42 năm thảm sát Munich: Thể thao dưới bóng đen khủng bố

05/09/2014 06:37 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Sự kiện xảy ra ở Munich cách nay 42 năm (5/9/1972-5/9/2014) còn được biết tới với cái tên Munich Massacre – thảm sát Munich. 8 người Palestine đã giết hai thành viên của đoàn thể thao Israel  và bắt giữ 9 người khác làm con tin. Vụ khủng bố sau đó kết thúc bằng một cuộc đấu súng đẫm máu khiến 5 kẻ bắt giữ và cả 9 con tin thiệt mạng.



11 người thiệt mạng trong vụ thảm sát Munich năm 1972

Ở thời điểm diễn ra vụ bắt cóc con tin, Olympic Munich năm 1972 bắt đầu đi vào tuần thứ hai. Phía Đức khuyến khích một không khí cởi mở và thân thiện bên trong làng Olympic nhằm xóa đi ký ức về nước Đức thời thế chiến, đặc biệt là về Olympic Berlin năm 1936, sự kiện đã bị trùm phát xít Adolf Hitler lợi dụng cho những mục đích tuyên truyền. Trong bộ phim tài liệu One Day In September, các nhà làm phim cho rằng an ninh trong làng vận động viên (VĐV) được nới lỏng. VĐV thường ra vào mà không cần phải trình giấy tờ. Thậm chí, có VĐV không đi qua cửa chính mà trèo qua rào bao quanh làng VĐV.

Sự vắng mặt của lực lượng an ninh đã làm Trưởng đoàn thể thao Israel là Shmuel Lalkin lo ngại. Trong những cuộc phỏng vấn sau này, Lalkin cho biết ông đã bày tỏ lo lắng của mình với Ban tổ chức về nơi ở của đoàn Israel. Họ được bố trí trong một khu khá tách biệt tại làng Olympic, tầng một của một tòa nhà nhỏ gần cổng, và ở vị trí này, họ có thể dễ dàng bị tấn công từ bên ngoài.

Tối 4/9, các VĐV Israel ra ngoài xem vở kịch Fiddler On The Roof và ăn tối với ngôi sao trong vở diễn, nghệ sĩ người Israel, Shmuel Rodensky, trước khi quay về làng Olympic. Khoảng hơn 4 giờ sáng ngày 5/9, khi các VĐV còn say giấc ngủ, 8 thành viên tổ chức Tháng 9 Đen trèo qua hàng rào cao hai mét và đột nhập vào làng Olympic. Chúng tiến thẳng tới số 31 Connollystrasse, tòa nhà mà đoàn thể thao Israel ở, và đến 4 giờ 30, tất cả đã lọt vào trong tòa nhà. Cuộc tấn công diễn ra nhanh chóng và 1 huấn luyện viên, 1 vận động viên Israel bị bắn chết khi phản kháng lại, 9 người bị bắt giữ làm con tin

Những kẻ bắt cóc sau đó thông báo chúng là một bộ phận của Fedayeen Palestine từ các trại tị nạn ở Lebanon, Syria và Jordan do Luttif Afif (Issa) chỉ huy và đều các thành viên của Tháng 9 Đen.

Đến 5 giờ 10, lực lượng an ninh của Đức xuất hiện và thông tin về vụ tấn công làng Olympic bắt đầu lan khắp thế giới. Những kẻ bắt cóc đưa ra một danh sách các yêu cầu, trong đó có việc thả 234 tù nhân từ những nhà tù của Israel và hai người từ nhà tù của Đức vào lúc 9 giờ. Thời hạn này sau đó được kéo dài đến giữa trưa, rồi 1 giờ, 3 giờ, 5 giờ. Tuy vậy, tổ chức Tháng 9 Đen không rút lại các yêu cầu, trong khi phía Israel cũng từ chối thả tù nhân. Một cuộc đọ súng là không thể tránh khỏi.

Tới 5 giờ chiều, nhóm bắt cóc nhận ra rằng các yêu cầu của chúng sẽ không được thực hiện. Chúng yêu cầu cung cấp hai máy bay chở chúng và con tin tới Cairo, Ai Cập. Phía Đức đã đồng ý nhưng quyết định không thể để những kẻ bắt cóc rời Đức. Một chiến dịch mang tên Sunshine nhằm phong tỏa tòa nhà được triển khai. Thật không may, nhóm bắt cóc đã phát hiện kế hoạch này qua ti-vi. Người Đức sau đó lên kế hoạch tấn công nhóm bắt cóc trên đường ra sân bay nhưng một lần nữa, kế hoạch này thất bại.

Khoảng 22 giờ 30, nhóm bắt cóc và các con tin được ba trực thăng đưa tới Sân bay Furstenfeldbruck. Người Đức đã quyết định phục kích ở sân bay và cử các tay bắn tỉa chờ sẵn. Tuy nhiên thì ngay đến khi sân bay, những kẻ bắt cóc phát hiện máy bay không có gì và chúng chạy trở lại trực thăng.

Cuộc đấu súng diễn ra sau đó. Hai kẻ bắt cóc bị bắn hạ và một cảnh sát Đức cũng thiệt mạng. Trong thời gian chờ đợi xe bọc thép tăng cường, nhóm bắt cóc hiểu rằng tình huống đang xấu đi cho chúng. Một trong số chúng nhảy lên một chiếc trực thăng bắn chết bốn con tin rồi tung lựu đạn làm nổ tung máy bay. Một tên khác nhảy lên chiếc trực thăng kia và dùng súng máy bắn chết năm con tin còn lại. Tuy nhiên ba tên trong nhóm bắt cóc cũng bị bắn hạ và ba tên là Safady, Adnan Al-Gashey và Jamal Al-Gashey đã bị bắt giữ. Tới khoảng 1 giờ 30 sáng hôm sau, cuộc đấu súng kết thúc.

Thế nhưng, cũng chỉ chưa đầy hai tháng sau, ba tên bắt cóc này đã được chính quyền Đức thả sau khi hai thành viên khác của Tháng 9 Đen đánh cắp một máy bay của Hãng Lufthansa và dọa cho nổ tung nếu như ba tên kia không được tự do!

Những vụ khủng bố kinh hoàng trong lịch sử thể thao thế giới

Vụ thảm sát Munich 1972 dường như là điểm khởi đầu, bởi sau đó, thể thao cũng trở thành mục tiêu của nạn khủng bố trên toàn cầu. Vẫn là kỳ Olympic diễn ra tại Atlanta, Mỹ năm 1996, vào rạng sáng 27/7, một quả bom phát nổ gần công viên Olympic Centennial khiến 2 người thiệt mạng, 111 người khác bị thương. Phải mất tới 7 năm sau đó, cảnh sát Mỹ mới bắt được hung thủ là Eric Rudolph, kẻ đã gây ra rất nhiều vụ đánh bom khác. Eric Rudolph sau đó đã bị kết án chung thân.

Tổ chức khủng bố khét tiếng Al-Qeada cũng tiến hành 7 vụ đánh bom các ga tàu điện ngầm tại London, ngay sau khi thành phố này được nhận quyền đăng cai Olympic 2012. Theo ước tính, có 7 chết và khoảng 700 người bị thương.

Ngoài ra là hàng loạt vụ khủng bố khác như: Âm mưu đánh bom ngay trước thềm trận “siêu kinh điển” tranh Cúp Champions League năm 2002 giữa Real Madrid và Barcelona của nhóm ly khai xứ Basque (ETA); Một kẻ đánh bom liều chết thuộc tổ chức “Những con hổ giải phong Tamil” đã phá hủy cuộc thi marathon mừng năm mới diễn ra ở Sri Lanka; Các vụ xả súng vào xe chở các cầu thủ cricket Sri Lanka (2011), cầu thủ bóng đá Togo (2010), vụ bắn chết cầu thủ Escobar của Colombia (1994)…

Và gần nhất là vụ đánh bom kép tại Giải marathon Boston (Mỹ) năm 2013 đã giết chết ba người và làm bị thương hơn 250 người khác. Dzhokhar Tsarnaev, nghi phạm vụ đánh bom này sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 3/11 tới, trong khi người anh là Tamerlan Tsarnaev đã chết trong cuộc đọ súng với cảnh sát truy bắt.


Mạnh Hào

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm