Thấp thỏm nỗi lo giá cả sau Tết

04/02/2011 13:46 GMT+7 | Thế giới

Thời gian qua, giá cả liên tục tăng và càng đến Tết thì giá nhảy từng tuần, từng ngày. Nỗi lo này còn đè nặng lên vai người tiêu dùng hơn nữa bởi những dự đoán giá cả sau Tết còn nhảy vọt.

Ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho rằng, chắc chắn ra Tết, giá cả hàng hóa thường đối diện với nguy tăng, tuy nhiên sẽ đặc biệt rõ rệt trong năm nay, vì rất nhiều nguyên nhân nhãn tiền. Chẳng hạn, giá xăng dầu chỉ được neo đến hết Tết Nguyên đán 2011, ra Tết có thể sẽ bị “thả neo”. Bên cạnh đó, gas, sữa lại đang tăng giá liên tục, than đang quyết liệt “xin” bán giá thị trường, thời tiết rét khắc nghiệt khiến rau củ quả có nguy cơ khan hiếm sau Tết. Ngoài ra, lương cơ bản tại khu vực xí nghiệp đã tăng từ tháng 1, còn cán bộ công chức bắt đầu được nâng lương cơ bản từ tháng 5 tới. Thông thường, bao nhiêu lần có quyết định tăng lương đến nay, cứ lương chưa kịp tăng thì giá cả đã nhảy trước.

Phân tích của ông Phú cho thấy, việc giá cả sau Tết còn tăng là điều thực sự đáng ngại, ảnh hưởng tới lạm phát năm 2011.

Xăng dầu, một mặt hàng trọng yếu ảnh hưởng tới giá cả của gần như toàn bộ hàng hóa, theo chủ trương của Nhà nước đang được kiềm giá đến hết Tết Nguyên đán. Như vậy, chỉ cần qua ba ngày Tết, giá mặt hàng chiến lược này có thể tăng bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính hôm qua cho biết, để giữ bình ổn giá xăng dầu từ nay đến hết Tết Nguyên đán, quỹ bình ổn sẽ phải chi thêm khoảng 9.000 tỷ đồng nữa, một con số không hề nhỏ. Các chuyên gia lo ngại, khi giá xăng dầu cố kìm đến mức không thể chịu nổi, thì sẽ có một đợt "bùng nổ" về giá, vì giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao thời gian qua và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối liên tục kêu lỗ. Giá xăng nếu bùng nổ sẽ kéo hàng loạt các mặt hàng thiết yếu tăng giá theo, với mức tăng không nhỏ.

Bên cạnh xăng dầu, giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất cũng đang có nguy cơ tăng sau Tết, như than, điện… Nhận định mới đây của Bộ Công thương cũng cho thấy, năm 2011, giá các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tiếp tục có xu hướng tăng, làm tăng chi phí đầu vào, gây áp lực đến mặt bằng giá chung trong nước.



Còn nhớ Tết năm ngoái, đúng 12h ngày mùng 9 âm lịch (21/2/2010 dương lịch), giá xăng bất ngờ tăng 590 đồng một lít. Kéo theo đó, giá lương thực thực phẩm, rau củ quả và dịch vụ vận chuyển, ăn uống, giải trí cũng tăng theo.

Thực tế, vài năm trở lại đây, giá cả sau Tết thường có chiều hướng tăng chứ không dừng lại hay giảm dần. Điển hình là sau Tết Nguyên đán 2008, giá cả leo thang chóng mặt và bắt đầu thời kỳ lạm phát mới, lãi suất huy động ngân hàng có thời điểm lên tới gần 20%. Tết năm ngoái thì giá cả cận Tết dù có biến động song nhìn chung vẫn giữ được sự bình ổn, nhưng qua Tết giá bắt đầu “bùng nổ”. Riêng năm nay, giá cả đã tăng trong một khoảng thời gian quá dài trước Tết và xu hướng này được hầu hết chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dự đoán còn tiếp tục sau Tết.

Thời tiết rét đậm rét hại kéo dài cũng là một phần nguyên nhân khiến giá thực phẩm tươi sống, rau xanh tăng mạnh. Theo PGS – TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế thị trường giá cả, thời tiết rét đậm, rau mới gieo không lên kịp, rau đang đến mùa thu hoạch thì bị “tạp” lá (lá thâm đen rồi úa vàng). Nhiều loại vật nuôi lấy thịt như bò, lợn, gà chết vì rét… Điều này cho thấy nguy cơ khan hiếm hàng thực phẩm, rau quả sau Tết là rất cao. Mà một khi nguồn cung khan hiếm thì giá tất sẽ bị đẩy lên.

Trong khi nguồn cung khan hiếm thì nhu cầu của người dân cũng không hề giảm đi sau Tết. Ông Long cho hay, một bộ phận lớn dân cư đã thay đổi tập quán tiêu dùng. Nếu như trước đây họ thường mua rất nhiều đồ trữ Tết, có gia đình ra Tết cả tháng mới ăn hết số “hàng dự trữ” này thì vài năm trở lại đây, các bà nội trợ thường chỉ mua hàng để dùng vào ngày 30, mùng 1, cùng lắm là đến mùng 2 Tết. Và khi chưa hết ba ngày Tết, họ đã bắt đầu xách giỏ đi chợ, muốn ăn tiêu gì lại mua tiếp, đắt đỏ không thành vấn đề, miễn là tươi ngon. Bên cạnh việc giá hàng hóa bán dịp Tết thường cao “cắt cổ”, thì lý do trên sẽ càng làm giá “đội” lên.

Bây giờ, với một bộ phận lớn người dân, ngày Tết không những chú trọng tới việc “ăn Tết” mà còn phải “chơi Tết”, mà đôi khi “chơi Tết” mới quan trọng. Có khi việc “chơi Tết” kéo dài cả tháng, thế nên người ta mới bảo “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Tâm lý người dân quan niệm đầu năm tiêu xài nên cũng ít thấy tiếc tiền hơn so với các dịp khác trong năm. Chính những điều này sẽ khiến giá cả các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, du lịch, chùa chiền… tăng lên, bên cạnh hiệu ứng tăng giá từ các yếu tố khác.

Hiện người dân chỉ có thể hy vọng vào chính sách điều hành, quản lý giá của Nhà nước, mới có thể kiềm được phần nào đà tăng của giá. Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Độc lập (IDS), trong bối cảnh hiện nay, nếu Bộ Tài chính chọn thời điểm tăng giá xăng dầu phù hợp thì có thể giúp giá cả sau Tết bình ổn hơn. “Theo quan điểm của tôi, giá nhiên liệu, năng lượng nói chung phải để chuyển động theo cơ chế thị trường thế giới. Đó là chuyện đúng về nguyên tắc và nói chung là tốt chứ không phải xấu. Nhưng vấn đề phải tăng lúc nào, điều chỉnh lúc nào, đó là vấn đề quan trọng. Trong bối cảnh vừa Tết xong, giá cả các mặt hàng đều tăng lên khá cao trong dịp Tết, mà giá xăng cũng bất ngờ tăng thì có khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”. Nếu dời thời điểm tăng giá xăng dầu ra sau Tết một thời gian thì mới là giải pháp khôn ngoan”, ông A nói.

Theo Đất Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm