Diễn biến bất lợi với ngành da giày Việt Nam

14/06/2008 14:05 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH Online) - Ngày 13/6, Đại sứ của Uỷ ban châu Âu tại Việt Nam Sean Doyle đã tổ chức họp báo cho biết Uỷ ban chân Âu (EC) đã quyết định bãi bỏ Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đối với mặt hàng giày dép của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Quyết định này sẽ được áp dụng kể từ ngày 1/1/2009.

Quy chế GSP được EU áp dụng từ năm 1971 nhằm giúp hàng hóa các nước đang phát triển tiếp cận thị trường EU dễ dàng hơn, theo đó các sản phẩm của các nước được hưởng quy chế GSP được miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu. Cách đây 3 năm, EC từng có ý định bãi bỏ GSP đối với giày dép Việt Nam, nhưng đã phải tạm gác lại do sự đấu tranh mạnh của phía Việt Nam và EC khi đó chưa có luật cụ thể về vấn đề này.

Hiện EC đã có điều luật quy định một nhóm mặt hàng của nước nào đang hưởng GSP mà mức bình quân nhập khẩu vào EU chiếm hơn 15% tổng sản phẩm nhập khẩu của các nước được hưởng GSP, thì nhóm mặt hàng đó sẽ bị gạt ra khỏi danh sách được hưởng GSP. Mặt hàng giày dép của Việt Nam được xác định hiện chiếm tỷ trọng từ 28 - 29%.

Tại cuộc họp báo, ông Doyle cho rằng quyết định của EU là không thể tránh khỏi và không mang tính trừng phạt Việt Nam. "Chúng tôi sẽ gặp rắc rối với WTO và một số đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam nếu vẫn tiếp tục gia hạn thoả thuận (GSP) hiện nay" - ông Doyle nói. Các hãng giày lớn như Adidas và Nike đã lên tiếng phản đối quyết định của EU. Họ cho rằng việc này sẽ gây tổn hại tới ngành công nghiệp da giày Việt Nam bởi từ năm 2006 hàng giày dép đã phải chịu thuế chống bán phá giá của EU. Với việc bãi bỏ GSP, hàng giầy dép xuất EU sẽ bị đánh thuế lên mức 5-10% thay vì mức 3-5% trước đây.

V.L

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm