Từ án phạt của Luis Suarez: Cô lập cầu thủ là sai lầm?

28/10/2014 06:27 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, Luis Suarez đã chính thức mãn án cấm 4 tháng hoạt động bóng đá sau bê bối cắn người. Đồng thời, anh có màn ra mắt chính thức Barcelona trong trận cầu Kinh điển nổi tiếng toàn thế giới.

“Đừng lo lắng, tôi hứa sẽ không làm việc đó (cắn người) nữa”- tiền đạo người Uruguay hứa hẹn trước thời khắc quan trọng trong màu áo Barcelona.

Nhưng liệu Suarez có giữ lời?

Cần hỗ trợ, không phải án phạt

Theo các nhà nghiên cứu tâm lý học thể thao, các cầu thủ bị ảnh hưởng bởi án treo giò dài hạn như Suarez sẽ rơi vào khủng hoảng sâu hay có thể phục hồi phụ thuộc rất nhiều vào mạng lưới hỗ trợ xung quanh họ. Nhưng đáng ngạc nhiên rằng trong thế giới bóng đá hiện tại, sự hỗ trợ này đang còn thiếu.

“Nếu Suarez cắn người tới lần thứ 3, tôi không chắc cậu ấy có thể thay đổi dễ dàng sự việc”- Roger Barnes, người sáng lập công ty quản lý thể thao Sports Management International có trụ sở ở London, nhận định. “Bạn luôn mong đợi FIFA có những đợt tư vấn như một phần trong lệnh cấm. Nhưng chẳng hề có”.

Thế giới bóng đá hiện tại thiếu cả một hệ thống những biện pháp phòng ngừa để ngăn các cầu thủ tái phạm sai lầm và cả chương trình chăm sóc tâm lý phù hợp cho họ sau khi đã nhận án cấm. Tệ hơn, chính họ lại cô lập các cầu thủ khỏi hoạt động gắn liền với cuộc sống của họ.

Như trường hợp của Suarez. Anh bị cấm hoạt động thể thao trong 4 tháng, không được tập luyện cùng đội bóng mới và cả dự khán những trận cầu với tư cách khán giả (cho tới khi kháng cáo lên CAS). Suarez đã bỏ lỡ 10 trận đấu trong năm 2013, 8 trận trong năm 2010 vì cắn đối thủ và án cấm vì cáo buộc phân biệt chủng tộc với Patrice Evra năm 2011.

Hiểm họa từ những án cấm

Cô lập cầu thủ để trừng trị họ liệu có phải là một quyết sách hay? Theo nhà tâm lý học Stephen Smith, cách làm này dễ dàng làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

“Hiện tại, chúng ta chỉ cấm cầu thủ và để họ gặm nhấm sai lầm của mình. Từ góc độ tâm lý, đây là cách thức đẩy cầu thủ vào nguy hiểm”- Smith, chuyên gia tư vấn cho các cầu thủ và đội bóng ở Premier League cho biết. “Một số cầu thủ thậm chí còn không biết cách để trả hóa đơn điện thoại hoặc một vài việc tương tự bởi trước đó tất cả việc này họ không phải làm. Khi hệ thống hỗ trợ đột ngột bị cắt đi, họ chẳng biết phải làm gì”.

Cựu thủ môn Chelsea Mark Bosnich từng bị Liên đoàn bóng đá Anh cấm thi đấu 9 tháng vì dương tính với cocaine. Bosnich thừa nhận rằng án cấm đã đẩy anh chệch khỏi đường ray. Thiếu vắng bóng đá chuyên nghiệp, Bosnich càng bị nhấn chìm bởi ma túy. Chelsea cũng không còn đoái hoài tới Bosnich bởi cầu thủ này đã sa sút phong độ và “The Blues” muốn đẩy anh ra đi. Quy luật cung cầu trong bóng đá biến mọi thứ trở nên khắc nghiệt và tàn ác.

Liverpool đã khôn ngoan thuê tiến sĩ Steve Peters để hỗ trợ Suarez trong giai đoạn khó khăn. Còn tại Barcelona, Suarez chia sẻ anh đã được làm việc với những người có chuyên môn thích hợp. Đội bóng xứ Catalunya đã chi tới 130 triệu USD để mua Suarez hồi tháng 7 nên họ có sự khuyến khích tài chính mạnh để duy trì sự chăm sóc với Suarez. “Bạn chẳng bao giờ muốn nhìn thấy tài sản của mình mất giá trong bất kỳ hoàn cảnh nào”- Barnes, tay cò hoạt động mạnh ở thị trường bóng đá Anh và Mỹ, nhận định.

Tuy nhiên, quyết định hỗ trợ cầu thủ của CLB thường phải đi kèm với giá trị của cầu thủ đó đối với đội bóng. Đối với trường hợp như Bosnich, cầu thủ luôn nhận phần thiệt thòi. Bởi thế, mới cần có sự quan tâm của các cơ quan quản lý bóng đá như FIFA.

Nhưng cho tới bây giờ, FIFA và các Liên đoàn bóng đá thành viên vẫn chưa đưa vấn đề này vào các cuộc họp. Barnes cho rằng có lẽ nguyên do nằm ở vấn đề tài chính.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm