Võ đường Hồ gia: Lặng lẽ hành trình tiếp nối

05/02/2011 14:10 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) - Cùng với các làng An Thái, An Vinh, Thuận Truyền (thôn Hòa Mỹ, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn ngày nay) là một trong ba làng võ cổ truyền nổi danh của Bình Định. Dấu ấn làng võ Thuận Truyền gắn liền với huyền thoại Hồ Ngạnh, người được tôn vinh là giỏi nhất về binh khí roi. Ca dao miền đất võ có câu “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh”cũng phát tích từ huyền thoại võ này. Đó không chỉ là chuyện của trăm năm trước, thế hệ hậu sinh của cố võ sư Hồ Ngạnh ngày nay vẫn đang viết tiếp những trang rạng rỡ truyền thống võ của gia tộc…

Người định danh “Roi Thuận Truyền”

Người khai sinh ra môn phái roi Thuận Truyền, đặt nền móng võ thuật cho võ đường Hồ gia ngày nay (còn gọi là võ đường Hồ Sừng) là cố võ sư Hồ Ngạnh (1891-1976). Hồ Ngạnh tên thật là Hồ Nhu, song thân là ông Hồ Đức Phổ (Đốc Năm) và bà Lê Thị Quỳnh Hà - đều là những võ nhân cao thủ. Theo gia phả Hồ gia, chàng trai đất Bình Định Hồ Đức Phổ ra kinh thành Huế dự thi văn thì gặp tiểu thư Huế Quỳnh Hà dự thi võ “trái ngược” như vậy nhưng mối lương duyên đã gắn kết cuộc đời họ với nhau.

Ngay từ nhỏ Hồ Ngạnh đã bộc lộ năng khiếu võ thuật bẩm sinh. Lớn lên, ông được gia đình gửi vào lò võ của cao sư Ba Đề, Đội Sẻ, Hồ Khiêm… thọ giáo học võ. Từ những đường roi của các cao nhân như Ba Đề, Hồ Khiêm kết hợp với nội công học được từ thầy Đội Sẻ đã tạo ra một Hồ Ngạnh với những đường côn biến hóa, một khi địch thủ đã lâm vào thế trận roi vây bủa của ông thì chỉ nghe tiếng vù vù cũng đủ khiếp nhược tinh thần. Tiếng tăm võ sư Hồ Ngạnh vang dội khắp bốn tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú. Nghe danh, võ sinh kéo đến thọ giáo ngày càng đông. Con trai mất sớm, mọi tình thương và tinh hoa võ nghệ Hồ Ngạnh truyền thụ cho người cháu nội - Hồ Sừng.

Mỗi một môn phái, dòng họ võ lại sở hữu một số đòn thế bí truyền. Các đòn roi “đâm so đũa”, “lạc côn”, “phá vây”, “công lực”… gắn liền với tên tuổi dòng họ võ Hồ gia Thuận Truyền. Theo các tài liệu nghiên cứu về roi Thuận Truyền, điểm độc đáo nhất trong đường roi Hồ Ngạnh là tuyệt kỹ roi “đánh nghịch” cực kỳ lợi hại. Võ sư Hồ Sừng giải thích: “Ông nội tôi (Hồ Nhu - PV) sáng tạo thế roi đánh nghịch, ngược với cách đánh thuận thông thường, trên cơ sở tổng hòa tuyệt kỹ roi của nhiều môn phái khác nhau. Nhờ khổ luyện, ông có thể đánh nghịch cũng thuần thục như đánh thuận. Sau này khi phải giao chiến với các cao thủ, thế roi đánh nghịch bất ngờ giúp ông chiến thắng”.

Huyền thoại roi Hồ Ngạnh được truyền tụng với nhiều giai thoại ly kỳ và đậm tinh thần thượng võ, song thú vị bậc nhất phải kể đến cuộc giao đấu giữa đệ nhất roi Thuận Truyền - Hồ Ngạnh và đệ nhất quyền An Thái - Tàu Sáu Diệp Trường Phát.

Ở làng võ An Thái cách Thuận Truyền không xa, có người Hoa kiều tên Tàu Sáu võ nghệ cao cường, nhất là về võ Thiếu Lâm Trung Quốc, Hồ Ngạnh vùng Thuận Truyền rất muốn tiếp kiến, tranh tài võ nghệ nên sang mời giao đấu.

Bấy lâu nghe danh Hồ Ngạnh, Tàu Sáu trong lòng rất muốn diện kiến, huống chi nay cơ hội đến! Vào cuộc, để tránh nguy hiểm, hai bậc cao thủ cam kết không đánh mạnh vào người mà chỉ dùng kỹ thuật điểm vết trên võ phục của nhau để phân bại thắng thua. Hai binh khí roi mỗi đầu bọc đệm bông trắng được đưa ra, một thấm mực xanh do Hồ Ngạnh cầm, một thấm mực đỏ do Tàu Sáu giữ. Thời gian đấu là tàn một cây nhang, võ phục người nào ít bị điểm mực hơn tức người đó thắng. Sắp tàn cây nhang, Tàu Sáu nhảy ra ngoài, ngượng ngùng nhìn những vết mực xanh chi chít trên võ phục mình đang mặc, chấp tay bái phục: “Đoản côn Thuận Truyền di hữu chủ”! (Roi Thuận Truyền chỉ có một).

Viết tiếp truyền thống

Làng võ Thuận Truyền xưa kia có nhiều gia tộc võ cùng tồn tại, phát triển đã mang lại sự phong phú về môn phái cũng như sức mạnh cho làng võ. Đến ngày nay, bề dày võ của vùng chỉ còn ở lò võ Hồ Sừng, cũng là lò võ duy nhất ở Thuận Truyền từ sau ngày giải phóng đến nay. Hàng năm, võ đường nằm sâu trong con hẻm quê này lại đón hàng trăm môn sinh trong và ngoài tỉnh đến học. Võ đường Hồ Sừng đã đào tạo ra rất nhiều võ sư, võ sinh nổi tiếng cho Bình Định, trở thành vệ tinh cung cấp VĐV cho Đội tuyển Võ cổ truyền Bình Định. Cũng tại làng roi Thuận Truyền, từ nhiều năm nay, mỗi dịp Tết Nguyên đán, võ đường Hồ gia đều đứng ra tổ chức giải võ thuật cổ truyền mùa Xuân các CLB, mời các võ đường trong tỉnh và các tỉnh lân cận về làng Thuận Truyền giao lưu võ thuật, “thượng đài mùa Xuân”.


Võ sư Hồ Sừng luyện võ cùng con trai Hồ Sỹ. Ảnh: Bình Phương

Đến nay, võ đường Hồ gia kéo dài qua 5 thế hệ, từ thời cố lão võ sư danh tiếng Hồ Nhu, sang thế hệ cháu của ông - võ sư Hồ Sừng, đời chắt - các con trai Hồ Sừng là Hồ Bé, Hồ Sửu, Hồ Hiệp, Hồ Dư, Hồ Sỹ, đời chít là Hồ Thứ, Hồ Thị Thảo, Hồ Đức Hạnh… nối gót theo nghiệp võ, là một trong những dòng họ võ lâu đời ở Bình Định, có công đóng góp rất lớn cho sự nghiệp võ cổ truyền tỉnh nhà. Đại gia đình võ họ Hồ sống quây quần trong địa bàn huyện Tây Sơn, đến mùa võ đường tuyển sinh, các con cháu lại cùng nhau tụ về từ đường chăm lo cho võ đường.

Võ sư Hồ Sừng cho biết: “Võ đường Hồ gia, làng võ Thuận Truyền nổi danh từ môn roi, tuy nhiên, theo tôi nghĩ, ngày nay, lời thiệu và động tác mỗi môn binh khí đều đi vào sách vở, mọi võ lý của môn roi người theo nghiệp võ nghệ đều biết. Các bài roi Thất bộ, Thái Sơn, Bát quái, Tứ môn, Ngũ môn, Trực chỉ, Tấn nhất, Tiên ông… và ngay cả Lạc côn - bài roi mà ông nội tôi ngày xưa học từ thầy Hồ Khiêm được xem là bảo vật của dòng họ, giờ cũng là tài sản chung của võ Bình Định. Điều bí truyền của roi Thuận Truyền không còn huyền thoại như xưa nữa đâu”.

Anh Hồ Sỹ tiếp lời cha: “Tinh thần võ nghệ mà cha tôi thừa hưởng từ ông, ấy là tầm quan trọng của việc tạo nền móng cho việc học võ, nền móng về sức khỏe, về tinh thần, tâm lý và hiểu được cách dùng võ. Cha tôi bảo học võ không thể học vội, cũng như người có võ tính khí không được phép nóng nảy, dễ sinh làm càn. Dẫu sự học võ ngày nay có khác trước nhiều, khi dạy các con cháu mình cũng như dạy học trò là người ngoài, ông đều có chủ ý luyện tay chân, gân cơ cho dẻo dai, tập ngũ hành để rèn sức chịu đựng, để thân thể thăng bằng… Tiếp đến học lời thiệu cho thuộc làu làu, tất nhiên đó phải là lời thiệu nguyên bản, khi đã hiểu lời thiệu thì học động tác rất dễ dàng và không bị tam sao thất bổn giữa thiệu và động tác. Ai muốn học sâu hơn thì ông tăng thời gian thử thách, tập khi nào đánh động tác, nhịp phách mà ra hơi, ra gió thì mới đi sâu vào điệu thức. Có lẽ cẩm nang học võ tưởng như đơn giản nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để theo đuổi này mới là “bí quyết” của võ đường chúng tôi”.

Võ sư Hồ Sừng được phong võ sư năm 1999, các con ông, Hồ Cương (đã mất) được phong chuẩn võ sư, con trai thứ Hồ Bé hiện ở mức HLV cấp 17, Hồ Sỹ ở mức HLV cấp 16 và con trai út Hồ Dư đạt HLV cấp 15. Các anh em Hồ Bé, Hồ Sửu, Hồ Hiệp, Hồ Sỹ, Hồ Dư là những hạt nhân đi đầu trong các giải võ thuật phong trào ở huyện, xã. Tiếp nối truyền thống gia đình, thế hệ thứ 5 của Hồ gia như Hồ Thứ, Hồ Thị Kim Tâm (các con của con trai cả Hồ Cương), Hồ Thị Thảo, Hồ Đức Thiệt (con Hồ Bé), Hồ Đức Hạnh (con trai Hồ Hiệp)… đều mang trong mình đam mê võ thuật. Người tham gia biểu diễn võ tại Bảo tàng Quang Trung, người làm HLV võ, người theo nghiệp VĐV hay học văn hóa… Dù các con cháu lập gia đình, ra ở riêng, có công việc khác nhau song võ đường Hồ gia luôn duy trì truyền thống tập võ cùng nhau tại thời gian ấn định. Mỗi buổi tập võ tại gia đình, “nhạc trưởng” là võ sư Hồ Sừng, đây là thói quen có từ thời cố lão võ sư Hồ Nhu còn sống, khi các con trai Hồ Sừng còn rất bé, nếp sinh hoạt võ thuật ấy được duy trì đến tận ngày nay, như một cách bồi đắp truyền thống võ sâu bền.

Cũng có người băn khoăn, dòng họ võ Hồ gia lâu đời và nổi tiếng thế, song bản thân võ sư Hồ Sừng ngày xưa ít thượng đài, phân tài cao thấp với những bậc võ sư cùng thế hệ với ông, các con trai ông lâu nay vẫn là những “người đưa đò” thầm lặng. Lý giải về điều này, võ sư Hồ Sừng cười nhân hậu: “Điều này phụ thuộc vào quan niệm về võ ở mỗi gia đình. Tạo tiếng tăm trong giới võ vốn là điều xa lạ với tính cách gia đình tôi, điều này đã có ở thời ông nội Hồ Nhu. Người luôn tâm niệm, rèn luyện võ nghệ phải gắn liền với tu dưỡng đạo đức, thậm chí thà để mai một hoặc thất truyền sản nghiệp võ còn hơn là truyền thụ cho kẻ chưa đắc đạo về võ nghệ. Hậu sinh chúng tôi tiếp quản tinh thần ấy, trước sau chúng tôi chỉ xem võ là tổ nghiệp của gia đình, không thể để mai một, đồng thời động viên con cháu cố gắng học văn hóa, cái vốn văn hóa càng dày thì cái chất võ biền càng giảm”.

BÌNH PHƯƠNG

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm