2 năm sống trên cây mamut

02/06/2013 09:11 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Một cô gái đã ăn ngủ, làm thơ, viết bưu thiếp hoặc gọi điện thoại cho bạn  bè trên độ cao 55 mét của cây mamut, thậm chí sẽ không rời nơi ở mới của mình để tắm rửa hay đi vệ sinh. Vì sao thế?

Đã có một thời, con người ưa vỗ ngực tự hào đã chế ngự hay thậm chí khuất phục được thiên nhiên! Lịch sử ngắn ngủi của giống homo sapiens (hay còn được dịch là “giống người thông minh“ để phân biệt với loài vượn) trên hành tinh này đã đưa ra phản đề đầy thuyết phục, rằng cho đến nay nhân loại chưa hề trả ơn đúng mức cho những gì nhận được từ thiên nhiên. Những bức hình ố vàng từ giữa thế kỷ 19 lưu lại câu chuyện đám người nhập cư ồ ạt kéo đến Bắc Mỹ như miền đất hứa và đốn sạch rừng cây mamut ở California ra sao.

Cổ tích ngày nay

Julia Hill trèo lên một cây mamut hiếm hoi còn sót lại. Loài cây này đạt chiều cao kỷ lục tới 110 mét và đường kính gốc 17 mét! Cô gái 23 tuổi người California đã làm nhiều nghề để kiếm sống, từ bồi bàn cho đến người mẫu, cả đời chưa hề ở lại lâu một nơi. Nhưng từ ngày 10/12/1997, cô sẽ định cư dài hạn ở đây, dưới một tấm bạt xanh. Cô ăn ngủ ở đó, làm thơ, viết bưu thiếp hoặc gọi điện thoại cho bạn  bè - trên độ cao 55 mét, thậm chí sẽ không rời nơi ở mới của mình để tắm rửa hay đi vệ sinh.

Julia say mê cái cây mamut nghìn tuổi này. Về sau cô tâm sự, chỉ trên đó cô mới hiểu thế nào là tình yêu, tình yêu dành cho sự sống muôn màu và đặc biệt cho loài cây mamut vĩ đại trong cánh rừng phía Bắc San Francisco. Với độ cao 65 mét và đường kính gốc 5 mét, nó mới chỉ là một đại diện “thường thường bậc trung“ từ rừng cây mamut xưa kia cạnh bờ biển California cách đó chừng 20 cây số. Những hôm trời trong, Julia có thể nhìn từ đây lướt qua các ngọn cây ra đến đại dương.  

Tình yêu của người California đối với cây mamut nằm trong máu họ. Những kẻ đãi vàng đầu tiên ở thế giới mới đã phát hiện ra loài cây cổ nhất và cao nhất thế giới này. Những cánh rừng mamut nguyên sinh dọc bờ Thái Bình Dương bắt đầu từ Nam San Francisco và lan đến tận Oregon, bao phủ tới 8.000 cây số vuông. Và nguồn gỗ tưởng như vô tận ấy chính là bản án tử hình của cây mamut, khi người Âu nhập cư kéo vào rừng để theo đuổi một nghề được coi là hậu hĩnh nhất, nhưng cũng phiêu lưu nhất thời bấy giờ - nghề đốn cây. 

Julia Hill biểu tình trên cây mamut

Cơn say gỗ

Cây mamut ở Mỹ còn có tên là cây Gỗ Đỏ (redwood) hay Vàng Đỏ do màu gỗ đặc biệt và giá trị của nó, và gọi như thế không hề cường điệu. Nó cung cấp một loại gỗ vô cùng bền. Tuy nhiên, để khai thác được gỗ và chuyên chở đến nơi cần dùng thì khó khăn ấy cũng chẳng kém đi tìm vàng. 

Lịch sử truyền lại cái tên James T.Rayn của một trong những người đầu tiên tiếp nhận thử thách ấy. Ông là người nhập cư từ Ireland, với ý định đi đào vàng ở Tân thế giới. Năm 1852 ông mua một tàu thủy chạy hơi nước và cùng bạn mình là James Duff mở xưởng cưa đầu tiên bên vịnh Humboldt, Bắc California.

Mùa đốn cây thường bắt đầu lúc vào Xuân. Thợ đốn cây lập thành toán vài chục người, việc đầu tiên trong rừng là họ dựng nhà để trú ẩn cho các tháng tới. Nhân vật quan trọng nhất trong toán là đầu bếp, vì người này không chỉ lo vụ bếp núc mà còn giữ tinh thần vui vẻ cho cả đám mày râu bặm trợn. Không hiếm khi gặp các đầu bếp biết đàn hát hay nhảy múa. Đầu bếp còn được quản lý kho rượu và thuốc lá, bán các đồ dùng lặt vặt cho cả toán, làm trọng tài hòa giải các vụ đấm đá...

Công việc điều phối nằm trong tay toán trưởng, là người quyết định trình tự các cây bị đốn và hạ cây theo hướng nào; quả thực, đây là công việc tối quan trọng, cây đổ sai hướng có thể biến công việc của cả tháng thành mây khói.

Trước khi đám thợ lôi lưỡi cưa dài hơn 3 mét ra, họ dùng rìu dựng một giàn giáo chạy quanh gốc cây ở độ cao lý tưởng chừng 2-3 mét. Khi cưa đổ cây, họ phải xẻ thành nhiều khúc và cạo sạch vỏ cây. Sau đó là công tác vận chuyển khỏi rừng, công đoạn khó khăn nhất, đòi hỏi bổ sung tới 40-60 người để mở đường cho bò và ngựa kéo gỗ đến xưởng cưa. Thợ đốn cây mamut thường chuyển cả gia đình đến quận Humboldt, nơi tập trung nhiều xưởng cưa, đặc biệt là sau các vụ cháy hồi năm 1906 hủy diệt phần lớn San Francisco.



Những người đốn cây mamut qua bức ảnh của Augustus William Ericson

 Giữ kỷ niệm cho hậu thế

Trong đám “lâm tặc“ ngày đó có một người Thụy Điển tên Augustus William Ericson, nhưng sau vài năm ông bỏ nghề và mở một loạt hiệu ảnh, chuyên chụp và bán ảnh phong cảnh, bên cạnh hình ảnh sinh hoạt của các công ty địa phương.

Chẳng mấy chốc, các cửa hiệu của ông trở nên đắt hàng; nhiếp ảnh ngày đó còn là một thú vui xa xỉ, và dân cư quận Humboldt đều muốn giữ lại chân dung như một bảo bối trong gia đình. Cánh đàn ông lực lưỡng với cưa và rìu trong tay, trẻ con diện đồ Chủ nhật, các đám cưới hỏi... và cảnh nào cũng được dàn trước một gốc cây khổng lồ với đường kính hàng chục mét và không hiếm khi đến 2.000 năm tuổi. Vì một lý do nào đó, ai cũng muốn ghi lại thông điệp David chống lại Goliath, hay con người tí hon chiến thắng thiên nhiên hùng vĩ!

Nhờ những thư ký thời đại như Augustus William Ericson mà hậu thế được chứng kiến những hình ảnh đầy ấn tượng (và đáng buồn) từ hồi ấy.

Càng về sau này, công việc càng nhẹ nhàng hơn, khi công nghệ hỏa xa ngày càng phát triển và máy kéo hoặc dây tời với động cơ hơi nước thay thế cho sức kéo của súc vật. Từ sau thập niên 1930, thợ rừng đã được trang bị cưa máy và xe ủi để dọn đường dẫn đến xưởng cưa.

Công nghiệp gỗ đạt tốc độ đáng nể, và đó cũng là lời cáo chung cho những triền rừng bạt ngàn ngày nào.

Chiến thắng cay đắng

Cuộc tàn sát rừng không chỉ diễn ra trong lịch sử, mà còn kéo dài đến tận hôm nay, dưới mắt quan sát của Julia Hill, khi cô cắm trại trên cây mamut hồi cuối thập niên 1990. Xung quanh cô, các cây mamut thi nhau đổ ào ào, tiếng cưa máy rèn rẹt ngày càng tiến gần, và trên đầu cô là hàng loạt trực thăng tiến lại để chở các thân cây mới bị đốn từ sườn núi.

Cây mamut mà Julia Hill chọn làm nơi biểu tình ngồi là tài sản của Công ty Pacific Lumber Company, một trong những doanh nghiệp khai thác gỗ lâu đời nhất ở California, đồng thời cũng là chủ tuyển dụng lao động lớn nhất tại quận Humboldt. Julia cùng các nhà hoạt động môi trường thuộc nhóm “Earth First!“ nghĩ ra phương pháp đấu tranh này để phản đối nạn phá rừng cho mục đích thương mại. Họ muốn cứu rừng mamut trước lưỡi cưa oan nghiệt của Pacific Lumber.

Cô quyết tâm trụ trên cây vài tuần, hay thậm chí vài tháng. Tuy nhiên, cuộc đàm phán giữa nhóm bảo vệ rừng và công ty diễn ra cực kỳ khó khăn, cho đến khi Pacific Lumber phải nhượng bộ - đình chỉ chặt cây và được nhóm môi trường bồi thường 50.000 USD cho thiệt hại vì thất thu.

Ngày 18/12/1999 được Julia tô đậm trong nhật ký: hôm đó cô trèo trên cây xuống, ở lứa tuổi 25! Hai năm ròng cô sống trên ngọn cây mamut để bảo vệ nó.

Dù rằng thành công đó chỉ như muối bỏ bể: tính đến thời điểm ấy, khoảng 97% rừng mamut nguyên sinh trên hành tinh này đã bị tiêu hủy.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

    

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm