“Biểu tình máu” ở Thái Lan

17/03/2010 08:35 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Có lẽ chưa có cuộc biểu tình nào người ta lại dùng máu để thể hiện sự phản đối như tại Thái Lan. Người biểu tình đang tích cực thu gom 1 triệu cm3 máu để... ném xuống trước cửa Văn phòng Chính phủ. Tất cả chỉ để buộc chính quyền của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva phải nhượng bộ và chấp nhận bầu cử sớm.

“Biển máu” trước Văn phòng Chính phủ

Ngày 16/3, những người biểu tình thuộc lực lượng áo đỏ, tên gọi khác của Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD) ủng hộ cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, đã tổ chức một cuộc “biểu tình máu” quy mô ở thủ đô Bangkok. Hàng ngàn người đã xếp thành hàng dài để quyên máu, chỉ một ngày sau khi giới lãnh đạo biểu tình kêu gọi thu thập 1 triệu cm3 máu, tương đương 1.000 lít, để đổ trước Văn phòng Chính phủ.


Các nhà sư cũng tham gia hiến máu
“Máu này thuộc về những người chiến đấu vì dân chủ. Màu của nó là gì nhỉ? Đỏ!” - một người biểu tình hét lên khi các lãnh đạo phong trào áo đỏ tiến hành hiến máu đầu tiên vào sớm ngày 16/3. Rất nhiều tình nguyện viên đã nhanh chóng làm theo hành động của các nhân vật này. Thậm chí một số nhà sư cũng tham gia hiến máu dù luật pháp cấm họ tham dự các hoạt động chính trị. “Tôi tin vào các lãnh đạo của chúng tôi và thấy chiến lược của họ có chừng mực, chấp nhận được” - Suriya Laemthong, một tình nguyện viên 28 tuổi, tâm sự khi cho máu.

Mỗi tình nguyện viên đều được các y tá lấy ra vài thìa máu. Số máu này được đổ vaò các chai nhưạ  đựng nước, chuyển qua đám đông những người biểu tình đang hò hét huyên náo, trước khi dừng chân tại tòa nhà nơi đặt văn phòng của đương kim Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Được sự cho phép của cảnh sát chống bạo động Thái Lan, các lãnh đạo biểu tình đã tiếp cận cánh cổng sắt trắng của tòa nhà rồi rưới máu. Những dòng máu nhanh chóng lan rộng trên mặt đất, trở thành một “biển màu đỏ” ngập ngụa cạnh cánh cổng và là mục tiêu để báo giới chụp ảnh, ghi hình.

“Đây là máu của các thường dân trộn với nhau để chiến đấu giành lại dân chủ” - Nattawut Saikua, một trong những lãnh đạo nhóm biểu tình, tuyên bố - “Khi Abhisit tới làm việc trong văn phòng của mình, ông ấy cũng nên nhớ rằng bản thân đang ngồi trên máu nhân dân”.

Weng Tochirakarn, một lãnh đạo biểu tình khác, nói rằng tới giữa trưa, họ đã thu thập được 500.000 cm3 máu, tức một nửa mục tiêu ban đầu, từ 50.000 người biểu tình. Theo Weng, không phải mọi túi máu đều được đem đổ hết trong ngày. Số máu còn lại sẽ được đưa tới đổ bên ngoài trụ sở Đảng Dân chủ cầm quyền và nhà riêng của Thủ tướng, nếu yêu cầu từ lực lượng biểu tình không được đáp ứng.


“Biển máu” trước cửa Văn phòng Chính phủ Thái Lan
Chỉ được phép biểu tình hòa bình

Trước hành động “dữ dằn” của phe áo đỏ, phát ngôn viên chính phủ - Panitan Watanayagorn - tuyên bố nhà chức trách sẽ chỉ cho phép tổ chức biểu tình chừng nào nó vẫn diễn ra một cách hòa bình. “Sẽ không có vấn đề gì nếu họ muốn đổ bỏ các lọ máu và tổ chức chụp ảnh rồi để công việc dọn dẹp lại cho chúng tôi” - ông Panitan nói trong cuộc họp báo với các phóng viên nước ngoài.

Tuy nhiên ông cho biết cơ quan y tế Thái Lan đang xem xét liệu việc ném máu lên phố có vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn hay không.

Theo báo chí Thái Lan, hoạt động “đổ máu” diễn ra sau khi cuộc biểu tình của 100.000 người áo đỏ ở Bangkok hôm 14/3 đã không thể khiến ông Abhisit đáp ứng yêu cầu giải tán Quốc hội. Không những thế, Thủ tướng Thái Lan còn cho tăng cường an ninh ở Bangkok, sau khi tuyên bố chính phủ đang lắng nghe những yêu sách của người biểu tình. Theo tướng cảnh sát Wichai Sangprapai, so với ngày 14/3, số người biểu tình đã giảm xuống nhưng vẫn còn khoảng 90.000 người đang cố bám trụ lại thủ đô.

Tức giận trước việc yêu sách không được đáp ứng, các lãnh đạo của lực lượng biểu tình đã quyết định “đổ máu”. Việc này vấp phải sự phản đối dữ dội từ Hội Chữ thập đỏ. Tiến sĩ Ubonwon Charoonruangrit, một quan chức cấp cao thuộc Hội Chữ thập đỏ Thái Lan, bày tỏ sự tiếc nuối về số máu bị đổ đi bởi nó có thể dùng để cứu rất nhiều mạng người. Ubonwon cũng lo lắng về nguy cơ những người chưa được đào tạo bài bản tiến hành lấy máu. Theo ông, người cho máu có thể nhiễm các căn bệnh nguy hiểm như AIDS nếu họ bị lấy máu bằng kim tiêm đã qua sử dụng và chưa được khử khuẩn. Song lãnh đạo lực lượng biểu tình nói rằng họ sẽ dùng kim tiêm mới cho mỗi tình nguyện viên.

Thái Lan đã thường xuyên ở trong tình trạng bất ổn chính trị kể từ đầu năm 2006, khi các cuộc biểu tình chống ông Thaksin diễn ra.

Cho tới nay những người biểu tình vẫn có thái độ khá ôn hòa. Tuy nhiên giới phân tích e ngại họ sẽ sớm trở nên mệt mỏi với việc chờ đợi và có thể sử dụng các hình thức biểu tình bạo lực hơn. Khả năng này là hoàn toàn có thể xảy ra bởi nhà chức trách Thái Lan đã nhận diện khoảng 3.000 người có “lịch sử bạo lực” đang trà trộn vào đám đông biểu tình.

Để đề phòng các tình huống bất trắc, chính quyền Thái Lan đã triển khai hơn 50.000 nhân viên an ninh. Trong số này có 30.000 quân nhân, 10.000 sĩ quan cảnh sát và 10.000 dân phòng. Ngoài ra, chính phủ còn áp dụng Luật An ninh nội địa, trong đó cho phép binh lính thực hiện lệnh giới nghiêm, cấm tụ họp và khi cần thiết có thể triển khai thêm lực lượng để giữ gìn trật tự.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm