Chiến lược chống khủng bố của Pakistan đã thất bại?

17/12/2014 06:24 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 16/12, rất nhiều trẻ em đã bị giết trong một vụ tấn công gây sốc của lực lượng Taliban vào thành phố Peshawar của Pakistan. Các nhà phân tích đánh giá vụ việc cho thấy chính sách chống khủng bố của Pakistan đã không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Trong nhiều tháng trời, giới chức quân đội Pakistan, gồm Tư lệnh quân đội Raheel Rharif, khẳng định hoạt động quân sự chống Taliban ở khu vực Tây Bắc đất nước trong khuôn khổ Chiến dịch Zarb-e-Azb, đã đặc biệt thành công. Kết quả từ chiến dịch này là quân Chính phủ đã tiêu diệt nhiều hang ổ của các tay súng cực đoan, làm suy giảm sức mạnh Taliban.

Màn tắm máu trong trường học

Tuy nhiên vụ tấn công bất ngờ của những kẻ cực đoan vào một ngôi trường do quân đội điều hành ở Peshawar, thủ phủ tỉnh Khyber Pakhtunkhwa trong ngày 16/12 đã nói một câu chuyện khác. Báo chí địa phương cho biết một nhóm 6 kẻ tấn công tự sát mặc đồ của lính biên phòng Pakistan đã đi vào trường công quân đội nằm ở đường Warsak, Peshawar lúc 10h30 sáng và lập tức nổ súng không ngừng.

Các tay súng bình thản đi từ phòng học này sang phòng học khác, xả đạn vào các học sinh vẫn đang còn bị sốc. Ít nhất một kẻ đã cho nổ tung quả bom gã mang theo trong một lớp học. Đặc nhiệm quân đội Pakistan đã nhanh chóng tới hiện trường và đấu súng tiêu diệt những kẻ tấn công. Tuy nhiên hậu quả mà chúng để lại thật thảm khốc. Tỉnh trưởng Khyber Pakhtunkhwa cho biết ít nhất 126 người, với 84 là trẻ em, đã bị giết trong vụ tấn công. Toàn bộ 6 kẻ khủng bố cũng bị tiêu diệt.

Nhóm Taliban ở Pakistan (TTP) đã lập tức lên tiếng nhận trách nhiệm trong vụ tấn công. “Vụ việc này là lời đáp trả chiến dịch phản công và giết hại các chiến binh Taliban” - phát ngôn viên Muhammad Khorasani của TTP nói với hãng tin AFP.


Một nam sinh được giải cứu trong tình trạng bị thương

Nhóm khủng bố “chết chóc nhất”

Hành động dã man của những kẻ tấn công và tuyên bố nhận trách nhiệm của TTP đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm tới tổ chức khủng bố này. TTP là ai và vì sao chúng sẵn sàng nổ súng vào các nạn nhân vô tội như trẻ em?

Theo các chuyên gia, TTP ban đầu chỉ là các nhóm chiến binh hoạt động riêng lẻ dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh bộ tộc ở Pakistan. Về sau các nhóm này tập hợp dưới một tổ chức chung, có quan hệ mật thiết với Al Qaeda. TTP cũng đã thề trung thành với Mullah Omar, lãnh đạo tối cao của Taliban ở Afghanistan.

“Mục tiêu chủ đạo của nhóm này là nhà nước Pakistan và quân đội” - nhà phân tích chính trị Raza Rumi nói - “Nhóm muốn luật Sharia của Hồi giáo phải được triển khai ở Pakistan”. Kể từ khi thành lập tới nay, TTP đã tổ chức nhiều vụ tấn công táo tợn vào các mục tiêu dân sự và quân sự ở Pakistan, gồm vụ tấn công vào sân bay Karachi trong năm nay.


Hakimullah Mehsud, kẻ thành lập lực lượng Taliban ở Pakistan, đã bị Mỹ không kích tiêu diệt hồi năm 2011

Cổng chống khủng bố Nam Á đã gọi TTP là “nhóm chết chóc nhất” trong các nhóm chiến binh xuất thân từ Pakistan.  Một số ước tính cho rằng TTP có quân số từ 30.000-35.000 tay súng. Nhóm đã bị cấm hoạt động ở Pakistan và bị Mỹ xem là tổ chức khủng bố hồi năm 2010.

Từ năm ngoái, chính quyền Pakistan đã thử tìm cách thương thuyết với TTP song không thành công. Tháng 6 năm nay, quân đội Pakistan đã triển khai chiến dịch quân sự mạnh mẽ chống TTP.

Kể từ đó, hoạt động khủng bố đã giảm đi nhiều tại Pakistan. Chính quyền nói rằng họ đã thành công và chiến dịch Zarb-e-Azb đã đánh sập mạng lưới của TTP cùng các tổ chức Al Qaeda khác. Họ cũng nói rằng do mất tới 1.100 tay súng trong 6 tháng qua, khả năng tổ chức tấn công lớn của các nhóm này đã giảm mạnh.

Lỗi của quân đội Pakistan?

Tuy nhiên với việc TTP tổ chức vụ tấn công đẫm máu mới nhất, đã có ý kiến chất vấn về thành công của chiến dịch Zarb-e-Azb. "TTP đã bị suy yếu, nhưng vẫn duy trì khả năng tiến hành các vụ tấn công như thế này. Đó là điều đáng quan ngại” - Omar Hamid, nhà nghiên cứu thuộc công ty phân tích an ninh IHS đánh giá.

Phóng viên Irfan Haider của tờ Dawn nói rằng chiến dịch phản công quân sự ở Bắc Waziristan thực sự không hiệu quả do thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan tình báo dân sự và quân sự. “Các nhóm khủng bố hoạt động với nhiều tên gọi khác nhau, khiến giới chức chính quyền liên bang và cấp tỉnh khó xử lý chúng” - Haider cho DW biết.

Chung quan điểm, Maqsood Ahmad Jan, một nhà phân tích ở Peshawar, tin rằng dù chiến dịch quân sự diễn ra mạnh ở khu vực Tây Bắc Pakistan, đặc biệt là vùng Bắc Waziristan gần biên giới Afghanistan, Taliban vẫn có khả năng tổ chức tấn công quy mô lớn vào nước này. "Tôi không nghĩ có bất kỳ chiến dịch quân sự nào có thể tiêu diệt hoàn toàn những kẻ Hồi giáo cực đoan. Chúng chỉ thay đổi vị trí mà thôi” - Jan nói với DW.

Nhà phân tích Abdul Agha của Pakistan lại cho rằng quân đội hùng mạnh của nước này phải chịu trách nhiệm về sự lớn mạnh của TTP. “Họ đã nuôi dưỡng và ủng hộ một số nhóm chiến binh” - ông tuyên bố.  Agha tin rằng chính quyền Pakistan chỉ trấn áp các nhóm vũ trang đã quay lưng với chính quyền, nhưng họ vẫn giữ lại một số nhóm để phục vụ các mục tiêu khác trong tương lai. Chính sách nước đôi này là một trong những lý do vì sao Pakistan không thể xử lý dứt điểm các tổ chức như TTP.

Taliban chịu ảnh hưởng nặng từ hoạt động của khủng bố

Pakistan là một trong những quốc gia bị khủng bố ảnh hưởng nặng nề nhất hiện nay. Theo Chỉ số khủng bố toàn cầu 2014, trong năm 2013, nước này đã xảy ra gần 2.000 vụ khủng bố, làm 2.345 người thiệt mạng và hơn 5.000 người bị thương. TTP đã thực hiện 49% các vụ tấn công nêu trên và gây ra 25% số cái chết.

Tường Linh (Theo DW)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm