31/05/2013 11:14 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Người mẹ già nhẹ nhàng nắn bóp hết tay, chân rồi đến bả vai của Huệ. Bà cẩn thận hỏi: “Mẹ đấm cả lưng cho con nhé?”. Huệ gật, nước mắt chảy thành từng dòng từ lúc nào.
Lê Thị Huệ bên người mẹ già của mình
Nhưng hãy để cho Huệ khóc. Khóc để rửa trôi những cơn đau, những buồn tủi. Khóc để biết mình cần nỗ lực để sống, để yêu gia đình và yêu chính bản thân mình.
Thoát khỏi bóng tối
Huệ căng mình gượng dậy khỏi chiếc giường đã gắn với mình gần 10 năm nay rồi vươn đến chiếc nạng, tập tễnh ra đón tôi. Điều đó thực sự khiến tôi bất ngờ bởi tìm hiểu về Huệ, tôi cứ nghĩ cô phải có người dìu mới đi được. Cô cười chào và chủ động tìm cách lấy cốc mời nước, nhưng đành chịu vì tay còn vướng nạng. Và thế là khách được làm... chủ nhà.
Cô cười suốt buổi nói chuyện, một nụ cười không biết nên tả thế nào bởi đó không còn là nụ cười của một người đã từng trốn tránh xã hội, mặc cảm với bản thân vì tàn phế. 10 năm gần như chỉ quanh quẩn bên chiếc giường, 10 năm cô cắn răng chịu đựng những cơn đau và cố gắng không ra đường gặp ai. Lý do sức khỏe thì ít, sự mặc cảm mới là thứ trở ngại khiến cô không thoát ra khỏi căn nhà chỉ có vài chục mét vuông này.
“Em không nhớ gì nhiều, chỉ thoang thoáng về một cú quật ngã trước thềm SEA Games 22 và sau đó thầy lay gọi dậy. Và từ đó trở đi, em gắn với bệnh viện, với những đợt điều trị, với cuộc mưu sinh của mẹ, của chị, của tất cả các thành viên trong gia đình để tìm cách cứu em. Nhiều năm ròng rã hết mổ rồi lại châm cứu, điều trị, trong đầu em chỉ có hình ảnh của mẹ, dịu dàng chăm sóc em từng miếng ăn, của chị, người bỏ cả quê lên Sơn Tây tìm việc và sống cùng để nuôi em…”, Huệ vừa kể vừa nhìn xa xăm. Có vẻ như chị vẫn chưa vượt qua hết sự mặc cảm để nhìn thẳng vào người đối diện, để nói về những gì mình đã trải qua.
Huệ kể rất nhiều về thời gian mới gặp chấn thương. Với cô, đó là sự ám ảnh bởi cú ngã đó đã lái số mệnh của cô sang một hướng hoàn toàn khác. Từ một con người khỏe mạnh, tinh nghịch, nặng tới 60kg, giờ cô run rẩy trong từng hành động, cơ tay chân co lại, cân nặng chỉ còn 45kg. Từ một niềm hi vọng vàng của Tổ quốc, giờ cô lại phải sống với khoản trợ cấp 2,4 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền này không chỉ nuôi cô mà còn là nguồn sống của mẹ cô, bà Lường Thị Hường.
"Đôi lúc cháu nó đau, nó nản, cáu gắt, tôi phải cố an ủi, động viên. Tôi biết cháu nó đau lắm nhưng không được phép để cháu buông xuôi. Cũng may là Huệ nó chỉ vậy 1-2 ngày rồi lại tập luyện trở lại", bà Hường tâm sự.
Và chính sự ủng hộ âm thầm của người mẹ già cùng những hi sinh của người chị, của cả gia đình đã là động lực giúp Huệ đứng dậy.
Và cô đã đứng dậy.
Những bước chân kiên cường
Huệ không còn nhớ mình đã bước chân ra khỏi giường từ lúc nào, cô chỉ biết mình đã được trung tâm Bảo Long hỗ trợ hết sức và đã bắt đầu biết thoát khỏi ra giường bệnh từ những ngày ở Sơn Tây.
"Đó là những ngày tháng dài. Mẹ và chị bỏ quê lên chăm sóc em. Chị em thậm chí phải rời bỏ quê hương lên đây tìm việc kiếm sống cốt để giúp em hàng ngày. Lúc mới điều trị, còn nằm liệt giường, loáng thoáng nghe bác sĩ nói với gia đình em có thể phải sống cuộc sống thực vật, quả thực em đã định buông xuôi", Huệ nhớ lại.
Nhưng cứ nhìn cảnh mẹ và chị vất vả kiếm sống, xoa chân, bóp tay cho mình mỗi ngày, bố ở quê cùng anh chị em khác cũng cố kiếm tiền nuôi con tật nguyền, Huệ lại sợ nếu hành động dại dột có thể khiến cả nhà đau lòng.
Vậy là Huệ quyết sống, quyết tập luyện và quyết tự mình có thể tự lập trong cuộc sống. Với sức khỏe của một người tập võ từ nhỏ, ý chí của một VĐV đỉnh cao, cùng sự giúp đỡ hết mình của các bác sĩ, Huệ bắt đầu có những tiến triển. Từ những cử động nhỏ nhất của tay và chân, rồi những bài tập thể lực, Huệ cuối cùng cũng đã thoát ra khỏi giường bệnh. Đó là một "huy chương vàng" cho cô gái đầy nghị lực này.
Trở về quê với hành trang là chiếc xe lăn và nạng gỗ, Huệ lại đối mặt với khủng hoảng về tinh thần. Bạn bè giờ đều đã lập gia đình, anh chị em cũng phải chăm lo cho gia đình riêng, các khoản hỗ trợ về kinh tế không đáng kể... cô lại nép mình trong căn nhà nhỏ. Cả gia đình cô giờ phụ thuộc chính vào nguồn lương hưu của bố.
Mọi việc càng trở nên bất ổn hơn khi năm 2011, bố cô mất đi và khoản trợ cấp hơn 2 triệu đồng của cô trở thành nguồn kinh tế chính cho 2 mẹ con. Và có lẽ đây chính là cái mốc khiến cô quyết tâm trở lại với xã hội.
Những bài tập thường xuyên tăng cường sức khỏe và vận động cơ bắp bước đầu giúp cô tạm tự đi lại được trong nhà. Mặc cho những cơn co rút gân khiến tay chân co quắp, đau buốt, cô vẫn cố luyện cầm các đồ vật. Nỗ lực đó nhanh chóng đem lại kết quả khi giờ đây Huệ đã có thể tực xúc cơm và đánh răng, rửa mặt mỗi sáng.
"Trước mắt, em muốn mình đủ khả năng để làm mọi công việc sinh hoạt cá nhân. Mẹ em già rồi, hơn nữa cũng còn nhiều việc, em không thể phụ thuộc mãi được. Đến lúc này em đang đi được nửa quãng đường của công việc đó", Huệ cười và nắm tay mẹ. Mẹ cô vẫn vậy, ngồi lặng lẽ, không cười. Những nếp nhăn tuổi tác in hằn trên khuôn mặt bà.
Mỗi lúc đau đớn hay mỏi mệt, người mẹ luôn là nguồn động viên và hỗ trợ kịp thời cho Huệ. Ảnh: Cao Tuấn
Hãy cứ để Huệ khóc
Thể thao & Văn hóa mong muốn quý vị độc giả, các tổ chức, cá nhân, các tấm lòng hảo tâm cùng chung tay góp sức giúp đỡ gia đình Lê Thị Huệ vượt qua khó khăn. Mọi đóng góp và ủng hộ cho VĐV Lê Thị Huệ cùng gia đình có thể gửi tới địa chỉ: Báo Thể thao & Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam Địa chỉ: Số 5 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội Điện thoại: 04.3.9331878 Tài khoản số 102010000754279 - Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hà Nội. Chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ số tiền ủng hộ cho gia đình VĐV Lê Thị Huệ. |
Quên đi cơn đau, Huệ dùng 2 tay nắm vào nhau, bẻ chúng thẳng ra cho đến khi trở lại bình thường. Quả bóng nhỏ xíu ngỡ tưởng chỉ động vào là lõm xuống nhưng khi vào tay Huệ, chúng cứng và nặng chẳng khác gì cục gỗ lim đẽo tròn.
"Mỗi ngày em tập ít nhất là 3 lần. Lúc thì xoay vần với quả bóng rổ, lúc nghịch quả cầu gai. Mỗi lần ít nhất là nửa tiếng không thì cũng phải một tiếng với chân tay. Anh nhìn thì thấy đơn giản vậy thôi chứ em chỉ có thể đưa qua mặt chứ không cố hơn được", Huệ vừa tập vừa tâm sự.
Mỗi khi đến bài tập chân, Huệ lại phải dùng tay để hỗ trợ. Đôi lúc đuối sức, bà Hường lại vội cúi xuống giúp con gái nhấc đôi chân bé nhỏ của con gái đặt lên quả bóng rổ.
30 phút tập buổi trưa trôi qua, mặt Huệ đỏ hồng vì cái nóng của mùa hè. Nó cho thấy khí huyết của chị đã lưu thông tốt hơn rất nhiều và cũng cho thấy, chị đã mất khá nhiều sức lực.
Người mẹ già như thường lệ lại dọn dẹp dụng cụ tập rồi nhẹ nhàng cầm tay con gái nắn bóp. Bà luôn là người theo dõi và giúp Huệ thư giãn sau mọi buổi tập. Đôi tay nhăn nheo, gân guốc và chai sạn của tuổi tác lại vô cùng nhẹ nhàng trên những bắp tay, bắp chân nổi đầy gân và cơ của cô gái trẻ. Bà lần từ chân lên tay, bóp nhẹ, đều tay nắn 2 bả vai. Rồi bà hỏi: “Mẹ đấm cả lưng cho con nhé?”. Huệ gật. Nước mắt chảy thành từng dòng từ lúc nào.
Huệ khóc không thành tiếng, không gạt nước mắt. Huệ kệ cho những giọt nước mắt rơi xuống mà không dám để cho mẹ biết. Có lẽ Huệ tủi thân và thương mẹ. Ở tuổi này, đáng nhẽ bà đang phải được an dưỡng tuổi già, chơi đùa với đàn cháu nhỏ. Ấy vậy mà...
Hãy cứ khóc đi Huệ. Khóc để rửa trôi những cơn đau, những buồn tủi. Khóc để biết mình cần nỗ lực để sống, để yêu gia đình và yêu chính bản thân mình. Khóc để mai lại cười và vững vàng bước trên đôi chân của mình.
Cao Mạnh Tuấn
Thể thao & Văn hóa
Lê Thị Huệ, cựu tuyển thủ vật quốc gia Năm 2003, Huệ giành HCV hạng 55 kg toàn quốc và là hy vọng vàng của vật Việt Nam ở SEA Games 22. Cũng trong năm đó, trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 22 do Việt Nam đăng cai, Huệ đã gặp chấn thương vỡ 3 đốt sống cổ, chèn ép tủy sống dẫn đến liệt tứ chi. Sau hơn 3 năm điều trị, sức khỏe của Huệ có những tiến triển nhất định nhưng không thể tự chăm lo cho bản thân. Hiện cô đang được hưởng trợ cấp tai nạn lao động của bảo hiểm xã hội là 580.000 đồng/tháng, còn người chăm sóc được hưởng 450.000 đồng/tháng. Sau một thời gian, tổng cộng 2 khoản tiền này được tăng lên 2,4 triệu đồng/tháng. Cô hiện đang ở cùng mẹ tại thôn Châu Chính, xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất