Chuyện nước Mỹ: Khi tiền nhảy múa trên chính trường

15/06/2012 08:42 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH Cuối tuần) - Chạy đua ngồi ghế ông chủ Nhà Trắng ngày càng mang màu sắc của cuộc đua tiền bạc. Tới mức, không ít người Mỹ tin rằng, cứ có nhiều tiền là có thể sẽ thành quan.

Chiến thắng của đồng tiền

Tuần trước, vị Thống đốc bang Wisconsin Scott Walker trở thành thống đốc đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ “sống sót” sau một cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Ông Scott Walker, người của đảng Cộng hòa đánh bại Thị trưởng thành phố Milwaukee Tom Barret, người của đảng Dân chủ với khoảng cách 7 điểm, dù trước đó bị chỉ trích nặng nề. Bí quyết là đảng Cộng hòa đổ vào cuộc đấu này tới 45,6 triệu USD trong khi đảng Dân chủ chỉ chi 17,9 triệu USD. Tỷ lệ đấu tiền huy động giữa hai cá nhân cũng nghiêng hẳn về Walker là 31 triệu USD so với 4 triệu của Barret.

Khách mời thường xuyên của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Obama là các ông chủ tập đoàn lớn

Tiếp giáp với Wisconsin về phía Tây Nam là bang Iowa, nơi diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên (theo hình thức họp kín) của đảng Cộng hòa chọn ứng viên ra đấu với ông Obama hồi tháng 1 năm nay. Hình ảnh của ứng viên sáng giá nhất ở thời điểm đó, Newt Gingrich trở nên méo mó bởi hàng loạt các sai lầm của ông thời làm Chủ tịch Hạ viện bị một tổ chức vận động chính trị (Super PAC) của ứng viên Romney bỏ ra hơn 3 triệu USD mua sóng truyền hình để tuyên truyền. Gingrich vì chủ quan chỉ chi 263.000USD để đánh bóng thương hiệu của mình. Kết cục, ông thất bại ngay ở cuộc đấu đầu tiên và bị bỏ rơi trong suốt các cuộc đua sau (chỉ thắng một bang). Gắng gượng không nổi, Gingrich phải dừng cuộc đua ở giữa tháng 4 năm nay khi quỹ tranh cử của ông cứ âm mãi. Sau cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa ở bang Texas, người chiến thắng chính thức là ông Romney với ngân quỹ quyên được cho tới đầu tháng 4 là 87 triệu USD, bằng 2/3 của tổng 9 đối thủ của ông (bỏ cuộc qua các thời điểm khác nhau) cộng lại.

Thắng lợi của Romney vốn là triệu phú với tài sản 230 triệu USD, trở thành đại diện của đảng Cộng hòa khiến cho chiến dịch gây quỹ tranh cử của Tổng thống đương nhiệm Obama trở nên cấp thiết hơn bất cứ lúc nào. Hầu như tuần nào ông Obama cũng tranh thủ tổ chức sự kiện gây quỹ. Ông vừa từ Washington ở bờ Đông đi bờ Tây của nước Mỹ, tổ chức chương trình Ăn sáng với tổng thống tại Los Angeles, mỗi suất giá 2.500USD.

Tài trợ đi, rồi vào Nhà Trắng

Thế nhưng, bữa ăn sáng với bánh mì, cá da trơn và gà rán e rằng không phải là những thứ duy nhất ông Obama mang ra đổi lấy những tấm séc. Chiến dịch năm 2008, những thành tích trong việc quyên tiền đã được đền đáp bằng những chiếc ghế trong bộ máy chính quyền Nhà Trắng và cả những cơ hội làm ăn trị giá nhiều triệu USD.

Một báo cáo mới đây của Tổ chức theo dõi chính quyền (CPI - Center for Public Intergrity) công bố, rất nhiều người thăng quan tiến chức trong bộ máy lãnh đạo của Obama 3 năm qua chính là những người đã góp phần mang lại cho ông 750 triệu USD tiền quỹ tranh cử năm 2008. Ước tính, cứ 3 người nằm trong danh sách quyên được nhiều tiền nhất cho ông Obama, thì 1 (hoặc vợ/chồng) lại được một chức vụ nào đó. 186 trong tổng số 556 những người đứng đầu danh sách quyên tiền nay đã là quan chức chính phủ ở nhiều cấp.Thậm chí, tỷ lệ này còn cao hơn nữa với danh sách những người quyên được ít nhất nửa triệu USD, lên tới 80%.

Romney trong một cuộc vận động tranh cử ở Iowa. Ảnh: Phạm Tấn

Giáo sư luật từ Đại học George Washington, Spencer Overton, người đã quyên giúp Obama không dưới nửa triệu USD, được bổ nhiệm vào ủy ban chuyển giao chính quyền, sau đó giữ ghế phó văn phòng chính sách pháp luật có quyền tuyển chọn các ứng viên thẩm phán liên bang và là cơ quan nghiên cứu chiến lược của Bộ Tư pháp Mỹ. Trước khi Overton từ chức không lý do, lương của ông là 180.000 USD/năm. Overton chỉ là 1 trong 7 người quyên tiền “hạng khủng” cho ông Obama đã được bổ nhiệm vào bộ máy của Bộ Tư pháp. Chuyên gia tư vấn cho các tổ chức phi lợi nhuận, Michael Caplin, người quyên giúp ông Obama hơn 200.000USD sau này được mời vào ủy ban học giả của tổng thống, một cơ quan chuyên xem xét lựa chọn và tôn vinh những sinh viên ưu tú của nước Mỹ. Tại Bộ Năng lượng, có 4 nhà vận động tài chính với tổng số quỹ huy động là 1,6 triệu USD cũng được bổ nhiệm vào các chức vụ khác nhau, từ quan chức bình thường cho tới chuyên gia tư vấn. 22 chuyên gia quyên tiền khác cho ông Obama năm 2008 được bổ nhiệm vào các tổ chức phi chính trị khác nhau. Tính tới giữa năm 2011, Tổng thống Obama đã bổ nhiệm 24 đại sứ của Mỹ tại các nước. Trong đó, 14 đại sứ đồng thời là những người đã giúp ông Obama quyên được ít nhất nửa triệu USD, 6 đại sứ khác khiêm tốn hơn với mức 200.000USD mỗi người. Donald Gips, vị Phó chủ tịch tập đoàn Level 3 Communications, sau khi giúp ông Obama có được 500.000USD tiền quỹ, đã được bổ nhiệm phụ trách tuyển lựa nhân sự Nhà Trắng năm 2009, sau đó lên đường đi Nam Phi với tư cách Đại sứ Mỹ.

Tiền trao, đổi lại bằng dự án

Rất nhiều người thăng quan tiến chức trong bộ máy lãnh đạo của Obama 3 năm qua chính là những người đã góp phần mang lại cho ông 750 triệu USD tiền quỹ tranh cử năm 2008.

Tập đoàn Level 3 Communications có 2 quan chức nỗ lực gây quỹ cho ông Obama, khoảng 300 ngàn USD tổng cộng. Tập đoàn này chính là một trong số những địa chỉ được nhận những dự án hoặc gói hỗ trợ tài chính kích thích từ Chính phủ. Tập đoàn này còn nhận được hỗ trợ 13,8 triệu USD để nâng cấp đường truyền internet ở các vùng hẻo lánh của nước Mỹ, nơi họ đang cung cấp dịch vụ.

Ở mức cao hơn, hơn nửa tỉ USD được rót vào dưới các khoản kích thích hỗ trợ, cho vay vào 4 doanh nghiệp nơi có vốn đầu tư của công ty thuộc doanh nhân trong lĩnh vực năng lượng xanh Steven Westly, người cũng quyên giúp được hơn nửa triệu USD cho ông Obama. Công ty của George Kaiser, một trong những nhà tài trợ truyền thống của đảng Dân chủ, cũng nhận được dự án trị giá 535 triệu USD sản xuất tấm panel năng lượng mặt trời ở thung lũng Silicon.

Giới hạn nào cho mặt trái?

Năm 2010, tòa án Mỹ tuyên bố để đảm bảo quyền tự do cá nhân, các Super PAC được phép tổ chức ủng hộ gián tiếp cho các ứng viên với một số tiền không hạn định, trong khi các cá nhân vẫn chỉ được ủng hộ trực tiếp cho các ứng viên tối đa là 5.000USD (2.500USD cho bầu cử sơ bộ và 2.500 cho tổng tuyển cử). Điều này mở ra con đường cho các triệu phú, tỷ phú ở Mỹ đổ tiền và tác động tới cuộc bầu cử tổng thống. Trong khi Romney thua Obama ở mặt trận quyên tiền trực tiếp 175 triệu so với 277 triệu USD tính tới hết tháng 5, thì Super PAC Khôi phục tương lai chúng ta (Restore Our Future) của Romney lại quyên được gần 100 triệu USD chủ yếu để chạy các chương trình tấn công đối thủ Obama trên truyền hình. Chính tổ chức này đã chi ra tới hơn 30 triệu USD chỉ để “đánh” 2 ứng viên khác của đảng Cộng hòa là Gingrich và Santorum cho tới khi họ chính thức “đổ kềnh”. Quy định ấy cũng làm dấy lên lo lắng một khi Romney chiến thắng, trở thành tổng thống Mỹ thứ 45 trong lịch sử, liệu Nhà Trắng lúc đó có phải là một tập hợp những nhà triệu phú đã đổ tiền ra ủng hộ ông? Và dư luận Mỹ cũng không hẳn thanh thản nếu Obama tái cử, vì các nhà vận động gây quỹ của ông được khuyến khích là phải kiếm được 350.000USD cho riêng cuộc tranh cử của tổng thống và một con số tương tự cho đảng Dân chủ.

Nhưng cái hay của chính trường Mỹ là ai cho ai bao nhiêu tiền đều công khai, hoặc chỉ mất công đôi chút là người dân tiếp cận được với số liệu và danh sách. Và điều quan trọng nhất, là người Mỹ vẫn còn lá phiếu trong tay để quyết định trong một cuộc bầu cử mà công việc kiểm phiếu của nó ít bị nghi ngờ nhất.

Phạm Tấn (P/v TTXVN tại Washington D.C)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm