Campuchia rúng động vì một vụ bán thận

28/10/2014 07:15 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Vết sẹo dài chừng 15 cm, nằm phía bên trái mạng sườn gầy gò của Chhay, giống như lời nhắc nhở thường trực về một ca phẫu thuật mà cậu tưởng sẽ giúp gia đình thoát nợ, cuối cùng lại đẩy bản thân vào chỗ tủi hổ và khổ sở tột cùng.

Chhay, 18 tuổi, đã bán thận lấy 3.000 USD trong một thương vụ trái phép diễn ra cách đây 2 năm. Khi đó, cậu đã được đưa từ một căn nhà xập xệ ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh của Campuchia, tới một bệnh viện tráng lệ nằm ở quốc gia Thái Lan láng giềng.

Mơ thoát nghèo nhờ bán thận

Tại căn nhà tồi tàn mà Chhay sống cùng 9 người thân, cậu kể rằng một người hàng xóm đã thuyết phục cậu cùng 2 người anh em khác bán thận cho những người Campuchia giàu có. "Chị ấy nói rằng tôi nghèo khó, không có tiền và nếu bán thận, tôi có thể trả hết các khoản nợ của mình" - Chhay kể lại với hãng tin AFP, sau khi đề nghị được giấu kín danh tính (cái tên Chhay là tên giả do AFP đặt).

Khi phát hiện người phụ nữ môi giới kiếm được tới 10.000 USD cho mỗi quả thận, anh em Chhay đã báo cảnh sát vào tháng 6 năm nay. Họ nghi ngờ cô này là thành viên một đường dây buôn bán nội tạng trái phép.


Vết sẹo dài là bằng chứng về cuộc bán thận đã ám ảnh Chhay

Tới tháng 7, cảnh sát Phnom Penh đã bắt và khởi tố Yem Azisah, 29 tuổi, hàng xóm đồng thời là bà con của anh em Chhay. Họ cũng bắt cha dượng của Azisah là Phalla, 40 tuổi, do phạm tội buôn người. 2 người này hiện đang bị tạm giam để chờ ngày ra tòa.

Chuyến đi bí mật của Chhay, sau khi bị phanh phui đã khiến người dân Campuchia không khỏi bị sốc, vì nó cho thấy một trong những vụ buôn bán nội tạng đầu tiên ở nước này. Sự kiện còn khiến người ta lo sợ rằng Campuchia đã có nhiều nạn nhân khác của nạn buôn bán nội tạng trái phép.

Trường hợp đầu tiên

Ở châu Á, các câu chuyện tương tự như của Chhay đã xuất hiện từ lâu, trong các khu ổ chuột của Ấn Độ và Nepal. Những nơi này được xem là điểm nóng buôn lậu nội tạng của thế giới. Ở Campuchia, buôn lậu cũng diễn ra khá mạnh. Cảnh sát thường phải điều tra nhiều vụ buôn bán phụ nữ cho các ổ kinh doanh mại dâm hoặc buôn người làm nô lệ hiện đại... Nhưng đây là lần đầu tiên chính quyền phát hiện một vụ buôn lậu nội tạng.

“Đây là phương thức kiếm tiền dễ dàng, mang lại rất nhiều tiền, nên chúng tôi hết sức lo lắng" - Phó Giám đốc cảnh sát Phnom Penh là Prum Sonthor cho biết. Ông nói rằng có ít nhất 2 người Campuchia khác đã tới Thái Lan bán thận, nhưng không báo với chính quyền.


Sau khi bán thận Chhay vẫn không thể thoát khỏi nợ nần và nghèo khó

Sự đồng lõa của người bán thận, cho dù là vì động cơ kiếm tiền để "thoát nghèo" hay do áp lực từ những kẻ môi giới, đều khiến buôn bán tạng trở thành hình thức phạm tội khó bị phát hiện tại Campuchia. "Buôn bán thận không giống các hoạt động phạm tội khác... Nếu nạn nhân không lên tiếng, chúng ta sẽ không bao giờ có thể biết được" - ông Prum nói.

Với các nạn nhân, việc bán thận thường để lại cho họ những hậu quả nặng nề về sức khỏe. Như trường hợp của Chhay, dù đang ở tuổi thanh niên sung sức, việc mất thận đã biến cậu trở thành một kẻ yếu ớt. Chhay luôn cảm thấy hổ thẹn vì lỡ bán thận và cho biết cậu đã không hề thoát khỏi nợ nần sau hành động dại dột đó. "Tôi muốn nói với những người khác rằng đừng bán thận như mình... Tôi thấy hối tiếc. Tôi không thể lao động nặng nhọc được nữa. Ngay cả việc đi bộ cũng khiến tôi mệt mỏi" - cậu nói. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người bán thận thường bị trầm cảm, suy giảm sức khỏe nhanh, do không được chăm sóc hậu phẫu tốt.

Phần nổi của tảng băng chìm

Theo các chuyên gia, việc khan hiếm nội tạng phục vụ hoạt động cấy ghép đã khiến thị trường chợ đen buôn bán tạng trên toàn cầu liên tục phát triển, tại đó thận là mặt hàng đặc biệt đắt khách.

Riêng ở Thái Lan, đã có 4.321 người nằm trong danh sách chờ ghép tạng, tính tới tháng 8 năm nay. Trung tâm quyên góp tạng Thái Lan (ODC) cho biết nội tạng của người đã chết chiếm một nửa trong số 581 quả thận được cấy ghép trong năm ngoái.

Việc khan hiếm nội tạng khiến nhiều bệnh nhân trong cảnh tuyệt vọng đã phải tìm kiếm nội tạng trong gia đình. Những người giàu có không ngại bỏ tiền ra mua tạng từ chợ đen. Quan ngại trước nạn buôn bán nội tạng trái phép, hồi tháng 4 năm nay, ODC đã triển khai dự án thí điểm, trong đó yêu cầu các bệnh viện phải cung cấp cho họ thông tin chi tiết về những người hiến tạng đang còn sống. Việc này nhằm ngăn cản các hoạt động mua bán nội tạng trái phép, trong đó người bán giả vờ làm thân nhân của người mua để qua mặt nhà chức trách.

Tuy nhiên dù hoạt động kiểm soát được tăng cường, giới chuyên gia vẫn lo ngại sự bùng nổ của ngành du lịch chữa bệnh ở Thái Lan sẽ khiến tội phạm vào cuộc và trục lợi trên những con mồi nhẹ dạ. "Đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm" - Jeremy Douglas, đại diện Văn phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ ở Đông Nam Á nhận xét về các vụ bắt những kẻ buôn bán tạng ở Campuchia - "Có thể còn nhiều vụ khác đã không bị đưa ra tòa".

Theo ước tính mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có tới 10.000 cuộc cấy ghép tạng trên toàn cầu là kết quả của hoạt động buôn bán tạng trái phép. Con số này chiếm 10% tổng số ca ghép tạng trên toàn cầu.

Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm