"Đục két" ông bầu

03/02/2012 14:51 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Một mùa giải có đến 26 trận  (chưa kể Cúp QG), không phải 90 phút nào cầu thủ cũng vào sân với tinh thần cảm tử. Họ chỉ thực sự cháy hết mình trước những trận cầu “thơm”, tức là được biết nếu thắng sẽ bỏ túi rất nhiều tiền.

1. Để đi hết dặm dài mùa bóng,  không biết bao nhiêu trận cầu bạc tỷ. Nhất là về cuối, số lượng các ông chủ móc tiền tỷ ra chi cho một trận thắng rộ lên như nấm mọc sau mưa, kể cả tốp trên, giữa lẫn những anh đang ở thế trứng treo đầu gậy.

Cầu thủ càng ngày càng nhạy cảm, luôn biết đặt ông chủ của mình vào thế  phải vung tiền, thành một cuộc chạy đua bạt mạng về tiền thưởng. Tiền ít, tính chất trận đấu “lẹt phẹt’, thật khó để cầu thủ nóng đôi chân lẫn cái đầu.

Thế nên, thưởng không còn là nghệ thuật hay thể hiện độ cao siêu của chủ nhân, mà có thể hiểu đơn giản anh nào treo nhiều tiền hơn, chắc chắn đội đó sẽ máu lửa hơn trong một trận chiến cụ thể. Càng về cuối, cầu thủ càng “cài độ” các ông chủ của mình.


Cầu thủ SHB.ĐN đang khấp khởi chờ đợi mức thưởng cho trận gặp SLNA

Việc chạy đua tiền thưởng đã thành con dao 2 lưỡi. Trong đó, cầu thủ luôn nắm đằng chuôi. Chúng ta có thể thấy rất rõ tác động tiêu cực của tiền thưởng không hợp lý đã hình thành hệ tư tưởng: tiền là tất cả, đứng trên quyền lợi đội bóng, màu cờ sắc áo và nguyện vọng của người hâm mộ.

VPF đã đặt ra giới hạn các CLB phải công khai tiền thưởng, trong đó không quá 500 triệu đồng. Tuy nhiên, ý tưởng này đã vấp phải sự “kháng cự” quyết liệt của nhiều đội bóng, đặc biệt từ giới cầu thủ. Thực tế từ đầu mùa giải đến nay không ít đội đã “phạm quy”.

Thế mới biết, việc ngăn chặn cuộc leo thang tiền thưởng trong bối cảnh hiện nay là vô cùng khó, khi tiền vẫn là cứu cánh của thành tích. Có một thách thức đặt ra: nếu đội bóng các thành viên có chân trong VPF lâm vào tình thế bí bách, họ vẫn kiên trì chỉ thưởng 500 triệu đồng trở lại, hay là bung tiền tỷ và phát cho mỗi cầu thủ 1 cái kẹo để họ đừng khoe với thiên hạ trận cầu A, B được các chú thưởng rất “thơm”.

2. Mặc dù bầu Hiển chưa đưa ra con số cụ thể nếu thắng SLNA tuần nay trên sân Chi Lăng sẽ thưởng bao nhiêu tiền, nhưng cầu thủ SHB.ĐN đang khấp khởi chờ đợi. Họ rỉ tai nhau sẽ đá chết bỏ vì nếu có 3 điểm, chắc chắn  tiền thưởng sẽ bằng mấy trận cộng lại.

Năm ngoái, thắng SLNA 3-1, họ đã bỏ túi 1,7 tỷ đồng. Một con số làm choáng váng tất cả các thành viên đội bóng sông Hàn, và làm thiên hạ cũng phải lắc đầu bởi đá bóng mà treo thưởng thế thì ai đấu cho nổi. Giới chuyên môn thì gật gù đánh giá nếu SHB.ĐN đá với tinh thần đó, phong độ đó thì khó ai cản được họ trên đường chạm tay vào vòng nguyệt quế.

Ai ngờ, ngay vòng đấu sau, vào Nha Trang, cũng đội hình đó, SHB.ĐN ngãng ra và thảm bại. Người ta chẳng khó lý giải- vì trận đó có thắng cũng chẳng nhiều tiền thưởng. Bản thân số đông cầu thủ SHB.ĐN từ đầu mùa cũng chẳng mặn mà với ngôi vua.

Chính cú ngã trên sân Nha Trang còn mang đến góc nhìn: cầu thủ SHB.ĐN căng ra đá với SLNA còn vì danh dự tức thời, vì sự ấm ức khi mùa trước SLNA đã thắng kinh hoàng 5-0 trên sân Vinh, 3-2 ngay trên thánh địa Chi Lăng. Chủ nhật này, SHB.ĐN sẽ ra sân lấy cái gì làm động lực chính?

Chắc chắn mùa giải năm nay, chuyện cầu thủ  vào sân hồn treo ngược nơi cái két ông chủ vẫn nóng hổi. Đã có chuyện cầu thủ QK4 từng sướng ngất khi được thưởng quả trứng vịt lộn, hay đường đến ngôi vua của SLNA năm ngoái không váng vất chuyện tiền thưởng.

Nhưng mùa này thì khác, nếu không có tiền thì bài ca tinh thần của dàn cầu thủ đã không còn măng tơ nữa sẽ khó hùng tráng.

Khi nào các CLB khiến cầu thủ gác chuyện thưởng sang một bên, nghĩ đến khán giả hơn là cái két ông bầu, chừng đó bóng đá ta mới chuyên nghiệp, hạn chế bớt những trận cầu năm nóng, năm lạnh.

Không có tiền khó làm việc lớn, nhưng tiền không là tất cả. Bóng đá ta đang trả giá vì kiểu làm bóng đá đặt giá trị vật chất lên hàng đầu, nhiều kẻ giàu vẫn phải “ôm bụng” dài dài.

NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm