Thương vụ lịch sử: Ai mua cây cầu London nào?

11/06/2017 07:11 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tiền bạc không quan trọng, ít nhất là đối với một triệu phú Mỹ hồi năm 1968. Ông ta mua cây cầu cổ kính của thủ phủ xứ sương mù và sai tháo ra thành từng mảnh. Ba năm sau cây cầu đó tái sinh… giữa một sa mạc khô cằn.  

Nhật báo Guardian ngày 12/7/1967 đăng trang nhất: “Bí mật nhé! Ai muốn cây cầu London nào?” và đại đa số bạn đọc cho đó là kiểu đùa cợt vô duyên.

Người Anh không thích đùa

Ta biết người Anh vốn có kiểu hài hước không giống ai, nhưng những gì dính dáng đến truyền thống của đất nước thủ cựu này thì không phải đối tượng để đem ra cợt nhả.

Chú thích ảnh
1968 triệu phú Robert P. McCulloch mua cây cầu London Bridge cổ kính, thương vụ này đi vào sách Guinness như “vụ giao dịch đồ cổ lớn nhất”

Cầu London dài 283 mét, được xây từ năm 1831 và là huyết mạch chính của kinh đô, nối mạch giao thông giữa nửa Nam và Bắc London. Dĩ nhiên vào đầu thế kỷ 19 người ta có ít lựa chọn về vật liệu xây dựng, và khối đá hoa cương khổng lồ để xây cầu nặng đến 130.000 tấn rồi sẽ gây hậu họa.

Trở về với lời mời hoàn toàn nghiêm túc của  Ivan Luckin, thành viên Hội đồng thị chính. Như những thành viên khác của giới chức thủ đô, nhiều tháng nay ông đau đầu tìm cách phủi bỏ vấn đề nặng nề theo đúng nghĩa đen đó. Đá hoa cương xây cầu được khai thác từ Dartmoor vốn là đá tốt nhất thế giới, nhưng với luồng xe cộ ngày càng dày đặc thì cây cầu cổ kính cũng không cưỡng nổi mọi quy luật vật lý và ngày càng lún sâu xuống nền bùn đất của sông Thames. Bản thiết kế cây cầu mới đã được phê chuẩn từ lâu, nhưng đào đâu ra tiền để thanh lý đống phế liệu hoa cương kia?   

“Hay là ta bán quách nó đi?“, Luckin đưa đề nghị tại một phiên họp hội đồng thị chính và các quan chức khác hỏi luôn: “Giá thế nào là vừa?” Khi nghe ý tưởng của Luckin dự định thu vào 1 triệu bảng thì không ai giữ được vẻ nghiêm túc.

Sẽ chẳng ai điên rồ bỏ ra số tiền đó. Và nếu có, thì để làm gì? Chỉ một mình Luckin giữ vững niềm tin, vì trên đời này, phàm cái gì nghĩ ra được thì cũng có thể xảy ra.

Chú thích ảnh
Giá mua cây cầu chính xác là 2.460.000 USD. Sau đó nó được dỡ thành từng mảnh và tái hiện ở Havasu.

Biểu tượng của kỹ nghệ Anh quốc

Người Anh, như đã nói, bám chặt vào các giá trị cổ truyền của mình, và cây cầu không chỉ là cây cầu. Nó đứng gần lâu đài của Nữ hoàng và từ bao lâu nay toát ra vẻ đẹp cổ điển khó cưỡng. Sóng gió nổi lên ào ào, nghị sĩ hạ viện John Jennings thảo một kiến nghị với hàng trăm chữ ký của các dân biểu gửi đến chính phủ, đòi chặn ngay kế hoạch bán tháo một phần máu thịt của quốc gia từng không biết đến mặt trời lặn.

Nhưng tâm thư chưa đến tay chính phủ thì các lời mời đầu tiên đã phấp phới bay đến hội đồng thành phố. Một thằng cu 7 tuổi từ Canada gửi thư kèm 2 dollar: “Mẹ cháu nói là các ông định bán cây cầu. Cháu có mua được không?”. Luckin gửi trả lại 2 dollar, kèm một viên đá lấy ở chân cầu.

Người Mỹ có vẻ quan tâm nhất, chả gì thì họ cũng muốn tỏ rõ tình cảm khá mâu thuẫn đối với mẫu quốc ngày xưa. “Tôi phải nhìn kỹ xem Wood có quá chén không” -Robert P. McCulloch nhớ lại thời điểm nghe cộng tác viên Cornelius Vanderbilt Wood kể về vụ mua bán hi hữu đó. Wood không chỉ là một cộng tác viên bình thường, ông là giám đốc phát triển và trước đó từng thiết kế công viên giải trí huyền thoại Disneyland ở California cho ông trùm phim hoạt hình Walt Disney.

Chú thích ảnh
Lõi cây cầu là bê tông cốt thép, sau đó mới đắp đá lên. Nhờ đó trọng lượng cầu giảm từ 130.000 xuống 33.000 tấn.

 Và sáng kiến của Wood cũng rất xuôi tai: ông dự định lôi kéo khách hàng cho dự án táo bạo mới nhất của triệu phú McCulloch: thành phố sa mạc Lake Havasu City ở đường biên giữa Arizona và California. Nhà tài phiệt công nghiệp McCulloch phất lên nhờ sản xuất cưa máy, và năm 1963 ông bỏ ít tiền lẻ ra mua miếng đất rộng 100 cây số vuông ấy.

Về cảnh quan thì Lake Havasu City rất ổn. Mặt trời Arizona hầu như cả năm lấp lánh trên mặt hồ vốn là đoạn sông Colorado River được ngăn lại. Ngay cái tên từ thổ ngữ da đỏ đã đầy khêu gợi: Havasu nghĩa là “Nước trong xanh”. Nhưng Lake Havasu City còn thiếu một điểm nhấn. Và Wood nghĩ cách tăng thêm gia sản phì nhiêu của ông chủ.

“Về tay người Mỹ“

Chữ ký quan trọng dưới khế ước mua bán nặng ký được viết tại một phòng khách sạn ở New York. Wood và Luckin hoàn thành phi vụ ngàn tấn hôm 23/3/1968. Sách kỷ lục Guinness ghi nhận đây là vụ mua bán cầu lớn nhất quả đất. “Cầu London rơi vào tay người Mỹ”, báo Daily Express kinh hoàng đưa tin. Và bởi vì đây là một thương vụ khó tin nên xung quanh nó sinh ra nhiều điều thêu dệt, cho đến nay vẫn nhiều người tin vào lời đồn thổi, rằng thực ra người Mỹ định mua cả cầu Tower Bridge huyền thoại.

2D37, 2D38, 2DE39… các công nhân xây dựng dỡ cây cầu thành từng mảnh và đánh dấu cẩn thận, để sau này trả chúng lại chỗ cũ, tuy nhiên ở bên kia Đại Tây Dương. 10.264 tảng đá như thế được đưa lên tàu thủy, lách qua con kênh đào Panama chở về California. Ở đó chúng được chuyển lên xe tải để tới quê hương của người Apache da đỏ ngày xưa, giờ nằm trong tay các chủ nhân da trắng ở thành phố Lake Havasu.

Chùm ảnh du lịch: London, nơi tình yêu ở lại

Chùm ảnh du lịch: London, nơi tình yêu ở lại

Hình ảnh nào chạy qua đầu bạn khi nghĩ đến London? Cung điện Westminster với tháp đồng hồ Big Ben nổi tiếng? Sông Thames? Hay nhà hát hoàng gia Royal Albert Hall? Hãy cùng chiêm ngưỡng London qua những hình ảnh dưới đây.

Thực ra việc mua cây cầu là hoàn toàn ngớ ngẩn. Cầu chỉ là cầu, khi nó nối hai bờ của một con sông. Nhưng với rất nhiều tiền thì rất nhiều điều phi lý cũng thành hiện thực. Triệu phú McCullochmua cây cầu xong thì sai đào một con kênh để làm lý do tồn tại cho nó. Hàng ngàn bàn tay biến một bán đảo thành đảo. Thêm nữa, cầu London không được tái tạo nguyên trạng. Các tảng đá cổ kính được đắp lên một cấu trúc bê tông cốt thép hiện đại, qua đó cây cầu được giảm cân xuống ngót 30.000 tấn.

“Bán cho mỗi người một hot dog”

Không dưới 50.000 người tò mò đến tham dự lễ khai trương cầu hôm 10/10/1971 được tổ chức vô cùng hoành tráng. Với một chương trình hổ lốn về lịch sử, triệu phú McCulloch tổ chức một cuộc diễu hành hùng hậu với các kỵ sĩ vận áo giáp Trung cổ, người da đỏ với trang phục truyền thống, cowboy trên lưng ngựa, đoàn xe tải kết hoa v.v…

Các thượng khách được chở đến bằng tàu thủy chạy hơi nước, trong đó có cả thị trưởng đương nhiệm từ London trong bộ lễ phục lông thú giữa trời nắng gắt trên 40 độ. Một khinh khí cầu mang màu cờ Anh rời mặt đất với 3.000 bồ câu trắng trong tiếng chuông trang nghiêm của Điện Westminster - dĩ nhiên từ băng ghi âm.

Sau loạt đạn vang dội từ 19 nòng đại bác, hai quốc thiều “Chúa phù hộ Nữ hoàng” và “Cờ hoa” nổi lên, đó là hiệu lệnh cho đoàn diễu hành qua cầu. Từ tàu thủy, triệu phú McCoulloch hài lòng ngắm tác phẩm 7,5 triệu USD của mình. Ông sẽ không bao giờ hối hận cho quyết định của mình: “Cầu London sẽ đưa lại cho Lake Havasu City mỗi năm 5 triệu du khách. Nếu mỗi người ăn một chiếc hot dog thôi thì tôi đã hoàn vốn rồi”. Và ông đã dự đoán rất đúng, cho đến tận hôm nay.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm