Đi thăm lăng mộ bí ẩn của Chu Nguyên Chương

23/02/2009 14:52 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Lăng mộ các đời vua nhà Minh (“Thập Tam Lăng”) đều tập trung ở Bắc Kinh. Riêng người sáng lập ra triều đại này là Chu Nguyên Chương lại được mai táng tại Nam Kinh. Cho tới nay lăng này vẫn chưa được khai quật và còn chứa nhiều bí ẩn. Nhưng từ ngày 19/2/2009 vừa rồi, cùng với một bảo tàng mới được khai trương, khách tham quan đã có dịp “khám phá” lăng này, tất nhiên chỉ qua những hình ảnh được phục dựng dựa theo kết quả nghiên cứu những năm gần đây.

Vua Chu Nguyên Chương
(tranh cổ). 
Chu Nguyên Chương (1328 - 1398), tức Minh Thái Tổ, sinh ra tại một gia đình nông dân nghèo, là người lãnh đạo những cuộc khởi nghĩa lật đổ ách thống trị của nhà Nguyên, lập ra triều đại nhà Minh (1368 - 1644), đặt đô ở Nam Kinh. Nhưng khi lên ngôi, vị vua hà khắc này đã mở ra một triều đại phong kiến tập quyền chuyên chế, khiến cho sự phát triển của Trung Quốc bị kìm hãm suốt nhiều thế kỷ. Các nhà sử học về sau cho rằng, Trung Quốc bắt đầu trở nên lạc hậu so với phương Tây là từ đời Minh.

Khi còn tại vị, Chu Nguyên Chương đã bắt đầu xây dựng lăng mộ cho mình. Sau 25 năm đến đời con trai ông lên ngôi mới hoàn tất, khu lăng mộ này, còn gọi là Minh Hiếu Lăng, tọa lạc trên núi Cẩm Khê gần Nam Kinh. Đây là một trong những khu lăng lớn nhất Trung Quốc, có chu vi tường thành dài 22,5 km (gần bằng 2/3 chiều dài của tường thành Bắc Kinh thời đó). Khu lăng này cùng với các lăng mộ khác của đời nhà Minh và nhà Thanh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2003.

Theo giáo sư sử học Hạ Vân Cao, thuộc Đại học Nam Kinh và là một chuyên gia nghiên cứu Minh Hiếu Lăng, tương truyền khi làm lễ mai táng Chu Nguyên Chương, cùng lúc người ta đưa đám từ 13 thành môn với những nghi lễ giống hệt nhau để hậu thế không biết đâu là giả, đâu là thật. Thậm chí trong nhiều thế kỷ còn lưu truyền vua Chu Nguyên Chương không phải được an táng tại Nam Kinh, mà là ở Bắc Kinh (nơi các con cháu của ông định đô). Mãi đến năm 1997 các nhà khảo cổ dùng những kỹ thuật tiên tiến mới xác định được vị trí chính xác của nơi chôn vua Chu Nguyên Chương trong Minh Hiếu Lăng.
 
Một gian của Bảo tàng Chu Nguyên Chương

Cho đến nay lăng này vẫn chưa được khai quật chủ yếu vì người ta lo ngại sau khi được đào lên, các văn vật ở dưới mộ có thể nhanh chóng bị hư hại nếu không có biện pháp bảo quản tốt. Vì thế các nhà khảo cổ chỉ có thể sử dụng các biện pháp thăm dò tiên tiến (đo trắc bằng từ, kỹ thuật định vệ tinh…) để “nhìn xuyên qua lòng đất” nhằm có những hình ảnh chân thực về lăng mộ và quần thể kiến trúc cung điện nằm sâu trong lòng đất cũng như các đồ vật chôn theo.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mộ Chu Nguyên Chương được an táng tại Cung Bảo Đỉnh trong Minh Hiếu Lăng. Đó là một cung điện ngầm dưới đất tương đương với tòa nhà ba tầng. Các cửa ra vào cung điện này là những tấm đá rất lớn. Trong cung điện có đặt một ngai vàng biểu hiện cho uy quyền của nhà vua. Xung quanh đó có nhiều phòng và các hành lang dài nối điện chính tới các điện nhỏ. Khi Chu Nguyên Chương qua đời, tục lệ chôn sống hoàng hậu, thứ phi và một số quan quân cận vệ theo nhà vua - đã được bãi bỏ từ đời nhà Tần (255-207 trước CN) - lại được khôi phục: Có 38 người bị chôn sống để xuống mộ cùng với ông. Vì thế trong cung điện có khá nhiều xương người. Trong đó có thể còn có cả xương của những kẻ đào mộ lọt được vào trong cung, nhưng buộc phải chết trong đó do tấm cửa đá lớn tự động sập xuống không cho chúng thoát ra ngoài. Khu cung điện này nằm sâu dưới lòng đất mấy chục mét và sau hơn 6 thế kỷ vẫn được bảo tồn tương đối hoàn hảo.
 
Ngai vàng trong cung điện ngầm được phục dựng
 
Cung điện chia làm ba khu lớn là tiền sảnh, trung điện và hậu cung chạy theo chiều đông-tây với nhiều phòng nhỏ là nơi ở của quần thần, quân cấm vệ và cung nữ hầu hạ. Tại hậu cung có đặt hai quan tài, gồm một quan tài lớn có ba lớp đặt thi hài của Chu Nguyên Chương, trong đó có rất nhiều ngọc ngà châu báu; quan tài nhỏ đặt thi hài được cho là của Hoàng hậu họ Mã. Trên tường và trên trần các cung điện đều có các bức bích họa và các điêu khắc gồm tứ linh (long, ly, quy, phượng), tiên nữ, tiên ông, các dã thú. Đặc biệt là trong mộ có những mảnh pha lê màu vàng, màu xanh dùng làm móng vuốt và vảy rồng…

Từ những kết quả nghiên cứu thu được trong hơn 10 năm qua nêu trên, các nhà khoa học từng bước “phục dựng” lại lăng mộ của Chu Nguyên Chương bằng hình ảnh 3D cũng như tái tạo lại một số đồ vật để tạo ra hiện vật cho Bảo tàng Chu Nguyên Chương mới được thành lập.

Giám đốc Bảo tàng Chu Ngọc Văn cho biết: Đến bảo tàng này, công chúng có dịp “đi thăm” Lăng mộ Chu Nguyên Chương qua những bộ phim 3D được chiếu trong một khu chiếu phim hình tròn với 9 máy chiếu, mô tả tỉ mỉ những chi tiết trong cung điện ngầm dưới đất. Bảo tàng vừa được mở cửa ngày 19/2, trong đó Phòng trưng bày hiện vật mở miễn phí, còn Phòng chiếu phim thu vé 30 NDT đối với người lớn, 15 NDT đối với trẻ em 15 NDT và hạn chế mỗi ngày chỉ đón 3.000 khách tới thăm quan.
 
Kiều Tỉnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm