Hậu chung kết Wimbledon: Số 77 “định mệnh”

13/07/2013 07:02 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Sau 77 năm, Vương quốc Anh mới lại có một tay vợt nam vô địch Wimbledon giàu truyền thống lịch sử trên sân nhà. Con số đó dường như là định mệnh. Hồng Ngọc có một giả thuyết đằng sau “định mệnh” ấy!



Murray vô địch Wimbledon 2013 - ảnh The Sun

Cà phê thể thao: Chào Hồng Ngọc! Anh có ấn tượng như thế nào với trận chung kết Wimbledon 2013?

Hồng Ngọc: Đó là một trận đấu gần như hoàn hảo của Andy Murray, nhà vô địch mới. Trong khi tay vợt số một thế giới có một trận đấu kém nhất của anh ở giải này. Murray vượt qua mọi sức ép, chơi bản lĩnh hơn hẳn những gì chúng ta đã biết về anh ở các trận đấu lớn, giao bóng và trả bóng rất tốt, di chuyển siêu hạng, phản công tuyệt vời, bên cạnh khả năng chơi bóng bền và lối chơi cực kỳ thông minh mà anh thường thể hiện.

Trong khi đó Novak Djokovic giao bóng kém hơn nhiều so với chính anh ở trận bán kết, tấn công hời hợt, cú trái sở trường bị lỗi nhiều, và nhất là bản lĩnh kém. Hai lần anh dẫn 4-1 hoặc 4-2 nhưng để Murray lội ngược dòng. Lội ngược dòng là “thói quen” và sở trường của anh, thì trong trận đấu này, anh trở thành nạn nhân của Murray.

* Phải chăng đó là định mệnh? Vào ngày 7/7, có một tay vợt Vương quốc Anh vô địch đơn nam Wimbledon sau 77 năm chờ đợi?

- Anh hỏi câu này làm tôi giật mình nhớ thêm những con số 77 khác. Wimbledon được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1877. Và năm 1977 là lần cuối cùng một tay vợt nữ của Vương quốc Anh đoạt danh hiệu vô địch đơn nữ. Thật kỳ lạ!

* Anh có biết số 7 có ý nghĩa đặc biệt gì không, mà lại “linh nghiệm” trong việc này vậy?

- Với phần lớn thế giới, con số 7 có ý nghĩa tích cực đặc biệt. Truyền thuyết của Phật giáo kể rằng khi Đức Thích Ca giáng thế, ngài đã bước 7 bước trên 7 đóa sen vàng rồi dừng lại. Cơ thể động vật, gồm cả người, có 7 “lỗ” ở trên đầu, là các giác quan (2 mắt, 2 tai, 2 lỗ mũi, 1 miệng). Ánh sáng trắng khi tán sắc có 7 màu, âm nhạc có 7 nốt, nghệ thuật có 7 ngành. Những sản phẩm đáng chú ý của con người cũng liên quan đến con số 7: số loại quân cờ trên bàn cờ vua, số kỳ quan thế giới, số nhánh trên vương miện của nữ thần tự do. Trong bóng đá, chiếc áo số 7 có ý nghĩa đặc biệt tương tự áo số 10, gắn với các huyền thoại, thậm chí với người Anh nó còn quan trọng hơn áo số 10.

Nhưng số 7 thì không có ý nghĩa tích cực trong văn hóa Hán hóa (các nền văn hóa chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa). Số 7 trong từ Hán - Việt là thất, đồng âm với từ thất khác có nghĩa là mất hay thua. Nó “xấu” chỉ kém số 4 là tứ, đồng âm với tử nghĩa là chết.

Với người Anh và với Murray, đó dĩ nhiên là con số cực kỳ tốt đẹp. Nhưng với Djokovic thì có chút phiền toái. Anh “đổi đời” nhờ phương pháp của một chuyên gia y học và dinh dưỡng người Serbia từng nghiên cứu và sử dụng các phương pháp của y học Trung Hoa. Mà nền văn hóa này lại dị ứng với số 7, chắc Djokovic không thể không biết. Đôi khi đó là vấn đề tự kỷ ám thị. Djokovic vốn là ông vua trong những thời khắc hiểm nghèo, nhưng trận chung kết ngày 7/7 anh lại yếu đuối ở những thời điểm quyết định.

Nhưng cá nhân tôi hình dung về một khả năng nữa, mà con số 77 “định mệnh” là cảm hứng cho “nghệ thuật sắp đặt”, hay người phương Tây hay gọi là “thuyết âm mưu”.

* Tennis không phải là bóng đá đâu anh! Nó có rất nhiều điểm số. Trọng tài có thể sai lầm, nhưng Wimbledon có quyền khiếu nại cho các tay vợt, với sự hỗ trợ của công nghệ Mắt diều hâu. Làm gì còn chỗ cho âm mưu nào nữa?

- Tôi cũng thường nghĩ như thế. Nhưng vẫn có một cách có thể can thiệp: điều kiện mặt sân. Với sân cứng thì ít có khả năng can thiệp, nhưng với sân đất nện và đặc biệt là sân cỏ thì có nhiều cách. Độ ẩm hay độ cứng của nền đất, và tình trạng mặt cỏ (loại cỏ, độ dày của cỏ). Chúng ta biết rằng từ năm 2003, ban tổ chức Wimbledon đã thay thế loại cỏ truyền thống, và cũng kể từ đó các tay vợt giao bóng lên lưới kết thúc sự thống trị của mình ở giải đấu này. Chỉ còn các tay vợt chơi cuối sân hay chơi bao sân đăng quang kể từ đó, mà tiêu biểu là Roger Federer. Trước đó, Federer không có dấu hiệu nào sẽ trở thành ông vua của giải đấu này cả, ngoài trận thắng Pete Sampras khi đó đang có vấn đề về tâm lý và phong độ. Đó chỉ là một ví dụ.

* Chúng ta hãy nói cụ thể hơn về giải đấu năm nay. Liệu điều anh vừa nói có liên quan đến việc hàng loạt các tay vợt hàng đầu rơi rụng từ rất sớm ở cả giải đơn nam và đơn nữ?

- Đó chính là cơ sở cho sự nghi ngờ của tôi. Wimbledon là nơi các tay vợt lớn thống trị, chứ không phải là nơi để nổi loạn. Sự cạn kiệt thể lực cũng không phải là lý do, bởi lịch thi đấu năm nào cũng vậy. Năm 2011, thậm chí các tay vợt top 4 có mặt trong tất cả các trận bán kết Grand Slam trong năm.

Này nhé! Victoria Azarenka và Jo-Winfried Tsonga phải bỏ cuộc vì chấn thương sau những pha trượt ngã. Maria Sharapova ngã ba lần tại cùng một vị trí, dẫn đến mất cảm giác trong di chuyển và sự tự tin trong trận mà cô bị thua. Tay vợt mới nổi Jerzy Janowicz cũng than phiền về mặt sân, với mặt cỏ quá dày, thậm chí mặt sân số 12 là “tồi tệ, không thể thi đấu được”. Sharapova gọi mặt sân Wimbledon năm nay là “nguy hiểm”, còn Azarenka yêu cầu ban tổ chức kiểm tra lại mặt sân nơi cô đã bị chấn thương đầu gối. Có rất nhiều người khác chấn thương và bỏ cuộc trước hoặc trong khi trận đấu diễn ra như Caroline Wozniacki, Marin Cilic, John Isner hay Radek Stepanek. Ngay cả người thắng Sharapova là Michelle de Brito cũng nói “mặt sân quá trơn và nguy hiểm”.

* Nhưng đã khó thì khó chung, đâu phải là lợi thế của riêng ai? Và trong trận chung kết thì đó đâu phải là lợi thế của Murray?

- Không phải. Mọi cuộc chơi chất lượng đều có tiêu chuẩn. Những người ở trình độ cao nhất, chuyên nghiệp nhất là những người am hiểu, chuẩn bị kỹ nhất để phù hợp với tiêu chuẩn ấy. Khi tiêu chuẩn bị phá vỡ, thì họ lại rơi vào thế bất lợi, để lại lợi thế cho những tay vợt chơi kiểu tự phát và hồn nhiên hơn.

Trong trận chung kết, chúng ta thấy Djokovic trượt ngã rất nhiều lần, không chỉ vì những tình huống nỗ lực để cứu bóng mà đôi khi chỉ là với những tình huống đặt đệm chân để đổi hướng di chuyển. Tôi cũng thấy Djokovic có vài lần bị như thế trong trận tứ kết và bán kết. Nhưng Murray không bị, và đó là điều “bí ẩn”. Anh di chuyển siêu đẳng dù phải đổi hướng và tăng tốc và cứu bóng liên tục mà không hề trượt ngã. Dường như Murray đã biết trước tình trạng mặt sân và chuẩn bị kỹ với nó. Có hai cơ sở: Thứ nhất, anh là niềm hy vọng của chủ nhà, trong một năm đặc biệt; thứ hai, anh bỏ cả Roland Garros trước đó, dù sau chấn thương ở Roma Masters, không có vẻ gì rõ ràng là Murray phải bỏ cả giải Grand Slam này. Phải chăng đó là thời gian Murray tu luyện để thích nghi với mặt sân kém chuẩn mà các tay vợt khác không có đủ thời gian để thích nghi?

Nếu thế, ban tổ chức Wimbledon đã thành công trong việc tạo điều kiện cho một tay vợt Vương quốc Anh đăng quang trong một năm đặc biệt, nhưng đã thất bại trong việc giữ gìn uy tín và chất lượng của giải đấu năm nay, khi các ngôi sao hàng đầu sớm bị loại.

P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm