Khi vòng cấm biến thành sới vật

29/10/2014 20:11 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Dù trận đấu giữa Man United – Chelsea đã khép lại, nhưng hai tình huống gây tranh cãi trong vòng cấm của Branislav Ivanovic và John Terry vẫn là đề tài được bàn tán nhiều.

Nó khiến cho trận đấu trên sân Old Trafford giống như chương trình WWE, một show trình diễn môn vật hơn là một trận cầu đinh vòng 9 Premier League.

Khi trận đấu như sàn vật

Để hình dung dễ hơn, hãy tưởng tượng bên góc màu đỏ là bộ đôi Marcos Rojo và Chris Smalling bên phía Man United, còn góc màu xanh là Terry và Ivanovic. Khi tiếng còi nổi lên, tất cả không ngần ngại lao vào nhau. Rojo đẩy Terry vào một góc bằng đòn khóa đầu, đè thủ quân của Chelsea xuống sàn đấu không khác gì một vận động viên Judo.

Trong khi đó, Smalling túm lấy Ivanovic, cố gắng xoay cánh tay của mình vào cổ hậu vệ người Serbia trước khi kéo cầu thủ này ngã xuống đất. Ivanovic lập tức kêu gào trọng tài Phil Dowd cho Chelsea được hưởng một quả phạt đền. Nhưng vị vua áo đen lập tức lắc đầu, còn trái bóng bay ngang qua khung thành trước khi pha bóng kết thúc. Đội đỏ dẫn trước đội xanh 2-0.

Những đoạn băng làm chậm trên truyền hình chỉ ra cả hai tình huống trên theo luật đều xứng đáng để Chelsea được hưởng phạt đền khi tác động là quá rõ ràng.

Nếu những pha bóng như ở trong chương trình WWE, chẳng hạn một tình huống khóa đầu đối thủ, diễn ra ở không gian khác trên sân, thì không chần chừ gì nữa, sẽ là một quả đá phạt kèm chiếc thẻ vàng cho người phạm lỗi, thậm chí là nhiều hơn thế.

Vậy thì tại sao những pha kéo người như vậy lại không bị thổi phạt trong vòng cấm địa? Tất cả những pha bóng ấy cần phải được coi là phạm luật.

Càng làm ngơ, càng nguy hiểm

Đã đến lúc các trọng tài và trợ lý tỏ ra cứng rắn hơn. Chắc chắn họ có thể nhìn thấy những pha bóng như thế diễn ra. Vì sao không phải lúc nào họ đều can thiệp? Thực tế vẫn luôn tồn tại những chỗ khuất tầm nhìn trong vòng cấm địa. Những hành động như xô đẩy, thúc khuỷu tay, kéo áo đều không hay ho chút nào.

Chúng ta đang ở vào hoàn cảnh những pha bóng cố định trong bóng đá giống như các pha vật nhau. Một số cầu thủ chẳng cần nhìn hướng bóng, họ chỉ tập trung kèm một ai đó. Mục tiêu bây giờ chưa hẳn là phá bóng, mà có khi là tìm cách cản đối phương di chuyển.

Nếu như các trọng tài tiếp tục để cho những pha bóng như đấu vật trên sân xuất hiện, các HLV sẽ tiếp tục cổ vũ nó như là một kiểu chiến thuật phòng ngự. Sẽ thật đáng xấu hổ nếu như những pha bóng như thế được đưa vào giáo án tập luyện.

Những nhà chức trách thì chỉ mải tập trung vào việc xử nặng những pha vào bóng từ phía sau. Các cầu thủ biết rằng ngoài việc có nguy cơ phải nhận thẻ vàng hoặc thẻ đỏ, thì chẳng có chút lợi ích nào từ hành động như thế. Bây giờ, họ cần phải góp sức vào việc loại trừ những pha cố ý đụng chạm thân thể trong vòng cấm địa bằng việc yêu cầu phải có phạt đền.

Đã có một số trọng tài xử phạt cho những pha “đấu vật” trong vòng cấm. Như ông Michael Oliver từng làm trong trận Swansea gặp Stoke, khi Shawcross vật Bony ngã trong vòng cấm. Nhưng những trường hợp bỏ qua vẫn còn quá nhiều.

Một số người lý luận rằng nếu cứ làm như thế thì một trận đấu có thể phải có tới 20 quả phạt đền. Không hẳn vậy, chỉ cần 1 hay 2 lần như thế là đủ làm bài học cho các cầu thủ và HLV.

Ở trận đấu trên sân Old Trafford vừa qua, nếu như ông Phil Dowd không quan sát kịp, thì hoàn toàn có thể tham khảo ý kiến từ các trọng tài biên.

Đã đến lúc những pha bóng xấu xí như thế cần phải được chấm dứt trên các sân cỏ xứ sương mù.

36 – Hai tình huống Ivanovic và Terry bị đốn ngã đều diễn ra cùng ở phút 36 của trận Man United – Chelsea.

2 - Ở vòng 8, có hai tình huống tương tự trong các trận Swansea – Stoke và Liverpool – QPR, và các trọng tài đều thổi phạt đền.

2007 – Cách đây 7 năm, trọng tài Phil Dowd đã bị HLV Paul Jewell chỉ trích khi từ chối cho Wigan hưởng quả phạt đền trong trận gặp Arsenal.


Đức Hùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm