Bóng đen trên tàu cao tốc "made in China"

26/07/2011 10:42 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Cách đây 5 năm, Trung Quốc đã đổ hàng đống tiền để phát triển chương trình đường sắt cao tốc, coi nó là một niềm tự hào lớn của quốc gia. Nhưng việc để xảy ra vụ tai nạn mới đây làm hàng chục người thiệt mạng đã khiến niềm tự hào này bị lung lay, đồng thời đặt ra nhiều dấu hỏi liên quan tới chương trình tham vọng của Trung Quốc.

Vụ tai nạn hôm 23/7 xảy ra khi một đoàn tàu cao tốc bị sét đánh và ngừng hoạt động trên đường ray. Đoàn tàu thứ 2 không biết về sự cố này đã lao tới, đâm phải đoàn tàu thứ nhất. Kết quả là 6 toa tàu trật đường ray và 4 toa bị rơi khỏi một cây cầu xuống đất từ độ cao 20-30 m. Ngoài việc làm cho ít nhất 38 người thiệt mạng, vụ tai nạn cũng khiến hơn 190 người phải nhập viện vì thương tích.

Nhiều nghi vấn về nguyên nhân

Hãng tin CNN cho biết, mặc dù rất nhiều phóng viên đổ tới hiện trường, nhưng chuyện chỉ loang ra khi một thành viên Sina Weibo, một mạng xã hội kiểu Twitter của Trung Quốc, loan tin. Các trang mạng sau đó cũng ồ ạt cung cấp ảnh và tin tức về vụ tai nạn.

Vào thời điểm Bộ Đường sắt Trung Quốc tổ chức cuộc họp báo đầu tiên khoảng 24 giờ sau tai nạn, công chúng đã chứng kiến không chỉ tin tức về những hành khách đang được cứu sống ra khỏi các toa tàu vỡ nát, mà còn thấy các máy xúc đang nghiền nát những toa tàu và chôn chúng tại chỗ. Cộng đồng mạng đặt nghi vấn về một sự che đạy thông tin, bởi lẽ ra các toa tàu này phải được kiểm tra kỹ để tìm ra sự cố.

Tuy nhiên, giới chức Bộ Đường sắt Trung Quốc viện dẫn các toa tàu có chứa bí mật công nghệ cấp quốc gia nên cần phải bị hủy bỏ. “Làm sao chúng tôi có thể che giấu một vụ tai nạn mà cả thế giới đều đã biết” - phát ngôn viên Bộ Đường sắt Wang Yongping nói - “Người ta nói với tôi rằng đã chôn các toa tàu để đẩy tạo thuận lợi cho nỗ lực cứu hộ và tôi tin vào lời giải thích”.

Nghi vấn lớn nhất hiện nằm ở nguyên nhân gây ra tai nạn. Trong khi nguồn tin chính thức khẳng định sét đánh là thủ phạm, một số bài báo được đăng trên Tân Hoa xã có lúc nói rằng cả hai đoàn tàu đều đang di chuyển khi chúng đâm nhau. Ngoài ra, người ta cũng không giải thích vì sao cơ quan điều hành đường sắt Trung Quốc không phát tín hiệu cảnh báo cho đoàn tàu thứ 2, trước khi nó đâm thẳng vào đoàn tàu thứ nhất, qua đó bỏ ngỏ khả năng tai nạn xảy ra do lỗi quản lý.

Các toa tàu vỡ nát sau vụ va chạm nghiêm trọng giữa 2 đoàn tàu cao tốc ở Trung Quốc

Phát triển quá nóng, tai nạn là điều khó tránh

Được biết vụ tai nạn có liên quan tới các đoàn tàu viên đạn thế hệ đầu của Trung Quốc, vốn được khai trương hồi năm 2007 và có tốc độ tối đa 250km/h. Trong khi chi tiết sét đánh gây tai nạn là yếu tố bất ngờ, khó lường trước, thực tế trước đó nhiều đoàn tàu cao tốc của Trung Quốc đã gặp các sự cố khác nhau. Ngay cả tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải mới khai trương vào tháng trước, với các đoàn tàu cao tốc hiện đại nhất của Trung Quốc, cũng không tránh được sự cố, bao gồm ít nhất 3 lần bị mất điện đột ngột.

Giới phân tích nói rằng sự cố sẽ còn xảy ra khi Trung Quốc đẩy mạnh tốc độ phát triển đường sắt cao tốc. Các kế hoạch chính thức hiện vẫn kêu gọi mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc lên 13.000km trong năm nay và 16.000km trong năm 2020. “Trung Quốc đang xây đường sắt cao tốc quá nhanh” - Zhao Jian, một giáo sư kinh tế tại Đại học Giao thông Bắc Kinh đánh giá - “Kết quả là tai nạn kiểu này sẽ xảy ra”.

Ngoài vấn đề an toàn, nợ nần cũng đang trở thành điểm nóng lớn trong chương trình đường sắt cao tốc. Tuần trước, báo chí Trung Quốc nói rằng các khoản nợ của Bộ Đường sắt đã tăng gấp 3 lần trong 2 năm qua, lên mức 307 tỉ USD. Mặc dù khoản nợ này hoàn toàn nằm trong khả năng chi trả của chính phủ, việc chúng phồng to lên cho thấy khoản đầu tư rõ ràng đã không đơm hoa kết trái như người ta mong muốn.

Điều đó không khiến Zhao ngạc nhiên. Ông đã cho rằng các đoàn tàu cao tốc chỉ có ý nghĩa nếu nó kết nối các thành phố lớn khá gần với nhau. Sẽ là lãng phí vô ích khi đổ hàng đống tiền xây những tuyến đường sắt cao tốc quá dài, bởi khi đó di chuyển bằng hàng không sẽ là lựa chọn kinh tế và hiệu quả hơn. Ông cho rằng Trung Quốc nên xây dựng nhiều tuyến đường sắt thông thường với sức chở lớn, thay vì tàu cao tốc chỉ có thể chở ít người và có giá vé quá đắt đỏ.

Tranh chấp bản quyền sáng chế với Nhật Bản

Nhưng ngoài việc phục vụ nhu cầu trong nước, Trung Quốc còn muốn xuất khẩu các đoàn tàu cao tốc. Tháng này, Bắc Kinh thông báo Malaysia sẽ mua 228 đoàn tàu cao tốc do họ sản xuất. Công ty CSR Corp chuyên sản xuất tàu cao tốc cũng cho biết đã ký kết hợp đồng với hãng General Electric để sản xuất các đoàn tàu cho đường sắt cao tốc Mỹ. Song Trung Quốc hiện đang có tranh chấp về bản quyền trí tuệ với Nhật Bản, Đức và một số nước khác liên quan tới tàu cao tốc. Các công ty nước ngoài nói rằng Bắc Kinh đã vi phạm tinh thần các thỏa thuận đã ký với họ, trong đó nói rằng công nghệ tàu cao tốc chỉ sử dụng ở Trung Quốc. Công ty Kawasaki Heavy Industries của Nhật thậm chí tuyên bố sẽ khởi kiện, nếu Trung Quốc tìm cách xin phép cấp bằng sáng chế cho những đoàn tàu cao tốc dựa trên công nghệ của Nhật.

Được biết, một trong các đoàn tàu đã đâm nhau hôm 23/7 có sử dụng thiết kế của Kawasaki, trong khi đoàn tàu còn lại dựa trên mẫu của Công ty Bombardier, Canada. Trung Quốc nói lại rằng họ đã chọn lọc công nghệ của nước ngoài và cải tiến đổi mới để tạo nên sản phẩm của riêng mình. Nhưng sau vụ tai nạn mới đây, khả năng cạnh tranh của tàu cao tốc Trung Quốc chắc sẽ giảm sút, bởi nước này đã bộc lộ những khiếm khuyết liên quan tới việc làm chủ công nghệ đường sắt cao tốc.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm