“Eiffel của London” đón khách: Từ ngọn tháp xa hoa nhìn xuống...

03/02/2013 12:30 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/2, những công chúng Anh và quốc tế đầu tiên đã có mặt tòa tháp Shard cao 310m ở London (Anh) để ngắm nhìn toàn cảnh thành phố từ trên cao, xuyên qua mây và sương mù. Đây là công trình kiến trúc đáng tự hào nhưng cũng gây tranh cãi lớn ở Anh.

Tòa tháp Shard trong ánh mặt trời London

Thị trưởng thành phố London, ông Boris Johnson, đã có mặt và cắt băng chào mừng. Cũng trong ngày mở cửa, một chàng trai Anh đã cầu hôn bạn gái khi cả hai đang ở trên tòa tháp.

Kiến trúc sư trưởng cho công trình vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nước Anh này là Renzo Piano, một người Ý nổi tiếng thế giới. Nhưng điều khiến báo chí Anh không vui là phần lớn số vốn xây dựng, khoảng 80%, thuộc về các tỷ phú dầu mỏ Qatar.

“Eiffel của London” - Biểu tượng thịnh vượng và quyền lực

Tháp Shard cao lừng lững giữa lòng London, vượt lên mọi công trình kiến trúc khác của thành phố này, khiến Nhà thờ Thánh Paul (nằm trên ngọn đồi cao nhất của London) trông như “cái hộp nữ trang rẻ tiền của thế kỷ 17”, theo nhà báo Jonathan Glancey của Telegraph.

Giá vé tham quan cắt cổ: 24,95 bảng (hơn 800.000 VNĐ) cho người lớn và 18,95 bảng cho trẻ em. Nhưng trong hai ngày tham quan đầu tiên là 1 và 2/2, vé đã bán hết. Dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lượt người tham quan tòa tháp trong năm 2013. Rất nhiều người háo hức được đứng từ trên cao nhìn xuống để thấy các công trình kiến trúc khác của London đều như những mô hình hoặc đồ chơi.

Tháp Shard là công trình thuộc dự án trị giá 2 tỷ bảng nhằm xây dựng lại khu vực quanh cầu London, bên bờ Nam của sông Thames. Theo Reuters, tòa tháp sẽ là nơi đặt một khách sạn 5 sao Shangri-La 18 tầng, 3 nhà hàng cao cấp, 10 căn hộ chiếm toàn bộ diện tích tầng (trị giá 50 triệu bảng mỗi căn) và 600.000m2 văn phòng và không gian ngắm cảnh.

“Chúng ta sẽ nhốt các nhà lãnh đạo châu Âu lên đó và không cho họ xuống chừng nào họ chưa giải quyết xong cuộc khủng hoảng nợ công” - Irvine Sellar, nhà phụ trách công trình, từng nói đùa. Sellar không giấu hy vọng biến Shard thành một công trình ngang tầm tháp Eiffel của Pháp: “Đây là London và đây là Shard. Chúng ta sẽ cho Eiffel hít bụi”.

Với kiến trúc sư Renzo Piano, ông đã thiết kế tòa tháp để nó có thể “chơi đùa với mặt trời”. “Những tấm rèm cửa sổ của tòa tháp sẽ tự động “mọc” và “lặn” cùng lúc với mặt trời. London có một bầu trời dễ biến đổi hơn so với ở Paris hay Genoa” - ông nói. “Nếu có mây và sương mù bao quanh tòa tháp, khung cảnh vẫn đẹp, theo cách của riêng nó. Lúc đó tòa tháp sẽ có chung bộ mặt ảm đạm với thành phố và khi mặt trời trở lại, nó sẽ mỉm cười”.

Kiến trúc sư nổi tiếng không thích nói về các toan tính kinh tế hay chính trị ẩn sau công trình này. “Tiền không phải mục đích chính mà là sự bất ngờ và vui thích. Các thành phố đều nên làm theo cách này. Tòa tháp mang đến thông điệp về bảo tồn đất, không phải thể hiện sức mạnh và sự kiêu ngạo – những thứ đang ngày càng phổ biến trong đời sống đô thị” – Piano nói với Guardian.

Ngọn tháp trưởng giả

Shard là nơi người dân có thể đến và chiêm ngưỡng khung cảnh London đẹp đến nghẹt thở từ trên cao. Nhưng nhiều người cho rằng tòa tháp đã bị đặt sai vị trí. Nhà báo Glancey của Telegraph viết: “Shard quá cao, dường như có thể tỏa bóng khắp London. Nó nên ở Thượng Hải hay Dubai hơn là ở đây”.

Theo Nick Stanton, cựu Chủ tịch Hội đồng quận Southwark, thì “Đây là một thất bại của trí tưởng tượng. Tòa tháp nên là một thứ có ích cho cộng đồng hơn chỉ là một nơi để đứng ngắm nghía. Nên có thư viện trong đó”.

Còn Tony Travers, trưởng khoa Greater London Group ở Trường Kinh tế London, cho rằng đây là “tòa tháp của quyền lực và sự giàu có” đặt trong một thành phố còn nhiều nét cổ kính. “Đây là nghịch lý phát triển kinh tế ở những thành phố như London. Cùng với thay đổi, chúng phải chấp nhận sự trưởng giả. Một dấu hiệu của chủ nghĩa tư bản toàn cầu xuất hiện trong một London vẫn còn mang phong cách Victoria xưa cũ”.

Chính kiến trúc sư Piano từng bày tỏ mong muốn “Công trình này không chỉ là dành cho giới siêu giàu và siêu quyền lực”. Nhưng điều đó khó thành sự thực, bởi nếu không giàu hoặc quyền lực thì khó có thể là chủ của bất cứ một căn hộ hay văn phòng nào ở đây, chỉ có thể là khách tham quan mà thôi. 2 trong số các căn hộ chiếm toàn bộ diện tích tầng có thể sẽ trở thành nhà của Hoàng gia Qatar.

Hiện tại, nhà quản lý tòa tháp vẫn đang phải đau đầu với một vấn đề: làm sao để lấp đầy các căn hộ và văn phòng trong tòa tháp khổng lồ này.

Vừa bị Mercury City soán ngôi "cao nhất châu Âu"

Tháp Shard cao 95 tầng, trong đó có 72 tầng ở và làm việc được, có 11.000 ô cửa kính. Vị trí quan sát cao nhất đặt ở tầng 72, có độ cao 243m so với mặt đất. Khi xây xong vào tháng 7/2012, Shard là tòa nhà cao nhất châu Âu. Đến tháng 11/2012, ngôi vị này bị tòa tháp Mercury City cao 339m ở Moska (Nga) chiếm mất. Cả hai đều còn lâu mới sánh được với tòa nhà cao nhất thế giới (hiện là tháp Burj Khalifa cao 830m ở Dubai).


Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm