Cuộc chiến chống đi tàu trên nóc

25/02/2012 07:19 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Nhà chức trách Indonesia vừa thực hiện một trong những cách lạ lùng nhất để ngăn chặn tình trạng các hành khách chen chúc trên nóc các đoàn tàu hỏa đi qua những vùng đô thị nước này: những chiếc chổi kim loại.

“Những ai vẫn cố tình leo lên nóc tàu, họ sẽ như bị roi quất”, Ahmad Sujadi, người của công ty đường sắt quốc gia PT Kereta Api Indonesia, cho hay. Dọc theo đường tàu lửa, người ta đã dựng lên các khung kim loại treo những sợi dây với một quả lắc bằng bê tông, không chạm vào nóc toa tàu, nhưng đủ để đập vào những kẻ cố tình đi tàu bằng cách ngồi trên nóc, những cú trời giáng ở tốc độ 40-50 km/giờ.

Cảnh thường thấy trên các toa tàu lửa ở Indonesia...

Đây là sáng kiến mới nhất, và thành công nhất, trong hàng loạt nỗ lực của nhà chức trách nhằm ngăn chặn các hành khách Indonesia sống ở vùng ngoại ô đi làm ở trung tâm bằng cách leo lên nóc tàu hỏa. Trước đó, họ đã thử bắn bằng súng sơn, dọa dẫm bằng chó nghiệp vụ và kêu gọi sự giúp đỡ từ các giáo sĩ Hồi giáo, nhưng đều vô hiệu.

Các hòn bi bê tông kích cỡ bằng một quả táo, mỗi viên nặng khoảng 3kg, được treo trên các khung kim loại nhìn như một khung thành bóng đá có thể khiến những kẻ đi tàu mạo hiểm bị đập vào đầu, thậm chí là thiệt mạng. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có ca tử vong nào xảy ra do hầu hết những người liều lĩnh đã đầu hàng trước biện pháp mới. Các quan chức đường sắt nói họ sẽ mở rộng hệ thống này, nối các đường ray từ thủ đô Jakarta đi nhiều nơi.

Sujadi bảo vệ biện pháp có phần cực đoan này trước những chỉ trích: “Một số người nói làm thế này là không nhân đạo, nhưng để họ ngồi trên nóc toa tàu lửa còn kém nhân đạo hơn”. Tại Indonesia, do tình trạng giao thông quá tải với hầu hết các phương tiện và hệ thống hạ tầng, hàng trăm người phải ngồi trên nóc tàu lửa để đến nơi làm việc mỗi ngày vì trong toa đã quá chật chội, vì họ muốn hít thở khí trời, để trốn vé hoặc đơn giản là vì vui. Nhưng mỗi năm xảy ra hàng chục ca tử vong vì kiểu đi lại mạo hiểm này, chủ yếu là do rơi xuống đường từ nóc tàu hay bị giật chết do đụng vào các đường dây điện chạy dọc theo hoặc giao cắt đường tàu. Công ty Kereta Api cho biết năm ngoái đã có 7 trường hợp tử vong và 37 người khác bị thương.

... và giải pháp của nhà chức trách

Tuy nhiên, lý lẽ của những người đi tàu trên nóc, chủ yếu là thanh niên, có thể khác: “Ở trong toa làm gì có chỗ, tốt hơn là cứ leo lên trên!”. Các nhà hoạt động nhân quyền cũng không thích biện pháp cứng rắn này của nhà chức trách. Vé thu được từ hành khách chiếm 85% doanh thu của công ty Kereta Api ở Java, đảo đông dân nhất Indonesia, và họ bị cáo buộc đã đặt lợi ích kinh tế lên trên người nghèo. Nhiều hành khách đi tàu hàng ngày cũng rất giận dữ, cho rằng họ đã mua vé, nhưng chẳng thể nào tìm được chỗ trên toa xe. Mỗi ngày, khoảng 250.000 người lao động đủ loại dồn từ khắp nơi về Thủ đô Jakarta, nơi tập trung dân số tới 12 triệu người.

Adi Supriyadi, 21 tuổi, sống ở Bogor, phía nam Jakarta và là một khách quen của hệ thống tàu lửa chậm chạp cũ kỹ ở Indonesia, cho rằng biện pháp mới sẽ chẳng sống được bao lâu: “Họ đã làm đủ kiểu rồi, nhưng người dân sẽ hủy hoại họ. Chừng nào còn không đủ chỗ, và mọi người phải chen chúc như trong hộp cá mòi, thì sẽ có ai đó leo lên nóc. Thêm nữa, trên đó thoáng mát và có khí trời. Còn về phần tôi, tôi sẽ bị sa thải nếu đi làm muộn. Ai sẽ nuôi tôi đây?”.

Theo luật, những người đi trên nóc xe lửa sẽ bị phạt tù tối đa 3 tháng và 15 triệu rupiah (1.665 USD). Nhưng luật hiếm khi được áp dụng, một phần do Jakarta hiện giờ vẫn không có một hệ thống vận tải công cộng quy mô lớn. Hệ thống đường sắt hiện nay cũng chỉ là di sản của thời thuộc địa Hà Lan. Tuy nhiên, Sujadi vẫn bảo vệ phương pháp mới: “Nếu bạn muốn đi tàu an toàn, thì phải tuân theo luật lệ. Không liên quan gì đến chuyện lời lỗ ở đây. Với chúng tôi, an toàn của hành khách là hàng đầu”.

Loan Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm