Cướp biển Somali đã tới hồi mạt vận?

07/01/2014 07:02 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 9/12 năm ngoái, khi thấy 5 gã đàn ông có vũ trang đi xuồng cao tốc tiếp cận nhanh, các thủy thủ trên một tàu chở dầu ở gần bờ biển Somali đã lập tức phản ứng đáp trả. Họ tăng tốc và kích hoạt các vòi rồng ở hai bên thân tàu để tấn công những tên cướp.

Báo cáo do Cơ quan hàng hải quốc tế (IMB) về sự kiện vừa được công bố cho thấy các thủy thủ còn gọi cho Hải quân Hoàng gia Anh để yêu cầu giúp đỡ.

Không có con tàu nào bị cướp

Hải quân Anh lập tức điều một chiếc trực thăng quân sự tới hỗ trợ.

Chưa dừng lại ở đó, con tàu chở dầu còn đưa lên boong một đội an ninh có vũ trang mà họ đã thuê từ trước khi khởi hành. Nhiệm vụ của những người này là đảm bảo để cướp biển Somali thấy họ đang mang theo "hàng nóng".

5 gã đàn ông trên, sau khi chứng kiến phản ứng của con tàu và thấy khó lòng thành công, đã quay trở lại bờ. Diễn biến của sự kiện là bằng chứng rõ rệt cho thấy sự thành công của các biện pháp chống cướp, vốn hiệu quả tới mức đã khiến số vụ cướp nằm dọc theo bờ biển Somali tụt xuống chỉ còn 0 vụ trong năm 2013, theo số liệu cuối do Hải quân Mỹ tổng hợp và công bố vào tuần trước.


Hoạt động chống cướp tích cực của hải quân quốc tế đã khiến tình hình cướp biển ở Somali tụt giảm rất mạnh

Những tên cướp cũng ít manh động hơn. Chỉ có 9 âm mưu cướp biển xuất hiện trong năm 2013, tại các tuyến đường biển chạy qua Yemen và Somali, tụt mạnh so với mức 7 vụ đánh cướp thành công và 25 âm mưu đánh cướp của 1 năm trước. Để tiện so sánh, trong năm 2009, cướp biển Somali đã  cướp thành công 51 con tàu và âm mưu tấn công 130 con tàu khác, bao gồm nỗ lực không thành trong việc chiếm tàu Maersk Alabama, vốn đã truyền cảm hứng để Hollywood làm phim Captain Phillips.

Các vụ tấn công nhằm vào tàu biển ở ngoài khơi Somali, một tuyến đường biển quan trọng chứng kiến gần 25.000 lượt tàu lớn nhỏ qua lại mỗi năm, đã giảm mạnh tới mức khu vực này không còn là điểm nóng cướp biển của châu Phi nữa.

Tại Tây Phi, nơi các tàu chở dầu di chuyển ngoài bờ biển thường là mục tiêu béo bở cho các chiến binh nổi loạn Nigeria và các nhóm tội phạm trong khu vực, đã có 9 vụ đánh cướp tàu thành công và 48 vụ chạm trán với cướp biển trong năm 2013.

Những yếu tố mang tới thành công

Trong một số trường hợp, những tên cướp sẽ chỉ mang đi các thủy thủ có giá để lấy tiền chuộc. Điển hình là vụ 2 người Mỹ bị bắt cóc khỏi tàu chở dầu của họ ngoài khơi Nigeria hồi tháng 10 năm ngoái và được trả tự do 1 tuần sau đó.

“Với việc ngày càng có ít vụ tấn công xảy ra ngoài khơi Somali, sự chú ý đã chuyển tới Vịnh Guinea” - IMB nói trong một thông báo hồi tháng 10. Đây là một sự thay đổi chóng mặt cho ngành công nghiệp vận tải đường biển, vốn đã chi cho cướp biển Somali số tiền chuộc trị giá hơn 400 triệu USD trong vòng 7 năm qua.

Có một số yếu tố đã giúp cướp biển Somali chùn tay, kể từ khi cộng đồng quốc tế quyết định hành động vào năm 2008. Các cuộc tuần tra của hải quân quốc tế do Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và Liên minh châu Âu lãnh đạo đã giúp tăng cường an ninh, với sự hiện diện thường trực của ít nhất 20 con tàu chiến trong khu vực.

Những con tàu này sẽ đảm bảo thiết lập một hành lang an ninh xuyên suốt khu vực và săn lùng những tên cướp. Các tàu này được sự hỗ trợ bởi máy bay không người lái của Mỹ, sẽ cảnh báo mỗi khi phát hiện cướp biển Somali ra khơi.

Trong khi đó ngành công nghiệp tàu biển cũng áp dụng rộng rãi các khuyến cáo chống cướp cho các con tàu đi qua vùng nhạy cảm. Ví dụ các tàu được khuyên nên nâng hết thang lên tàu và di chuyển với tốc độ cao hơn (khuyến cáo nói rằng cướp biển không bao giờ  cướp thành công các con tàu chạy nhanh hơn 34 km/h). Các công ty vận tải cũng thuê mướn nhiều hơn các nhóm bảo vệ có vũ trang, thường gồm 4 cựu lính thủy đánh bộ Mỹ hoặc Anh, giúp bảo vệ họ trên các chặng nguy hiểm nhất của hành trình.

"Chúng chỉ đang chờ chúng ta ngủ"

Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo 2013 có thể chỉ là một khoảng lặng và khoảnh khắc thành công có thể bốc hơi rất nhanh, nếu hải quân quốc tế bị cắt vốn hoạt động. Hiện ít nhất ngân sách chống cướp biển của Hải quân Mỹ đã có khả năng bị cắt giảm. Và khi sự hiện diện của hải quân quốc tế suy giảm, cướp biển sẽ lại trỗi dậy.

Ngoài ra, các nhà quan sát cũng lo ngại rằng ngành công nghiệp vận tải biển sẽ trở nên tự mãn và lơ là cảnh giác. Các con tàu luôn miễn cưỡng tăng tốc độ bởi việc này khiến họ phải trả thêm nhiều phí nhiên liệu. Các đội an ninh bảo vệ tàu dù hiệu quả, lại làm dấy lên nguy cơ gây đổ máu tăng cao, trong tình huống họ không kiểm soát được tình hình. Người ta cũng chưa rõ tình trạng pháp lý liên quan tới sự tồn tại của các đội an ninh này; liệu họ có được phép nổ súng vào một con tàu khác, kể cả đó phương tiện của cướp biển; ai sẽ chịu trách nhiệm pháp lý khi cướp biển chết hoặc bị thương.

Một đoạn video được ghi hình hồi năm 2012 cho thấy một đội an ninh đã bắn gần 400 viên đạn vào những tên cướp đang lao tới và nhiều khả năng khiến ai đó thương vong. Đoạn video đã gây tranh cãi lớn về vai trò khó kiểm soát của các lược lượng bảo vệ trên biển.

Cuối cùng, cướp biển chưa từng biến mất ở Somali. Các chuyên gia cho rằng chúng vẫn ngầm sử dụng các con tàu đánh cá đánh cướp được như vỏ bọc an toàn, để nhắm tới mục tiêu là các tàu chở dầu và chở container. Chúng vẫn đang nắm trong tay hơn 70 con tin và sẽ chưa bỏ cuộc chừng nào vẫn còn khả năng đòi tiền chuộc.

"Hoạt động cướp biển sẽ tiếp diễn tại Somali" - chuyên gia theo dõi cướp biển người Kenya là Andrew Mwangura đánh giá - “Chúng chỉ đang chờ chúng ta chìm vào giấc ngủ, trước khi ra tay hành động".

Tường Linh (theo Time)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm