Djokovic và nỗi ám ảnh mang tên Roland Garros

28/05/2016 19:05 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn)- Với Djokovic, Roland Garros là một nỗi ám ảnh. 11 năm đã qua, với 3 lần thất bại ở chung kết cùng 4 lần khác ở bán kết, Djokovic vẫn miệt mài đi tìm cho mình một chiến thắng sau cuối. Rõ ràng, tay vợt số 1 thế giới không muốn kéo dài cơn khát đó lên con số 12, nhất là khi anh đã chinh phục hầu hết các danh hiệu có thể.

Rào cản tâm lý: Sức ép đến từ kỳ vọng quá lớn

Tại thời điểm này, nếu nói điểm yếu của Djokovic ở tâm lý, đó dường như là chuyện nực cười. Nếu lấy năm 2011 làm mốc khởi điểm, cho đến nay, Djokovic đã thắng tới 60/73 trận bán kết và 46/60 trận chung kết đã chơi. Đáng nể hơn, anh đã thắng ở 23 trận bán kết gần nhất góp mặt kể từ Paris Masters 2014 và chỉ để thua 10 set (giành 18 danh hiệu)! Thuyết phục là thế, nhưng khi bước lên mặt sân đất nện trái sở trường, đặc biệt tại Roland Garros, Djokovic vẫn vướng phải những rào cản tâm lý không dễ vượt qua.

Trong 5 năm gần nhất, Djokovic chưa dừng lại trước bán kết, trong đó có 3 lần đi tới trận đấu cuối cùng của giải đấu. Rõ ràng, những trận đấu vòng ngoài chưa bao giờ là vấn đề với anh, nhưng Djokovic luôn gặp khó khăn trong những trận đấu cuối.

Djokovic của năm 2011 bước vào Roland Garros (RG) với hành trang là 4 trận thắng liên tiếp trước Nadal, với 2 trong số đó trên sân đất nện (Madrid và Rome Masters), nhưng đã thất thủ trước Federer ở bán kết với 2 set thua tie-break. Chung kết RG đầu tiên của anh (2012) là một trải nghiệm buồn khi anh buông vợt trước một Nadal quá mạnh mẽ và vượt trội về mọi mặt trong một trận đấu kéo dài qua 2 ngày vì mưa. Một năm sau đó, trước một Nadal đối mặt với vô số hoài nghi khi vừa trở lại sau chấn thương dài ngày, Djokovic đã tiến rất gần đến một chiến thắng nếu không có pha mất điểm ngớ ngẩn trong game 8 của set 5 khi chạm lưới trong lúc thực hiện cú volley. Trong game đấu cuối cùng, sau khi bị dẫn 0-30 bởi một cú passing shot tuyệt vời của Nadal, Djokovic đã có 2 pha tự đánh hỏng liên tiếp giống hệt nhau. Chưa bao giờ anh đến gần chức vô địch đến thế, bởi đối thủ ở chung kết chỉ là Ferrer, một tay vợt thua xa về đẳng cấp.


Nỗi thất vọng ở Roland Garros dày lên và áp lực cũng một nặng thêm trên đôi vai Djokovic

Hành trình tìm kiếm vinh quang ở Paris của Djokovic tiếp tục bị gián đoạn khi anh bị cú thuận tay của Nadal hủy diệt dù đã thắng set đầu (chung kết RG 2014). Cho đến khi anh có chiến thắng đầu tiên Nadal không còn giữ được sự mạnh mẽ, chức vô địch vẫn tiếp tục lẩn trốn. Djokovic thua theo cùng 1 kịch bản: thắng set 1 và thua ngược 1-3. Đã có rất nhiều lời bào chữa cho thất bại của anh (do trận bán kết kéo dài 5 set trong 2 ngày với Murray trước đó) nhưng Djokovic đã phủ nhận tất cả. Djokovic thua đơn thuần vì lý do chuyên môn khi anh gần như bất lực trước những đòn tấn công của Wawrinka. Những điểm yếu được che chắn quá tốt trên mặt sân cứng sở trường được lộ ra và bị khai thác triệt để: net point (điểm số có được/mất đi đến từ những cú đánh gần lưới, thông thường là những cú đánh sau khi bóng chạm đất trong ô giao bóng) và overhead (những cú đánh khi bóng cao hơn đầu). Lúng túng và bối rối, Djokovic mất phương hướng về chiến thuật (mất điểm do serve & volley ở những quả giao bóng 2 và liên tục bỏ nhỏ hỏng) và chiến bại.

Năm 2009, Djokovic đã từng đùa khi gọi mình là người sinh nhầm thời đại (nguyên văn: I was born in the wrong era) dưới cái bóng quá lớn của Federer và Nadal. Đó là một sức ép mà anh đã xuất sắc vượt qua, sức ép khi ở thế cửa dưới. Djokovic cũng xử lý rất tốt sức ép khi anh ở thế cửa trên, chỉ ngoại trừ RG. Sức ép này ngày một lớn khi Djokovic có thể là tay vợt giành nhiều Grand Slam (GS) nhất, nhưng GS sự nghiệp thì chưa trong khi Federer và Nadal lần lượt làm được ở tuổi 27 và 24. Còn Djokovic? Anh vừa tròn 29 tuổi vào đúng ngày RG khởi tranh (22/05). Người gần nhất vô địch RG khi bước qua tuổi 29 là Andre Agassi cách đây đã 17 năm (1999). Tính rộng ra, trong kỷ nguyên mở rộng (từ 1968), ngoài Agassi, chỉ có thêm 4 lần điều đó xảy ra. Nếu lịch sử có tiếng nói nhất định thì rõ ràng, cơ hội dành cho Djokovic đã không còn nhiều.

Cẩm nang đánh bại Djokovic dành cho Murray

Cẩm nang đánh bại Djokovic dành cho Murray

Áp lực vô địch Roland Garros của Novak Djokovic vốn đã nặng nề, giờ càng nặng nề hơn sau khi Andy Murray đăng quang ở Rome Masters.


Bên cạnh đó, những đối thủ của anh cũng không đứng yên một chỗ. Đó là Murray vừa tuyên bố sân đất nện hiện giờ mới là mặt sân ưa thích của anh, là một Nadal đang trên đà hồi sinh và những dòng màu trẻ sôi sục sẵn sàng quật ngã người khổng lồ (như Jiri Vesely ở Monte Carlo). Một bước chạy đà nhọc nhằn với những hình ảnh không đẹp (đẩy tay trọng tài, phàn nàn, chửi thề, đập vợt) cho thấy những bất ổn của Djokovic. Có cảm giác như những sức ép từ mọi phía đang có tác động không nhỏ lên Djokovic trong giai đoạn vừa qua. Thành công hay không, phải xem cách Djokovic xử lý cơn khủng hoảng “mini” về tinh thần này như thế nào.

Grand Slam sự nghiệp: Khó thành với Boris Becker?

Có thể hiểu ý đồ của Djokovic khi thuê Boris Becker. Là một tay vợt vốn thi đấu dựa vào khả năng phòng ngự cuối sân, việc hợp tác với Becker – một người khi còn thi đấu nổi tiếng với khả năng tấn công quyết liệt vào hàng bậc nhất sẽ giúp Djokovic kéo dài được tuổi nghề. Rõ ràng, khi trộn thêm những bí kíp tấn công của Becker vào lối đánh phòng ngự dẻo dai của mình, Djokovic đã chiến thắng nhanh hơn và đỡ mất sức hơn. Lấy một ví dụ, Nadal luôn gặp khó trước những tay vợt có những có đánh uy lực như Robin Soderling (RG 2009), del Potro (US Open 2009) hay Lukas Rosol (Wimbledon 2012) và việc tấn công nhiều hơn đã giúp Djokovic đánh mạnh vào điểm yếu này của Nadal và vượt qua được tay vợt người TBN ở thành tích đối đầu (thắng 9/10 trận kể từ khi có Becker). Với 5 GS giành được kể từ khi có Becker, rõ ràng đây là một quyết định hợp lý nếu như Djokovic hướng mục tiêu của mình vào tổng số danh hiệu GS.


Djokovic khó có được thành công với Becker?

Tuy nhiên, nếu như Djokovic hướng mục tiêu của mình vào việc giành Grand Slam sự nghiệp thì chưa chắc đây đã là sự lựa chọn sáng suốt.Trước Becker, Djokovic vẫn rất ổn với Marian Vajda: 1 lần vào chung kết (2012) và 4 lần vào bán kết RG (2007-08, 2011, 2013). Becker, người đã giành được 6 danh hiệu GS (3 Wimbledon), đã cải thiện được khả năng của Djokovic trên những mặt sân nhanh mà bằng chứng là 2 chức vô địch Wimbledon (2014,2015) và 1 chức vô địch Mỹ mở rộng (2015). Thế nhưng trên sân đất nện, thành tích của Djokovic ở RG vẫn đang dậm chân tại chỗ. Trên thực tế, trong 49 danh hiệu của mình, Becker chưa từng một lần đăng quang trên mặt sân đất nện! Cho đến trước khi hợp tác, thành tích của Becker tại RG cũng kém hơn học trò của mình rất nhiều khi mới chỉ có 3 lần vào đến bán kết.

Becker vốn là một người vô cùng máu lửa và ông đã truyền được sự quyết liệt đó lên Djokovic. Tuy nhiên, điều đó cũng mang lại những điểm không tốt khi Djokovic vẫn tỏ ra thiếu kiềm chế khi la hét, đập vợt và thậm chí chửi thề khi thi đấu không như ý. Đó là những thái độ rất không nên có và nó làm xấu đi hình ảnh của tay vợt số 1 thế giới. Đáng quan ngại hơn, những thái độ không tích cực đó có thể sẽ ảnh hưởng đến tham vọng của Djokovic trong những thời khắc quyết định.

Djokovic đã có một chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử tennis, nhưng để trở nên vĩ đại, anh cần chiến thắng ở Roland Garros. Sẽ rất đáng tiếc nếu như anh tiếp tục gục ngã vì tâm lý, yếu tố đã giúp anh lột xác và giành được 10 Grand Slam trong hơn 5 năm qua.

KIM (từ UK)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm