Chìm phà trên sông Dương Tử, Trung Quốc : Nỗi lo về một 'thảm họa Sewol' thứ hai ở châu Á

03/06/2015 05:09 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Khi thợ lặn Trung Quốc nỗ lực tìm cách cứu nhiều nạn nhân bị kẹt trong một chiếc phà bị đắm trên sông Dương Tử ở nước này, khung cảnh tại hiện trường đã khiến nhiều người nhớ tới vụ chìm phà Sewol tai tiếng ở Hàn Quốc, diễn ra hồi năm ngoái.

Thoạt nhìn, cả hai vụ tai nạn này trông có vẻ giống nhau, nhất là chi tiết các thuyền trưởng đều là những người đầu tiên được cứu và sống sót, trong khi hành khách của họ bỏ mạng. Điều này khiến nhiều người lo sợ sẽ có một thảm họa Sewol thứ hai xảy ra.

Tuy nhiên, khi xem xét kỹ, người ta mới thấy có nhiều điểm khác biệt.

Tốc độ cứu hộ của Trung Quốc rất nhanh

Sau khi nhận tin về vụ tai nạn, lực lượng cứu hộ Trung Quốc đã lập tức lên đường. Họ đã tìm thấy chiếc phà bị lật úp ngay trong sáng ngày 2/6. Tới thời điểm bài báo lên khuôn, thợ lặn Trung Quốc đã cứu được ít nhất 2 người sống sót từ chiếc phà bị đắm. Có tin nói lực lượng cứu hộ đã cắt thân phà để đẩy nhanh tốc độ cứu người. Họ cũng đã xác định được vị trí của 4 người sống sót khác.


Thợ lặn Trung Quốc đưa một người sống sót sau vụ đắm phà trên sông Dương Tử lên bờ

Để so sánh, thợ lặn Hàn Quốc phải mất tới 3 ngày mới chui được vào phà Sewol, sau khi nó bị chìm vào ngày 16/4/2014. Tới thời điểm đó, những gì họ có thể làm chỉ là vớt thi thể các nạn nhân.

Trong vòng 3 ngày, khi nhiều đội phóng viên ghi hình chiếc phà đang chìm dần xuống, trước sự kinh hoàng của cả đất nước, các thợ lặn và nhân viên cứu hộ đã không thể nào vào trong thân phà. Giới chức Hàn Quốc nói rằng các dòng chảy mạnh quanh khu vực phà đắm, nhiệt độ lạnh và điều kiện thời tiết bất ổn đã khiến thợ lặn bị de dọa tính mạng nếu tìm cách vào trong phà.

Người Hàn Quốc thể hiện sự tức giận mạnh hơn

Sự tức giận và phẫn nộ của các gia đình có thân nhân gặp nạn ở Trung Quốc chắc chắn sẽ khác biệt so với Hàn Quốc, nơi nhiều gia đình đã đi theo, gào thét vào mặt giới chức lãnh đạo tới thị sát vụ tai nạn. Nỗi tức giận cũng đọng lại trong lòng công chúng, cho rằng chính quyền đã tổ chức cứu nạn quá tồi. Họ xem hoạt động cứu nạn giống như hành vi phạm tội ác.

Trong năm ngoái, hàng chục người đã cắm trại bên ngoài một quảng trường lớn ở Hàn Quốc để phản đối cách thức chính quyền xử lý thảm họa.

Sự phẫn nộ lớn tới mức Tổng thống Hàn Quốc sau đó phải giải tán lực lượng tuần duyên và tạo ra một tổ chức mới chuyên giám sát các vấn đề an toàn.


Vụ đắm phà Sewol đã bị chỉ trích vì được xử lý quá tồi, khiến nhiều nạn nhân thiệt mạng

Thuyền trưởng bị căm ghét nhất

Có một sự tương đồng giữa hai sự kiện, đó là cả hai thuyền trưởng đều còn sống sót. Hiện còn quá sớm để nói điều gì đã diễn ra ở Trung Quốc và thuyền trưởng sẽ đối mặt với phản ứng nào. Nhưng thuyền trưởng phà Sewol là một trong những nhân vật bị căm ghét nhất lịch sử Hàn Quốc thời gian gần đây.

Ông ta là một trong những người đầu tiên nhảy khỏi phà đắm. Các đội quay phim đã thấy ông ta mặc quần lót nhảy từ phà đắm lên một con tàu của lực lượng tuần duyên. Vị thuyền trưởng sau đó đã bị bắt vì tắc trách và bỏ rơi người bị nạn.

Người Hàn Quốc tức giận không chỉ bởi vị thuyền trưởng vội vã cứu tính mạng bản thân, mà còn bởi thông tin nói rằng ông ta đã điều phối rất tồi hoạt động giải cứu khi phà gặp nạn. Theo đó, thuyền trưởng đã yêu cầu các học sinh ở yên trong con phà Sewol, ngay cả khi nó đang chìm dần và cuối cùng đắm hẳn.

Tháng 4 năm nay, nhân vật này phải lãnh án tù chung thân, sau khi bị tuyên bố đã phạm tội giết người.

Thách thức trong hoạt động giải cứu

Hiện chưa rõ hoạt động giải cứu các nạn nhân đắm phà Trung Quốc sẽ thành công tới đâu. Nếu không thành công, câu hỏi được đặt ra là sẽ mất bao lâu để người ta thu hồi các thi thể? Trong vụ Sewol, hoạt động thu hồi các thi thể kéo dài tới 7 tháng và chỉ kết thúc trong tháng 11.

Đến thời điểm ấy, thợ lặn Hàn Quốc đã có hơn 200 ngày tìm kiếm và thu hồi 295 thi thể. Hiện vẫn còn 9 người đang mất tích.

Suốt thời gian đó, thợ lặn Hàn Quốc đã phải làm việc rất vất vả. Mỗi ngày,  họ phải tới bến tàu để kiểm tra dòng chảy và thời tiết. Nếu mọi chuyện ổn thỏa, họ phải lần xuống phà, tìm một cái cửa sổ, đập vỡ nó và chui vào trong.

Nước quanh phà Sewol dày đặc phù sa nên người ta không thể dùng đèn pin. Thợ lặn phải bò theo phà, dùng tay của họ để tìm đường. Thứ duy nhất giúp họ sống sót là một đoạn ống dẫn khí oxy dài chừng 100 mét.

Họ phải rất khéo léo để ống dưỡng khí này không bị nghẽn. Đôi khi, do nghẽn đường dưỡng khí, một số thợ lặn đã phải lao vội lên mặt nước để thở. Tuy nhiên việc này khiến họ dễ bị ốm do giảm áp đột ngột. Đã có 2 người thợ lặn thiệt mạng, sau khi hoạt động tìm kiếm cứu nạn Sewol chấm dứt.

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm