“Chiếm Phố Wall”, tan giấc mơ Mỹ

11/10/2011 09:59 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Việc hàng chục ngàn người Mỹ xuống đường trong cuộc biểu tình mang tên “Chiếm Phố Wall” đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận nước Mỹ và trên thế giới. Không ít người đã gọi họ là “một tập hợp những kẻ thích kêu ca”, thủ phạm phá hoại New York ... nhưng giới phân tích chỉ ra rằng nguyên nhân sâu xa xuất phát từ tình trạng bất công, bất bình đẳng đang trở nên ngày càng lớn trong xã hội Mỹ.

Ngày 30/9, hơn 20.000 người đã tuần hành ở thành phố New York, hô vang các khẩu hiệu như “Nhân dân, không phải lợi nhuận”. Đây là sự leo thang đột ngột của cuộc biểu tình “Chiếm Phố Wall” đã bắt đầu manh nha từ ngày 17/9 với sự tham gia của chỉ khoảng 1.000 người biểu tình và 200 người hiếu kỳ.

Tan vỡ giấc mơ Mỹ

Họ đã ở lại qua đêm tại công viên Zuccott của thành phố New York, còn được biết tới với tên công viên Quảng trường Tự do. Tới ngày 9/10, biểu tình đã lan rộng ra hơn 70 thành phố Mỹ, gồm Washington, Los Angeles, San Francisco, Chicago, Atlanta, Miami, Denver, Kansas City, Boston...

Lịch sử gần đây cho thấy người Mỹ đã chứng kiến các cuộc biểu tình lớn hơn thế chống lại cuộc chiến Iraq và xa hơn một chút là chiến tranh Việt Nam hồi những năm 1960. Nhưng cuộc biểu tình “Chiếm Phố Wall” khác biệt ở chỗ nó đã đặt dấu hỏi lớn về vai trò của tư bản tài chính trong sự suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay và đồng thời nêu ra vấn đề mất kết nối giữa những người Mỹ thông thường và quy trình tạo ra chính sách ở Mỹ.

Người biểu tình mang theo một con trâu vàng với dòng chữ “Tham lam”
trong cuộc biểu tình Chiếm Phố Wall diễn ra hôm 9/10

Trong khuôn khổ cuộc biểu tình, người dân lao động Mỹ đã yêu cầu nhiều công bằng xã hội hơn. Họ phản đối sự hung hãn và tham lam của giới tài chính, ảnh hưởng của giới tài chính lên nền chính trị Hoa Kỳ, ảnh hưởng của tiền và các tập đoàn đối với thể chế dân chủ. Họ tuyên bố sẽ kéo dài việc “chiếm đóng” Phố Wall cho tới khi đạt được các yêu sách của họ.

Sự bất bình đẳng hiện đã trở nên quá lớn trong xã hội Mỹ. Trang tin IBNLive.com nói rằng cho tới cuối những năm 1940, tới tận khi Mỹ áp dụng học thuyết Truman và kế hoạch Marshall, Chính phủ Mỹ vẫn thường triển khai chính sách theo hướng cứ mỗi USD họ thu từ thuế cá nhân thì doanh nghiệp phải nộp khoản thuế tương ứng là 1,5 USD. Tuy nhiên hiện giờ mỗi 1 USD thuế cá nhân, doanh nghiệp chỉ phải bỏ ra chưa đầy 0,25 USD. Tương tự, thuế thu nhập liên bang đánh vào những người giàu nhất cũng giảm từ mức 91% xuống còn 35%.

Dù đã ra khỏi suy thoái kinh tế cách nay 2 năm, nước Mỹ vẫn chưa thể vực dậy. Thu nhập của các công dân đã giảm đi tới 10%. Sức mua, động lực chính thúc đẩy nền kinh tế đi lên, tụt xuống. Tăng trưởng kinh tế theo đó cũng chậm dần. Hàng ngàn người lao động mất việc, mất nhà. Một số còn mất cả khoản tiết kiệm về hưu. Vô số người đã tan vỡ cái gọi là “Giấc mơ Mỹ”.

Biểu tình để đòi lại sự công bằng

“Không chỉ thanh niên mà cả trung niên và người già như chúng tôi đều bị ảnh hưởng. Thật đau đớn khi thấy những thanh niên ấy, được ăn học đầy đủ, lại không thể kiếm nổi một việc làm” - cựu chiến binh Thế chiến thứ 2 Edward Davis, 80 tuổi, tâm sự với báo chí khi tham gia biểu tình - “Đây là đất nước vĩ đại nhất thế giới và các anh biết đấy, nó rõ ràng đã gặp vấn đề khi nhân dân bắt đầu băn khoăn về ngày mai sẽ ra sao”.

Trong khi người dân Mỹ phải chịu đủ mọi khó khăn gian khổ trong điều kiện kinh tế khó khăn, họ lại chứng kiến Chính phủ bơm hàng tỉ đô la “giải cứu” ngành ngân hàng, chỉ để thấy các vị giám đốc điều hành, các ông chủ quản lý quỹ đầu tư ở Phố Wall nhận những khoản tiền lương và thưởng khổng lồ.

Kết quả là một lượng lớn người Mỹ giờ đã cảm thấy chán ghét, phẫn nộ với các chính sách của Chính phủ, vốn bị họ xem là chuyển gánh nặng thời khó khăn từ doanh nghiệp sang vai người dân. Các chính sách này cũng khiến phúc lợi xã hội như một đặc quyền chỉ dành cho giới lãnh đạo doanh nghiệp thay vì các công dân Mỹ.

Vì thế không quá bạo miệng khi nói người dân xuống đường trong biểu tình “Chiếm Phố Wall” ở Mỹ là do họ có cảm giác bị Chính phủ phản bội. Cảm giác bầu lên một chính quyền chỉ đặt lợi ích doanh nghiệp lớn trước nhân dân đã khiến người dân Mỹ cay đắng. Họ muốn đòi lại sự công bằng. Và đó là lý do để họ tấn công vào Phố Wall, biểu tượng về sự bá quyền của tư bản tài chính Mỹ.

Tường Linh (lược dịch từ Bussiness Insider)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm