CIA chấp nhận hành động gián điệp ở Nga bằng mọi giá

15/05/2013 10:07 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa) - Vụ bê bối điệp viên CIA đội lốt Bí thư thứ 3 Đại sứ quán Mỹ ở Matxcova đã nói lên rằng Cơ quan tình báo trung ương Mỹ bất chấp mạo hiểm thực hiện hành động giáp điệp ở Nga bằng mọi giá.

RIA Novosti dẫn lời một quan chức an ninh giấu tên nói rằng Ryan C. Fogle bị bắt bởi cơ quan phản gián Nga “theo phương thức cổ điển”. Phía Nga đã đầu tư rất lớn cho chiến dịch bắt giữ này, tuy nhiên, thời gian chuẩn bị chưa đầy 1 tháng.

Fogle bị an ninh Nga khống chế

“Vụ bắt quả tang này đã cho thấy sự chuyên nghiệp của các nhân viên FSB. Mặt khác, việc điệp viên CIA chấp nhận rủi ro cao nhất khi đồng ý một cuộc gặp mặt vào ban đêm và làm việc không có sự hỗ trợ của vỏ bọc ngoại giao cần thiết còn nói lên sự thiếu hụt nghiêm trọng mạng lưới điệp viên của phương Tây trong các cơ quan an ninh Nga và họ đang nỗ lực bằng mọi giá” - RIA Novosti dẫn lời nguồn tin riêng.

“Số tiền lớn và những vật thay đổi hình dạng mà điệp viên này mang theo chứng minh rằng, CIA trong hoạt động của mình ở lãnh thổ Nga không từ bất kỳ phương pháp hay thủ đoạn hoạt động tình báo nào, dù cho cả những biện pháp mà CIA đã sử dụng để chống lại Liên Xô từ cách đây 20 đến 30 năm.” – nguồn tin của RIA Novosti cho biết thêm.  

Theo BBC, cả Nga và Mỹ đều biết rằng hoạt động gián điệp vẫn chưa kết thúc từ thời điểm khép lại chiến tranh lạnh. Các điệp viên vẫn tiếp tục hoạt động và theo chu kỳ sẽ trở thành trung tâm của những vụ bê bối mới.

Trong một bình luận được đăng tải ngày 14/5, Steve Rosenberg - phóng viên thường trú của BBC tại Matxcova nói rằng đây là thời điểm khá khó khăn đối với mối quan hệ Nga-Mỹ. Cả hai bên đang tham gia vào đối thoại ngoại giao không hề đơn giản về tình hình Syria. Cả hai quốc gia đã thực hiện những bước đi quan trọng nhằm cải thiện quan hệ.

Tuy nhiên tuyên bố của FSB về việc phát hiện điệp viên CIA nhiều khả năng sẽ có hậu quả ngoại giao trong dài hạn. Cả hai nước biết rằng hoạt động gián điệp vẫn chưa kết thúc từ thời điểm khép lại chiến tranh lạnh. Các điệp viên vẫn tiếp tục hoạt động và theo chu kỳ sẽ trở thành trung tâm của những vụ bê bối mới.

Cũng theo Steve Rosenberg, FSB nhấn mạnh rằng người Mỹ cách đây không lâu đã nỗ lực tuyển mộ một số đại diện của cơ quan công lực Nga, và rằng, các cơ quan an ninh Nga theo dõi chặt chẽ những hoạt động như vậy. Điều này có thể cung cấp cho Mỹ cách hiểu rằng: mặc cho những hoạt động ngoại giao và những loan báo về sự hợp tác, Matxcova không sẵn sàng tin tưởng Wasington hoàn toàn. 

FSB Nga bắt giữ điệp viên CIA ở Matxcơva

Trước đó, Cơ quan an ninh Liên bang Nga FSB thông báo trong đêm ngày 13/5 các nhân viên phản gián đã bắt giữ công dân Mỹ vì hành động gián điệp. Người này sau đó được làm rõ chính là sĩ quan của Cục tình báo trung ương Mỹ CIA hoạt động dưới vỏ bọc là Bí thư thứ 3 của Đại sứ quán Mỹ tại Matxcova Ryan Christopher Fogle.

Theo FSB, Ryan C. Fogle bị bắt khi tiếp xúc với một điệp viên là cán bộ của một cơ quan an ninh Nga. Các nhân viên phản gián FSB đã phát hiện các phương tiện kỹ thuật đặc biệt kèm hướng dẫn sử dụng dành cho công dân Nga bị tuyển mộ, ngoài ra, nhân viên FSB cũng phát hiện số tiền lớn và các phương tiện nguỵ trang khi khám xét Ryan Christopher Fogle.

Bộ Ngoại giao Nga phản ứng giận giữ trước hành động gián điệp của nhân viên CIA, cáo buộc cán bộ Đại sứ quán Mỹ bị bắt giữ là “nhân viên đội lốt” và yêu cầu trở về Mỹ không chậm trễ.

“Trong bối cảnh hai Tổng thống Nga và Mỹ khẳng định sự sẵn sàng mở rông quan hệ hợp tác song phương, bao gồm cả các cơ quan an ninh trong nhiệm vụ chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, thì hành động khiêu khích như vậy theo tinh thần “chiến tranh lạnh” không góp phần tăng cường niềm tin lẫn nhau” – thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao Nga.

Liên quan tới vụ việc, Đại sứ Michel McFaul đã bị triệu đến trụ sở Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu giải thích về vụ việc. “Phía Nga cáo buộc R.Fogle là “nhân viên đội lốt” và yêu cầu ông ta trờ về Mỹ trong thời gian sớm nhất” – theo thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao Nga.

Theo các hình ảnh hiện trường, Ryan C. Fogle bị bắt khi hoá trang thành một người đi tản bộ. Và ngoài bộ tóc giả màu hung anh ta đội khi bị bắt, các nhân viên FSB còn tìm thấy 1 bộ tóc giả khác màu đen. Theo Bộ Ngoại giao Nga, số tiền tìm thấy trên người Ryan C. Fogle “là quá lớn và nó không chỉ vạch trần bộ mặt thật của điệp viên nước ngoài bị bắt quả tang, mà còn đặt ra những câu hỏi nghiêm túc đối với phía Mỹ”.

Việc bị bắt quả tang khiến thân phận của mình bị lộ tẩy Ryan C. Fogle bị buộc phải rời nước Nga trong thời gian nhanh nhất có thể và không phải với trạng thái “nhân viên ngoại giao” mà là “một nhân viên đội lốt”.

Đại sứ Mỹ đã có bình luận về thông tin bắt giữ nhân viên CIA. Trong thông báo trên Twitter, khi trả lời câu hỏi ông có bình luận gì về vụ bắt giữ này, Michael McFaul đã viết: “Không”. Bộ Ngoại giao Mỹ chưa có bình luận chính thức về vụ bắt giữ này. Trong khi đó, Thư ký báo chí của Nhà trắng khi được yêu cầu bình luận về thông báo của FSB, đã nói với RIA Novosti rằng: “đây là vấn đề của Bộ Ngoại giao. Khi nào có thông tin chúng tôi sẽ cho biết”.

Trong một diễn biến mới nhất, Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Duma quốc gia tức Hạ viện Nga Aleksei Pushkov cho rằng, vụ bê bối liên quan tới việc bắt giữ điệp viên CIA sẽ là tạm thời và không cản trở cuộc đàm phán của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.  

Danh Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm