Búp bê Barbie sắp 50 tuổi: Một sinh nhật buồn

09/02/2009 15:06 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 9/3/1959, một con búp bê bình thường tên là Barbie xuất hiện ở Hội chợ đồ chơi Mỹ. Giờ đây sau nửa thế kỷ, cả một ngành công nghệ tiếp thị lọc lõi đã biến nó thành đồ chơi tiêu thụ nhiều nhất mọi thời đại.

Ăn theo giới trẻ

Trong biển người nhộn nhạo đến xem hội chợ American Toy Fair ở New York, giữa vô vàn thứ đồ chơi mới cũ có một con búp bê tóc cặp tóc đuôi gà và mặc đồ tắm sọc đen trắng cố lấy thăng bằng trên đôi giày cao gót yểu điệu. Có thể hôm nay trông nó không có gì đặc biệt, nhưng ở buổi ra mắt đầu tiên đa số khán giả đã phải dừng chân ngắm: bố mẹ nó đã mát tay lai giống bằng cách hòa trộn mọi nét đẹp đặc thù của những cô đào Hollywood ngày ấy như Marylin Monroe, Rita Hayworth, Audrey Hepburn… và nhanh chóng đẩy nó lên hàng siêu sao. Ngay trong năm đầu, 300.000 búp bê Barbie đã làm một cuộc “xâm lăng” ngoạn mục vào các phòng bé gái toàn thế giới.
 
Một cửa hàng bán Barbie ở Mỹ - ước mơ của hàng triệu bé gái

Barbie có thể được coi là một bài học giáo khoa về công nghệ lăng-xê. Rời hội chợ đồ chơi 1959 không lâu, nó đơn giản không chỉ còn là một búp bê, mà đã thành thần tượng của thời trang vì liên tục đón được những trào lưu mới nhất của giới trẻ. Mái tóc đuôi gà nhí nhảnh được thay đổi theo từng mốt thịnh hành. Khi Tereshkova là phụ nữ đầu tiên chinh phục vũ trụ (1963) thì một tuần sau Barbie đã mặc bộ đồ phi công vũ trụ sáng bạc. Barbie cũng không để lọt một ngôi sao ca nhạc nổi tiếng nào mà không điệu đà nhái theo trang phục, từ Elvis đến U2, từ disco đến hip hop. Cho đến tận hôm nay, khi tuổi 50 không hề để lại một nếp nhăn trên khuôn mặt khả ái.

Chiều lòng Thượng đế

Khi cho Barbie ra đời, chắc bà Ruth Handler, chủ hãng đồ chơi Mattel, không nghĩ đến đứa con bằng nhựa của mình (lấy tên theo con gái thật của bà là Barbara) sẽ có một cuộc đời sóng gió ra sao. Thuở mới ra đời hồi 1959 một con búp bê nhựa dài 29,2 phân và nặng 206 gam giá 3 USD (lương công nhân Mỹ khoảng 300), nhưng đắt nhất vẫn là quần áo và phụ kiện trang bị - từ cái đài radio nhỏ xíu cho đến ô tô nhà lầu - mà trẻ con nào cũng muốn có bằng được. Ngày ấy Mattel làm quần áo bằng vật liệu đắt tiền như gấm hoặc tơ tằm, có khuy và khóa kéo thật. Không có gì lạ khi chỉ có trẻ con nhà giàu mới được chơi Barbie.
 
Những Barbie đầu tiên ra mắt ngày 9/3/1959 - chỉ là
những búp bê bình thường, nhưng từ đó đến nay
đãcó hơn 1 tỷ Barbie chiếm lĩnh thế giới

Hồi thập kỷ 1960, khi Barbie tràn sang châu Âu, Mattel thuê các nhà tạo mốt Anh làm quần áo để nắm được nhóm khách hàng bình dân hơn. Sau này Barbie chủ yếu vận đồ bằng sợi tổng hợp, và trang phục lịch sự cho các quý bà cũng hiếm dần, nhường chỗ cho quần bò và t-shirt trẻ trung. Các phụ kiện cũng chuyển từ ô tô Rolls Royce xuống Volkswagen Beetle, vợt chơi golf không nhiều như giày trượt pa-tanh, cặp ngoại giao được thay bằng điện thoại di động.... Barbie cũng có thêm 4 cô em gái không kém phần xinh đẹp, tùy bán ở nước nào mà mặc đồ dân tộc ở đó.

50 năm qua đã có hơn 1 tỷ Barbie được bán ra. Barbie hiện có mặt trong các cửa hiệu tại 150 nước, được 800 doanh nghiệp khác nhau tham gia sản xuất. Riêng bộ phận tạo mẫu cho Barbie hiện có 50 nhà thiết kế thời trang và 12 nhà thiết kế mẫu tóc.

Chìm nổi như đời thực

Để “giữ giá”, Barbie không lấy chồng, mà chỉ có một bạn trai lâu năm là Ken. Tuy nhiên, Ken cũng chịu số phận chung của thanh niên “hiện đại” và năm 2004 bị Barbie “cho đi tàu suốt”…

Về sắc đẹp của Barbie, các nhà tâm lý ở đại học Sussex (Anh) cảnh báo rằng các bé gái dễ bị dụ dỗ bởi 3 vòng lý tưởng (hay vô tưởng: 99-46-84) ấy mà sinh ra mặc cảm về hình thể. Barbie cũng bị gán cho hình ảnh cô gái tóc vàng hoe ngu ngốc nhưng nhờ xinh đẹp mà có đủ thứ. Có lẽ vì thế mà sinh ra những cô bé căm thù Barbie. Chúng tổ chức những buổi họp mặt để cùng nhau tra tấn, cắt đầu, đốt cháy búp bê Barbie hoặc đút vào máy xay sinh tố!

Vì tội “tiết kiệm vải”, Barbie bị cấm bán ở một số nước Hồi giáo như Saudi Arabia. Syria cũng làm một búp bê hao hao Barbie tên là Fulla, tuy nhiên không có bồ (Ken) mà có một ông anh trai dữ dằn để bảo vệ, ngoài ra vòng 1 nhỏ hơn, và bộ đồ ra đường có mạng che mặt kín mít.

Số lượng tiêu thụ giảm nhanh chóng

Chính những ngày này khi cô búp bê “huyền thoại” chuẩn bị kỷ niệm tròn nửa thế kỷ ngày ra đời, hãng Mattel đang phải lo “méo mặt” trước sự làm ăn ngày càng sa sút. Bị cạnh tranh quyết liệt, Barbie đang mất thị trường một cách mau chóng, giờ đây lại còn thêm khủng hoảng kinh tế. Lượng bán Barbie trong mùa Giáng sinh vừa rồi trên toàn thế giới giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu ròng của Mattel, hiện vẫn là hãng sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới, trong quý 4/2008 giảm xuống chỉ còn 176 triệu USD, tức là giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái (329 triệu USD).

Sinh nhật tròn thứ 50 của Barbie rõ ràng sẽ là một sinh nhật buồn.
 
Đức Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm