh đạo của phong trào nghi ngờ nơi sinh của ông Obama đã công bố một tờ giấy khai sinh của Kenya trong đó nói rằng Obama chào đời ở vùng đất này. Nhưng tài liệu đó thực tế đã bị làm giả một cách thô thiển.

Những tuyên bố gần đây của Donald Trump là chiêu đòn mới nhất mà các đối thủ đánh vào vấn đề gốc gác của Obama. Điều đáng ngạc nhiên là những cú đòn này lại tỏ ra hiệu quả. Một thăm dò gần đây cho thấy 47% cử tri ủng hộ phe Cộng hòa tin rằng Obama sinh ngoài nước Mỹ và 22% khác không rõ ông sinh ra ở đâu. Tính nghiêm trọng của vấn đề đã buộc Obama phải khẩn trương hành động để dập tắt nghi ngờ.

Chưa dễ buông tha con mồi

Với việc giấy chứng sinh đã công bố, tưởng như những xôn xao xung quanh tấm giấy khai sinh đã chấm dứt. Nhưng không, vẫn có kẻ quyết quấy rầy ông Obama. Họ đặt nghi vấn rằng tờ giấy khai sinh đó chẳng chứng minh điều gì, nó có thể là tài liệu giả mạo, vì sao ông Obama phải mất nhiều thời gian như vậy mới lấy nó về được, trong khi ông là Tổng thống Mỹ.

“Tờ giấy khai sinh làm xuất hiện thêm nhiều câu hỏi mới hơn là đưa ra các đáp án” - Joseph Farah, Tổng biên tập trang tin WorldNetDaily, nơi đã đăng hàng trăm câu hỏi liên quan tới tiêu chuẩn công dân Mỹ của ông Obama. Farah nói rằng dù các tài liệu là thực, nó vẫn đặt nghi vấn về sự hợp pháp của ông Obama trong việc trở thành Tổng thống. Bởi cha của Obama là người châu Phi nên Farah nghi ngờ Obama còn có một quốc tịch khác và vì thế không được xem là người sinh ra tại Mỹ như Hiến pháp yêu cầu.

Orly Taitz nói trên trang tin bình luận và phân tích chính trị Talking Points Memo biết rằng bà rất nghi ngờ các tài liệu mới vì trong đó chủng tộc của cha Obama được ghi là “African” (người châu Phi). “Văn phạm trong tờ giấy khai sinh nghe như nó vừa được viết hôm nay, trong thời buổi chính trị luôn điều chỉnh cho hợp với thời cuộc, chứ không phải năm 1961, khi người ta có thể viết vào đó dòng “da trắng” hay “mọi đen” (Negro)” - Taitz tuyên bố.

Các nhà phân tích nói rằng những kẻ theo thuyết âm mưu đã cố khuấy động vấn đề chủng tộc, quê quán như một cách để đẩy ông Obama vào chỗ không hợp pháp. “Nó giống như một thông điệp: ông ấy không phải là người giống chúng ta” - nhà hoạt động nhân quyền da màu Jesse Jackson nói - “Ông ấy không được sinh ra ở đây. Ông ấy không phải người Thiên Chúa giáo. Ông ấy có thể là người Hồi giáo. Chúng ta không tôn thờ chung một Thượng đế. Đó là một cách phân biệt hết sức ác độc”.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm