Chân dung người cứu Bỉ thoát khỏi khủng hoảng chính trị

07/12/2011 10:36 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 6/12, người Bỉ thức dậy trong cảnh đã có người lãnh đạo, sau quãng thời gian kỷ lục kéo dài 541 ngày hoàn toàn không có một chính quyền điều hành đất nước. Nhân vật đã chìa tay ra cứu Bỉ là một người đặc biệt không kém, khi ông công khai nhận mình là người đồng tính và khiến người khác nể phục vì quá trình lập nghiệp từ tay trắng.

Nhân vật chính giúp Bỉ thoát khủng hoảng chính trị là Elio Di Rupo. Ông là Thủ tướng xuất thân từ Đảng Xã hội đầu tiên của Bỉ kể từ năm 1974.

Người cứu nước Bỉ

Ông thành lập Chính phủ liên minh mỏng manh gồm 6 đảng trong đêm 5/12, sau 541 ngày thương thuyết liên tục, qua đó đã khiến Bỉ vượt qua Iraq với tư cách đất nước có thời gian “vô chính phủ” dài nhất.

Hôm 6/12, ông đã tuyên thệ nhậm chức trước Quốc vương Albert II và sẽ tạo ra một nội các với 13 thành viên, tới từ đủ mọi tầng lớp trên đất Bỉ. Họ gồm các chính trị gia đại diện cho khu vực nói tiếng Hà Lan, Đảng Xã hội đại diện cho cử tri nói tiếng Pháp, cùng đại diện các đảng liên minh như Dân chủ Thiên Chúa giáo và Tự do.

Tuy nhiên, chính quyền của ông Di Rupo không bao gồm đảng được ưa thích nhất ở Bỉ là Liên minh Flemish mới (NVA), vốn đã nắm lượng phiếu kỷ lục trong cuộc bầu cử hồi tháng 6/2010. Bart De Wever, lãnh đạo NVA đã đánh giá liên minh mới chỉ là “chính quyền thiểu số của người Flander” đang nỗ lực triển khai một chương trình kinh tế khổ hạnh, trong đó đại đa số người Flemish sẽ phải móc tiền túi của họ để chi trả cho nó.

Chính phủ mới có trách nhiệm đưa ra các giải pháp nhằm đối phó với khủng hoảng nợ và khôi phục niềm tin sau khi Bỉ bị S&P hạ xếp hạng tín dụng cách đây 10 ngày. Các biện pháp này gồm cắt giảm chi tiêu theo yêu cầu của Liên minh châu Âu nhằm cân bằng ngân sách vào năm 2015.


Tân Thủ tướng Elio Di Rupo, người mới giúp Bỉ thoát khỏi cảnh vô Chính phủ

Cuộc đời như tiểu thuyết

Elio Di Rupo là một chính trị gia 60 tuổi, với cuộc đời giống hệt một cuốn tiểu thuyết nhiều chương hồi. Ông sinh năm 1951, trong một thị trấn ổ chuột dành cho người nhập cư, là con của một người Italia làm nghề thợ mỏ và một bà mẹ mù chữ.

Là con út trong gia đình có 7 đứa con, Di Rupo mới chỉ được 12 tháng tuổi khi cha ông bị một chiếc xe tải cán chết. Chỉ mình ông được sống cùng với mẹ, trong khi các anh em phải chuyển tới nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ em. Các nhà viết tiểu sử nói rằng khi còn nhỏ, gia đình Di Rupo nghèo tới mức ông chỉ có độc hai chiếc quần dài. Một thầy giáo cũ của ông xác nhận điều này, nói rằng cậu học trò chỉ có 2 bộ quần áo và thường xuyên mặc đi mặc lại chúng mỗi khi tới lớp.

Bù lại cho cuộc sống khổ sở, Di Rupo là người sáng dạ, giỏi hùng biện và có khả năng lãnh đạo trời phú. Học  hết trung học, ông tiếp tục vào đại học và chỉ dừng việc học hành khi đã có tấm bằng tiến sĩ Hóa học. Nhưng đó là khi Di Rupo bắt đầu quan tâm tới chính trị và tham gia các hoạt động của phong trào cánh tả.

Ông gia nhập Đảng Xã hội trong đầu những năm 1980. Năm 1999, ông đắc cử ghế chủ tịch đảng Xã hội và kể từ đó, thường xuyên giành được các vị trí chính trị khác nhau tại Bỉ như nghị sĩ Quốc hội, nghị sĩ châu Âu, Phó Thủ tướng, lãnh đạo chính quyền Wallonia và thị trưởng thành phố Mons.

Di Rupo, khá tín tiếng về đời sống riêng tư, bao gồm chuyện tình yêu, tình dục của mình. Nhưng rồi chính ông lại công khai việc mình là người đồng tính. Di Rupo kể lại rằng đó là một lần ông bị báo giới vây quanh. “Một trong số họ bất ngờ lên tiếng: “Người ta đồn ông đồng tính đúng không?”. Tôi bèn quay mặt lại và nói: “Ừ đúng thế, sao không?”. Tôi chẳng bao giờ quên được khoảnh khắc đó. Sau câu trả lời của tôi, tất cả đều im lặng. Đó là một câu trả lời chân thành, chứa đựng sự thật” – ông thổ lộ. 

Một chính quyền mỏng manh

Là một chính trị gia thông minh, có nhiều chiêu trò, Di Rupo nổi tiếng vì khả năng thương thuyết là tạo lập các liên minh đã giúp Đảng Xã hội của ông có được nhiều vị trí khác nhau dưới nhiều chính quyền. Ông cũng lèo lái đảng này vượt qua rất nhiều sóng gió và bê bối tham nhũng.

Tuy nhiên điểm yếu lớn nhất của ông lại là tiếng Hà Lan, một trong 3 ngôn ngữ chính ở Bỉ và được 65% dân số sử dụng. Ông rất vất vả mỗi khi phải nói tiếng Hà Lan trước báo giới và càng ngại sử dụng thứ ngôn ngữ này sau một sự cố gần đây. Đó là khi Di Rupo lên tiếng kêu gọi người Bỉ cần khẩn trương (dringen) đồng ý với kế hoạch thắt lưng buộc bụng, nhưng do phát âm không chuẩn, ông khiến người nghe tưởng mình đề nghị họ nhậu nhẹt (drinken) nhiều hơn.

“Ông ấy có đủ điều kiện để làm Thủ tướng, ngoại trừ khoản tiếng Hà Lan” – tờ nhật báo Het Laasste Nieuws buông lời trêu chọc. Đáp lại, Di Rupo khẳng định ông sẽ cố gắng cải thiện tình hình. “Tôi sẽ trả lời bằng tiếng Hà Lan trước quốc hội, cho dù có nói sai đi nữa” – ông tuyên bố.  

Tuy nhiên, câu chuyện nhỏ về ngôn ngữ này đã phản ánh một vấn đề lớn hơn mà Bỉ đang đối mặt. Cộng đồng người Flemish nói tiếng Hà Lan, vốn chiếm tỉ lệ lớn tại Bỉ, thường có tiếng nói quyết định liên quan tới các cuộc tổng tuyển cử.  Chính đảng lớn nhất vùng Flemish cũng thường được quyền ưu tiên lập Chính phủ liên hiệp và đương nhiên lãnh đạo của họ sẽ là Thủ tướng Chính phủ mới.

Hiện tượng này đã diễn ra kéo dài, cho tới cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra hồi tháng 6/2010, khi NVA, đại diện cho bộ phận dân nói tiếng Hà Lan và Đảng Xã hội đại diện cho những người nói tiếng Pháp, đã không thể có đủ số phiếu quá bán để thành lập chính phủ. Nhưng vì những xung đột lợi ích kinh tế và chính trị, họ cũng không thể bắt tay với nhau để lập Chính phủ liên minh.

Trong xã hội, rất nhiều người Flemish nói tiếng Hà Lan đã than phiền rằng nền kinh tế hưng thịnh hơn của họ phải bao cấp cho cộng đồng Wallonia nói tiếng Pháp với những thành phố xập xệ và tỉ lệ thất nghiệp cao ngất. Trong khi đó, cộng đồng người nói tiếng Pháp cũng tuyên bố họ muốn đứng trên đôi chân của mình, dù gặp khó khăn, thay vì phải phục tùng trong một nước Bỉ bị thống trị bởi một Đảng Flamish.  Căng thẳng tăng cao tới mức có lúc người ta tưởng như nước Bỉ đối mặt với nguy cơ xẻ làm đôi.

  lẽ đó, việc Di Rupo lập được chính quyền có thể xem là một kỳ tích. Nhưng việc chính quyền mới vẫn chưa lấp được hố sâu ngăn cách giữa hai cộng đồng người lớn nhất ở Bỉ có nghĩa sự tồn vong của chính quyền mới và cả nước Bỉ vẫn còn là một dấu hỏi lớn chưa có lời giải.

Tường Linh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm