Cười và suy ngẫm cùng giải Ig Nobel 2012

22/09/2012 10:20 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Đã bao giờ bạn băn khoăn vì sao ly cà phê của bạn luôn luôn trào ra khi bạn cầm nó đi lại loăng quăng? Hay bạn muốn tìm ra cách nào đó để khiến những người nói nhiều phải ngậm miệng? Những câu hỏi này có vẻ như không phải là các thách thức khoa học lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Tuy nhiên chúng lại hoàn toàn xứng đáng để được trao giải Ig Nobel 2012.

Những người có đáp án cho các câu trả lời trên đã nằm trong nhóm 10 phát minh, nghiên cứu được trao giải Ig Nobel 2012 diễn ra hôm 20/9 (21/9 giờ VN) tại Đại học Harvard, Mỹ.

Người Nga thuộc nhóm dẫn đầu

“Chúng tôi muốn tôn vinh các thành tựu trước tiên làm người ta cười, sau đó khiến họ phải suy ngẫm" - Marc Abrahams, sáng lập viên và là người đóng vai trò chủ tọa các lễ trao giải Ig Nobel nói trong buổi lễ. Năm nay, các nhà khoa học tới từ 5 châu lục đã được trao 10 giải Ig Nobel.

Ít nhất 9 người giành giải đã tự bỏ tiền túi của họ tới khu ký túc xá của Harvard ở Massachusetts để nhận giải. Trong số này có Igor Petrov,  người đi từ miền Trung nước Nga tới dự buổi lễ. Petrov, một kỹ sư điện, là 1 trong 3 người Nga nhận giải Ig Nobel. "Tôi luôn bị thu hút trước việc phải làm điều gì đó thật sáng tạo" - ông thổ lộ.

Công trình nghiên cứu của ông đã giành giải Ig Nobel Hòa bình do tìm cách biến đổi thuốc nổ lâu không sử dụng thành kim cương nano và dùng chúng trong hoạt động trị liệu ung thư như hóa trị. Petrov nói rằng ông đã nghiên cứu ý tưởng trong suốt 20 năm qua và chẳng bao giờ nghĩ nó sẽ mang về cho mình một giải thưởng bất ngờ như vậy.

Nghiên cứu về tóc đuôi ngựa của Patrick Warren (ảnh) và các cộng sự đã được trao giải Ig Nobel vật lý

Năm nay Nga cũng là một trong những nước có nhiều nhà khoa học giành giải Ig Nobel nhất. Một người Nga khác đã đoạt giải là Rouslan Krechetnikov, giáo sư Kỹ thuật Máy tại Đại học California, Santa Barbara. Ông đã nhận bằng tiến sĩ Toán ứng dụng tại Viện nghiên cứu Vật lý và Công nghệ Moskva. Krechetnikov và sinh viên Hans Mayer đã mang về giải Động lực học chất lưu vì tiến hành nghiên cứu động lực của chất lỏng, để hiểu được chuyện gì đã xảy ra khi một người đi bộ tay cầm theo một tách cà phê. “Dù hiển nhiên chúng ta đều biết cà phê sẽ trào ra ngoài cốc khi ai đó bước đi, chúng ta vẫn không ngờ rằng việc đo đếm chính xác lượng cà phê trào ra là có thể thực hiện được" - Krechetnikov nói.

Người Nga cuối cùng giành giải Ig Nobel Tâm lý là Tulio Guadalupe (quốc tịch Nga/Peru/Hà Lan). Tulio cùng nhà khoa học Anita Eerland và Rolf Zwaan (Hà Lan) đã được trao giải vì nghiên cứu cho thấy nếu du khách tới thăm tháp Eiffel của Pháp và nghiêng mình sang bên trái một chút, họ sẽ thấy tòa tháp này có vẻ nhỏ đi.

Các nghiên cứu khôi hài, nhưng thực tế

Mặc dù các nghiên cứu nghe có vẻ khôi hài, phần lớn chúng là nhằm giải quyết cho các vấn đề mang tính thực tiễn và đã được xuất bản trong các nghiên cứu khoa học uy tín. Đơn cử như một nhóm các nhà nghiên cứu tới từ Mỹ và Anh đã hợp tác với nhau để giành giải Ig Nobel Vật lý. Họ là Joseph Keller, Raymond Goldstein, Patrick Warren và Robin Ball, đã tính toán sự cân bằng lực giúp định hình và di chuyển tóc trong kiểu tóc đuôi ngựa. Tiến sĩ Warren, người là nhà nghiên cứu ở công ty Unilever tại Anh, nói rằng ông đã rất vui khi nhận giải Ig Nobel. "Tôi rất mừng vì công việc tôi làm đã thu hút nhiều sự chú ý tới vậy" - ông nói với hãng tin BBC News - "Lĩnh vực của tôi, vật lý thống kê, vốn không được nhiều người biết tới. Vì thế chúng tôi rất hài lòng rằng mình đã làm được điều thu hút sự tò mò chú ý của người khác".

Nghiên cứu của Warren đã tính toán tới độ cứng của các sợi tóc trên đầu, tác động của trọng lực và sự hiện diện của các lọn tóc xoăn hay gợn sóng, vốn quyết định chuyển động của kiểu tóc đuôi ngựa. Công thức mà nhóm tạo ra được gọi là Hằng số Rapunzel, có thể dùng để dự đoán hình dáng của mái tóc khi nó được túm ra phía sau đầu và buộc vào với nhau.

"Tôi đã nghiên cứu trên đề tài này trong một thời gian dài" - Warren nói - "Tại Unilever, như các anh biết đấy, chúng tôi rất quan tâm tới vấn đề tóc bởi chúng tôi bán khá nhiều sản phẩm chăm sóc tóc. Tôi cũng băn khoăn liệu mình có thể đóng góp gì được cho lĩnh vực mô phỏng máy tính hay không. Tóc là thứ rất khó trông giống với tự nhiên trong các phim hoạt hình".

Điểm mặt anh tài

Các nhân vật khác giành giải Ig Nobel năm nay còn có Kazutaka Kurihara và Koji Tsukada (Nhật Bản), những người đã giành giải Âm học vì tạo ra SpeechJammer, một cỗ máy có vai trò ngắt quãng bài phát biểu của một người, bằng cách khiến chính họ nghe các từ do họ nói ra, được xử lý để "nhại" lại chậm hơn một chút.

Giải Ig Nobel Giải phẫu thuộc về Frans de Waal (Hà Lan) và Jennifer Pokorny (Mỹ) vì phát hiện rằng tinh tinh có khả năng nhận diện các con tinh tinh khác, chỉ nhờ việc nhìn từ phía sau đồng loại.

Emmanuel Ben-Soussan và Michel Antonietti (đều quốc tịch Pháp), đã giành giải Ig Nobel Y tế vì đưa ra lời khuyên cho các bác sĩ tiến hành khám ruột kết cách thức để giảm thiểu khả năng bệnh nhân của họ sẽ “nổ”.

Giải Khoa học thần kinh thuộc về Craig Bennett, Abigail Baird, Michael Miller và George Wolford (Mỹ) vì đã chứng minh rằng các nhà nghiên cứu não bộ, thông qua việc sử dụng các thiết bị phức tạp và các số liệu thống kê đơn giản, đã có thể nhìn thấy các hoạt động não bộ có ý nghĩa ở khắp nơi, ngay cả trên một con cá hồi chết ngắc từ lâu.

Johan Pettersson ở Thụy Điển giành giải Ig Nobel Hóa học vì giải quyết được bí ẩn vì sao trong một số ngôi nhà ở thị trấn Anderslöv của Thụy Điển, tóc người ta lại chuyển sang màu xanh lá. Cuối cùng, giải Ig Nobel Văn chương được trao cho Văn phòng Kiểm toán Chính phủ vì đã phát hành một tài liệu "báo cáo về các báo cáo liên quan tới các báo cáo đề nghị việc chuẩn bị một báo cáo về báo cáo về các báo cáo liên quan tới các báo cáo" (?!).

Tường Linh (Theo BBC)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm