Giang sơn nói không với sách điện tử

16/07/2013 15:27 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ebook- sách điện tử đang "giết" sách in – đó là một thực tế mang tính toàn cầu. Nhưng có một xứ sở sách in vẫn cười ngạo nghễ. Sách điện tử bị đẩy lùi ở ngôi làng không đầy 2.000 dân nhưng có tới 10 triệu bản sách!

1.800 cư dân, 10 triệu sách - nếu cần một bằng chứng cho sự trường tồn của sách in trong cơn bão ebook thì đây: Giữa xứ Wales có ngôi làng nhỏ Hay-On-Wye, kinh đô không tên tuổi của thế giới sách, ra đời đầu thập niên 1960 dưới bàn tay một lãng tử tự phong mình thành vua của thế giới đọc, cho đến khi ngay chính vua cũng mất tầm kiểm soát giang sơn độc đáo của mình.


Hiệu sách tự giác ở làng Hay On Wye

Khám phá cổ tích thời nay

Ai đi trên con đường nhỏ lát đá khấp khểnh của vùng thôn dã xứ Wales về hướng Hay-On-Wye, ngang qua mấy cánh rừng thưa thớt nho nhỏ và đồng cỏ thả cừu, người ấy chờ đợi đủ thứ trên đời, nhưng nhất định không tính đến một kinh đô hoành tráng mà họ sắp đặt chân đến. Tấm biển mang tên địa phương thậm chí còn bị cây leo phủ mất gần nửa. Và cái làng nhỏ này cũng chẳng có gì đặc sắc đập vào mắt du khách, ít nhất đó là ấn tượng ban đầu. Trước các ngôi nhà xinh xắn là mấy mảnh vườn bé xíu được chăm sóc tử tế, tường nhà bằng đá thô leo đầy nho dại hay vạn niên thanh, thi thoảng một cửa hàng bánh mì hay tạp phẩm không treo biển hiệu. Một ngôi làng như bao làng khác.

Chỉ khi đỗ xe và tản bộ một đoạn, người lạ mới thấy có gì đó khá bất thường, ví dụ như khi đi ngang tấm biển “Addyman Books”. Chưa kịp ngạc nhiên vì cho rằng dân làng không cần một hiệu sách riêng cho mình thì đã xuất hiện một cửa kính lớn với dòng chữ viết tay khiêm tốn: “Sensible Book Shop (Hiệu sách quý hiếm)”. Giờ thì người ta có quyền đặt câu hỏi, vì sao cái làng bé tí với 1.800 dân lại cần một bộ sưu tập sách phong phú từ mọi miền thế giới như vậy. Sát đó là tấm biển “Murder And Mayhem” (cướp - giết - hiếp) với hàng trăm đầu sách trinh thám và kinh dị. Ai kỹ tính sẽ đếm được cả thảy 38 hiệu sách và thấy hai bên đường làng còn rất nhiều giá sách tự giác: khách hàng chọn sách và tự bỏ tiền vào hộp bên cạnh. Chậm nhất vào lúc này họ sẽ ngộ ra, Hay-On-Wye  không phải là một địa danh bất kỳ nào đó. Vâng, nó là một làng sách, làng sách đầu tiên trên quả đất.

Thực ra, từ vài chục năm nay Hay-On-Wye vẫn được dân nghiện sách tôn vinh là kinh đô sách cũ và sách cổ. Không nơi nào trên hành tinh này tập trung nhiều sách tính theo cây số vuông như ở cái xó khỉ ho cò gáy xứ Wales này. Truyện cổ tích đời mới này bắt đầu từ năm 1962, biến một làng nhỏ vốn quen làm ruộng và trồng cây thành điểm hành hương của người đọc toàn thế giới. Công lao đó thuộc về một nhà vua tự phong.


Hội chợ sách ở làng

Từ “gã cuồng chữ ấm đầu"

Vào năm 1962, chính Richard Booth cũng không biết tương lai lấp lánh ngai vàng của mình. Điều duy nhất mà anh biết là tình yêu lớn nhất của mình dành cho sách vở, một tình yêu có sẵn trong máu. “Cha tôi yêu sách hơn mọi thứ trên đời”, Booth tự hào kể lại. “Khi ở trong quân ngũ, ông đồn trú bên Ấn Độ mười năm ròng và kể lại rằng, một phần trăm thời gian để đánh nhau, hai phần trăm chơi polo, và 97% thì giờ còn lại chỉ đọc sách”. Từ tuổi thơ ấu, Booth được bố kéo vào hàng trăm hiệu sách, thay vì đi mua đồ chơi hay bánh kẹo. Từ đứa con trai một thợ cơ khí bình thường nay đã trở thành con mọt sách. Ngay sau khi tốt nghiệp môn Sử tại Đại học Oxford, Richard Booth quay về sống với gia đình ở Hay-On-Wye. Cha mẹ anh không phấn khởi lắm khi thấy đứa con trai về quê, vì họ đã dự tính cho con làm việc tận London. Nhưng thay vì làm một cái đinh ốc nhỏ trong guồng máy lớn, Richard Booth đã dành dụm được chút vốn nhỏ để mở một hiệu sách cho riêng mình.   

Với 700 bảng, Richard Booth mua lại một nhà bỏ hoang của lính cứu hỏa và cùng vài người bạn lập ra một hiệu sách cũ, thuê em gái ông bác sĩ thú y đứng bán hàng và một  người làm vườn thất nghiệp quản lý kho. Bản thân Richard Booth thì rong ruổi ngang dọc nước Anh để mua về hàng tạ sách cũ, toàn những thứ không ai thèm chứa trong nhà nữa. Dân làng gọi anh là “gã cuồng chữ ấm đầu“ và dự đoán hiệu sách của anh sẽ đi tong sau hai, ba tháng. Vì thực ra nông dân chẳng mó tay vào sách bao giờ.

Nhưng chẳng bao lâu hiệu sách cũ kỳ quái của Booth được tờ Western Mail vinh danh là văn khố của ngôn ngữ Celtic, vì nhiều nhà nghiên cứu tìm được ở đây một nguồn tư liệu vô cùng quý hiếm. Họ đổ xô về Hay-On-Wye, khiến Booth phải mở thêm hiệu sách thứ hai, mua lại mấy thư viện từ nơi khác. Booth nhận ra, với sự trợ giúp của giới truyền thông, anh không chỉ đạt được ước mơ làm chủ hiệu sách, mà còn biến cái làng nghèo nàn này thành tụ điểm du lịch.

Rạp chiếu phim duy nhất của làng cũng biến thành hiệu sách

... thành vua sách

Booth nối lại quan hệ với các bạn học “đại gia“ ở London và thiết lập một đường dây hữu hiệu với báo giới: “Tôi tình cờ quen thân nữ ca sĩ nhạc pop Marianne Faithfull, bạn gái của Mick Jagger (The Rolling Stones). Do cô ấy tránh nhà báo như tránh hủi, các phóng viên thường về Hay-On-Wye để khai thác chuyện đời cô ấy qua tôi“. Anh tận dụng mối thân quen đó để lăng-xê một cú tiếp thị kỳ dị: Ngày Cá tháng Tư 1/4/1977 anh đội vương miện vàng, khoác hoàng bào, cầm vương trượng xuất hiện trước đông đảo nhà báo và tuyên bố tách rời Hay-On-Wye như một quốc gia độc lập khỏi Vương quốc Anh và Cộng đồng châu Âu, dưới quyền trị vì của vua Richard đệ nhất. Lần đầu tiên ở Hay-On-Wye có nhiều nhà báo hơn cư dân. Không phải ai cũng thích đùa: cửa kính nhà Booth bị hàng xóm ném vỡ tan tành, nhưng đòn tiếp thị ấy được báo chí Anh đăng đi đăng lại, cho đến khi ai nấy đều tò mò tìm đến cho biết.

Booth liên tục mở rộng doanh nghiệp sách của mình, và một số láng giềng chẳng dại gì mà không ăn theo, họ khai trương một loạt hiệu sách cũ. Người thì buôn sách trẻ em đã chấm dứt tái bản, người khác thì chỉ bán cẩm nang làm vườn hoặc tài liệu dạy nuôi ong, dần dần mặt hàng bao gồm cả các ngôn ngữ khác...  hôm nay số lượng sách thường xuyên ở số 10 triệu, và thậm chí rạp chiếu phim duy nhất của làng cũng bị biến thành hiệu sách.

Năm 1988, diễn viên Norman Florence thắng đậm trong một cuộc thi chơi xì phé và quyết định sáng lập Hội chợ sách cũ thường niên ở Hay-On-Wye. Trong tháng 6 vừa qua, hội chợ sách đã mở lần thứ 35, đón ngót 80.000 người bạn của sách và không việc gì phải ngượng ngùng khi sánh vai với các hội chợ quốc tế khác: trong danh sách khách mời của Hay-On-Wye có đủ tên tuổi hoành tráng như Bill Clinton, Salman Rushdie, Henning Mankell hay Arthur Miller!

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm