Wimbledon đối mặt với cái nóng kỷ lục: Ai mừng, ai lo?

03/07/2015 05:37 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm thứ Tư vừa qua (1/7), nước Anh chứng kiến ngày nóng nhất tháng 7 trong lịch sử với nhiệt độ cao nhất được ghi nhận ở mức 36,7 độ C tại sân bay Heathrow (London). Tại Wimbledon, nhiệt độ cao nhất là 35,7 độ C, vượt qua kỉ lục cũ 34,6 độ C trong năm 1976.

Nắng nóng ảnh hưởng đến các tay vợt như thế nào?

123 người đã cần nhờ đến sự trợ giúp y tế, 2 trong số đó được đưa đến bệnh viện trong đó có một cậu bé nhặt bóng đã ngã quỵ trong trận đấu giữa John Isner và Matthew Ebden. Sau trận thắng Pierre-Hugues Herbert, Bernard Tomic đã nói anh cảm thấy chóng mặt ở giữa set 2 và phải cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ. Nắng nóng sẽ gây ra khó khăn không nhỏ cho các tay vợt trong những ngày thi đấu tiếp theo.

Tại Australian Open 2014, khi nhiệt độ lên đến 43 độ C tại Melbourne, các trận đấu đã bị tạm dừng trong hơn 4 tiếng để đảm bảo an toàn cho các tay vợt. Dưới điều kiện thời tiết nắng nóng, cơ thể con người xuất hiện cơ chế tự làm mát thông qua quá trình đổ mồ hôi. Tuy nhiên, các tay vợt khi thi đấu không thể tiêu thụ một lượng nước lớn để thúc đẩy quá trình tiết mồ hôi, dẫn đến hiện tượng sốc nhiệt. Bên cạnh đó, độ ẩm là một yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tiết mồ hôi. Độ ẩm càng cao, quá trình đổ mồ hôi diễn ra càng khó khăn.

Không chỉ ảnh hưởng đến thể lực, điều kiện thời tiết còn có những ảnh hưởng nhất định đến lối đánh của các tay vợt. Về lý thuyết, dưới điều kiện nắng nóng và khô ráo, bóng nhẹ và bay nhanh hơn. Mặt sân cũng sẽ khiến bóng đi nhanh hơn và nảy cao hơn, đem lại lợi thế cho những tay vợt có lối đánh tấn công, mà điển hình là Federer. Nhưng thực tế liệu có như vậy?

Lợi thế thật sự dành cho ai?

Trên thực tế, các mặt sân hiện nay đã được làm chậm đi khá nhiều so với trước đây, tạo ra nhiều lợi thế cho những tay vợt phòng thủ dưới vạch baseline. Người ta đã chỉ ra một phần nguyên nhân Federer thua Nadal ở trận chung kết Wimbledon 2008 là do mặt sân đã được thay đổi khiến bóng chậm hơn sau khi chạm đất (khoảng 9 dặm/giờ) và nảy cao hơn. Các giải đấu hiện nay ngày càng thương mại hóa, và họ có những tính toán riêng khi thiết kế mặt sân. Tại US Open, sân trung tâm Arthur Ashe được chủ ý làm chậm hơn so với Louis Armstrong là một ví dụ. Rõ ràng, những sân bóng hiện nay đang được thiết kế theo hướng phù hợp hơn đối với những tay vợt thi đấu chủ yếu dưới vạch baseline.

Phần cỏ dày ở khu vực giao bóng (service box) khiến bóng đi thấp sau khi chạm đất, cùng nhiệt độ cao và không khí khô sẽ tăng thêm lợi thế cho các tay vợt mạnh về giao bóng và sử dụng cú đánh ít topspin, đặc biệt trong tuần đầu tiên. Rõ ràng, Federer hay Isner rất thích điều kiện thi đấu như vậy. Tuy nhiên, càng vào sâu, phần cỏ quanh khu vực cuối sân sẽ trụi đi rất nhiều, cùng với nhiệt độ mặt sân cao sẽ giúp bóng nảy cao hơn thường lệ. Điều kiện mặt sân như vậy sẽ mang đến những lợi thế cho những cú topspin của Nadal nếu anh còn trụ lại tuần thứ 2.

Dù đã 2 lần vô địch Wimbledon nhưng Djokovic không di chuyển tốt trên sân cỏ như Federer hay Murray. Là 2 tay vợt có lối đánh toàn diện nhất hiện nay, Djokovic và Murray sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện thời tiết như ở thời điểm hiện tại. Khó khăn sẽ đến trong trường hợp trời mưa và phải thi đấu trong sân có mái che (toàn bộ các trận của Djokovic và Murray đều diễn ra ở sân trung tâm). Bóng đi chậm hơn sẽ tạo điều kiện cho những tay vợt như Stan Wawrinka tung ra những cú đánh hiểm hóc. Murray đã gặp rất nhiều khó khăn trước Stan ở Wimbledon 2009 khi thi đấu trong điều kiện như vậy.

Sự đỏng đảnh của thời tiết London với những cơn nắng mưa bất chợt sẽ phần nào tác động đến màn trình diễn của các tay vợt. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của cuộc chơi mà ở đó, tay vợt lên ngôi sẽ là người thể hiện được tốt nhất đẳng cấp và bản lĩnh trong những thời điểm khó khăn nhất, bao gồm cả những trở ngại đến từ thiên nhiên.

Kim (từ U.K)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm