Giải mã nguyên nhân Tunisia trở thành mục tiêu khủng bố đẫm máu

30/06/2015 18:25 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tunisia đang vướng phải một số vấn đề nội tại, bên cạnh những nguyên nhân khách quan khác, khiến quốc gia này trở thành mục tiêu lý tưởng của tấn công khủng bố.

Vụ khủng bố do Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hậu thuẫn, khiến 38 người thiệt mạng tại khu nghỉ mát ở thành phố Sousse hôm 26/6, diễn ra khi Tunisia còn chưa kịp vượt qua cú sốc từ một đợt tấn công khác nhằm vào khách du lịch, diễn ra cách đây 3 tháng ở thủ đô nước này.


Vụ thảm sát trên bãi biển Tunisia sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch nước này

Những vụ việc như vậy đã đặt Tunisia vào danh sách các quốc gia dễ bị tổn thương vì khủng bố. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này. 

Đầu tiên là mối đe dọa tới từ Libya, quốc gia láng giềng với đường biên giới được quản lý lỏng lẻo và tràn ngập vũ khí, kể từ sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ. Cũng cần biết rằng IS có các hoạt động khá mạnh ở Libya. 

Thêm vào đó, Tunisia dễ trở thành mục tiêu hơn so với các nước láng giềng khác còn vì nước này thu hút đông du khách nước ngoài."Vấn đề của Tunisia là hệ thống an ninh. Nói cách khác, ở Tunisia có nhiều mục tiêu để nhắm vào trong khi lực lượng an ninh của họ lại hoạt động kém hiệu quả" - ông Geoff Porter, người đứng đầu Công ty Tham vấn hiểm họa Bắc Phi cho biết.


Tunisia là nước có công dân tới tham chiến tại Syria và Iraq thuộc hàng cao nhất thế giới

Ngoài ra, nền kinh tế Tunisia trở nên yếu ớt hơn kể từ năm 2011 và cũng giống như các nước khác trong khu vực, quốc gia này có một tỷ lệ lớn thanh niên thất nghiệp. Đây lại là nhóm đối tượng dễ bị cuốn vào chủ nghĩa cực đoan. Khá nhiều trong số họ tìm cách tới Syria và Iraq tham chiến, rồi trở về quê hương, mang theo các tư tưởng mới khó kiểm soát ở trong đầu.

Sayida Ounissi, một thành viên của quốc hội Tunisia đã chia sẻ với hãng tin BBC: "Những gì chúng ta đang chứng kiến trong ngày hôm nay chính là chủ nghĩa khủng bố, được nuôi dưỡng từ những vấn đề xã hội nhức nhối, sự bất công bằng về kinh tế và một nền giáo dục kém phát triển".

Phan Vân Anh
Theo BBC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm