Việc định giá nhà Lang và hiện vật: Không 'định' được giá trị tinh thần

15/11/2013 12:35 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hiện Bảo tàng Không gian văn hóa Mường đang lập hội đồng khoa học nhằm thẩm định và định giá nhà Lang cùng các hiện vật đã bị thiêu rụi, nhằm sớm gửi hồ sơ lên các cơ quan chức năng để khởi tố, xử lý những người gây nên hỏa hoạn.

TT&VH Cuối tuần đăng tải ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu chung quanh việc định giá này.

“Việc thành lập hội đồng định giá sau sự cố có thể quy được những thiệt hại về mặt vật chất, bao gồm cả những hiện vật tích lũy được, nhưng không thể nào tính được những giá trị vô hình mà di sản đó mang lại cho cộng đồng. Những hiện vật văn hóa phải tồn tại trong một không gian văn hóa như trong đời sống thực tại với hồn cốt của nó”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi.


Nhà Lang trước lúc bị hỏa hoạn

TS Nguyễn Thị Hậu (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM): Đừng ác với văn hóa mới khó

Việc phục dựng một “không gian văn hóa” nhằm lưu giữ, trưng bày những di vật của một nền văn hóa hiện là một xu hướng phổ biến trong việc bảo tồn. Không gian văn hóa có thể được phục dựng ở khác nơi cộng đồng đó đã/đang sinh sống; nhưng tốt nhất là phục dựng ngay tại vùng cư trú của cộng đồng đó. Bảo tàng Không gian văn hóa Mường đã làm được điều này.

Giá trị của bảo tàng này không chỉ ở số lượng hiện vật - bao gồm cả những ngôi nhà cổ được dựng lại, những hiện vật phản ánh đời sống sinh hoạt hàng ngày, lễ hội, lao động sản xuất... - mà còn có giá trị lớn ở sự hiểu biết, kiến thức về văn hóa Mường, biến nơi đây thành một nơi tập trung đậm đặc những yếu tố tiêu biểu. Những cảm giác, cảm xúc, kiến thức mà khách tham quan được chiêm nghiệm, tận hưởng, học hỏi ở đây... cũng là một giá trị to lớn, không thể đánh giá, trị giá bằng hiện kim được. Đấy cũng chính là giá trị tinh thần bên cạnh giá trị vật chất - một trị giá kinh tế khá rõ ràng của khu văn hóa này.

Có thể sau này nhà Lang được phục dựng lại, có thể sưu tầm lại được những hiện vật đã mất... nhưng một yếu tố tinh thần không nên quên: sự việc này cho thấy sự tàn nhẫn của con người đối với văn hóa. Sự vô tâm và thiếu hiểu biết là một nguyên nhân gây ra tội ác này. Cái ác không chỉ có giữa con người với con người, cái ác còn là những hành động hủy hoại văn hóa.

Phục dựng lại công trình đã mất không khó. Nhưng để cho con người đừng ác với văn hóa, cái đó khó hơn nhiều!

Theo thông cáo báo chí lần thứ nhất của Bảo tàng Không gian văn hóa Mường thì: Nhà Lang “như một hiện vật văn hóa giá trị nhất đã bị thiêu hủy trên 90%, chỉ còn lại bộ khung cột. Gần 200 hiện vật được lưu giữ bên trong tái hiện nguyên bản đời sống sinh hoạt của nhà Lang, bao gồm: bộ cồng chiêng, bộ sưu tập súng săn, bộ sưu tập đồ đồng sinh hoạt gồm sanh, ninh, mâm, chậu, nồi các cỡ, đèn đồng; các loại đồ gốm bát, đĩa, bình, lọ; các loại đồ gia dụng mây tre đan, rương, chăn, gối… được tìm kiếm và sưu tập trong thời gian gần 15 năm, đã bị thiêu hủy toàn bộ”.

Ths Lê Công Lý (Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại TP.HCM): Không đến mức bi quan

Rõ ràng đây là một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, tuy nhiên không đến mức bi quan như một số người đã bày tỏ. Bởi lẽ tuy hiện giờ có thể không còn ngôi nhà Lang nào, thậm chí có một số vật dụng độc nhất vô nhị đã bị hủy hoại đi nữa, thì cũng không khó để tạo dựng lại. Một là vì hầu hết các thứ bị cháy đều là vật liệu bản địa (như gỗ, tre, lá, đồng, thau…), không phải khó tìm. Hai là vì, theo nghiệp vụ bảo tàng, toàn bộ những thứ trưng bày đó chắc chắn đã được cân đong đo đếm và khám nghiệm rất chi tiết, được ghi vào lý lịch hiện vật và lưu trữ hẳn hoi.

Chúng ta có rất nhiều chuyên gia và công trình nghiên cứu dân tộc học về văn hóa vật chất của người Mường. Nghiên cứu dân tộc học chủ yếu là khảo tả, nên bây giờ cứ theo sự khảo tả đó mà tái hiện lại những thứ đã bị hư hỏng cũng không khó lắm.

Do đó, về cách định giá thiệt hại, theo tôi chỉ nên tính chung toàn bộ chi phí (vật liệu, phí tư vấn, nhân công, phí vận chuyển…) để tạo dựng lại bản F2, cộng với một khoản tiền phạt do cơ quan chức năng cân nhắc dựa vào Luật Di sản. Không nên định giá theo cách của giới sưu tập cổ vật, vì mục đích của họ khác với mục đích của ngành bảo tàng. Ở góc độ bảo tàng, thì giá trị của hiện vật không nằm trong tự thân hiện vật, mà chính là giá trị biểu đạt của nó. Phong trào phục chế hiện vật nổi lên sôi nổi gần đây chính là đáp ứng mục tiêu đó.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng: Đừng tách bạch vật thể với phi vật thể

Quốc tế chỉ tạm phân di sản văn hóa thành vật thể và phi vật thể để phục vụ mục đích nghiên cứu, chứ thực tế họ luôn xem chúng như một thể thống nhất, không thể tách bạch. Nước mình thì tách bạch nó để phân biệt và ứng xử ngay trong thực tại đời sống, ấy là việc làm nguy hiểm. Bởi lịch sử cho thấy chẳng có di sản phi vật thể nào mà không được lưu dấu hay cất giữ trong một vật thể nào đó, và ngược lại. Nhà Lang cũng vậy, không thể đơn thuần quy kết nó về vật thể hay phi vật thể để ứng xử theo kiểu “phân liệt”.

Bảo tàng Không gian văn hóa Mường thuộc loại bảo tàng tại chỗ - của người Mường đặt trên đất người Mường - ấy là điều thú vị, đặc biệt. Nếu đã có hồ sơ kiến trúc, chụp hình, ghi chép kích thước, vật liệu… cẩn thận thì việc phục dựng có thể làm được. Vấn đề chính ở đây là hãy tìm những người có am hiểu về nhà Lang để thực hiện cho đúng.

Cho nên, khi thẩm định, định giá nhà Lang, xin đừng đơn giản tách bạch vật thể với phi vật thể, làm như vậy vừa phiến diện, vừa sai quấy với một thực thể văn hóa sống động, có xác có hồn, vốn không thể tách bạch.

Nhà Lang “vẫn kịp” tham gia Ngày hội Tây Bắc

Như TT&VH Cuối tuần đã đưa tin, Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ 12 sẽ diễn ra từ ngày 16-18/11 tại TP Hòa Bình. Nhà Lang vốn được mời tham gia ngày hội này, nay thì đã lỡ dịp. Thế nhưng quan điểm của bảo tàng này như sau: “Ngoài những phần trưng bày và hoạt động cố định vẫn diễn ra y như thường lệ, bảo tàng chúng tôi dự định biến sự mất mát riêng thành một sự kiện văn hóa, một “ứng xử” nghệ thuật để thức tỉnh lương tri của cộng đồng đối với văn hóa cổ truyền, bằng những tác phẩm nghệ thuật đương đại”; diễn ra ngay dịp ngày hội và còn kéo dài sau đó. Tác phẩm ý niệm này hình thành bằng cách gom góp những kỷ vật như các thước phim, hình ảnh, đồ lưu niệm, các câu chuyện, vật dụng, tác phẩm…, của du khách, bạn bè, nghệ sĩ, giới nghiên cứu xa gần (những người từng đến hoặc biết đến nhà Lang). Đây cũng là cách để nhà Lang kỷ niệm 9 năm Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005)”.



VĂN BẢY (ghi)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm