Damir Dzumhur: Từ bom đạn tới cuộc chiến với thần tượng Federer

29/05/2015 09:43 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên trong lịch sử một tay vợt Bosnia vào đến vòng 3 Roland Garros và người đã xác lập nên cột mốc lịch sử này là Damir Dzumhur.

Lịch sử sang trang từ Australian Open tới Roland Garros

Mới chưa đầy 18 tháng trước, Dzumhur đã trở thành tay vợt Bosnia & Herzegovina đầu tiên vào đến vòng 3 một giải Grand Slam khi anh lập nên kỳ tích ấy ở Australian Open.

Hôm nay sẽ là một trận vòng 3 khác ở một giải Grand Slam khác nhưng chắc chắn nó sẽ lưu giữ trong hồi ức của Dzumhur dài lâu hơn nhiều. Trận đấu lớn nhất trong sự nghiệp quần vợt của anh cho tới lúc này. Đơn giản vì đó là cuộc chạm trán với thần tượng Roger Federer.

Dzumhur nhớ lại anh từng xem Federer đánh với Andy Roddick ở bán kết Wimbledon khi mới 11 tuổi và anh thần tượng tay vợt Thụy Sỹ từ đó. “Có lẽ đó là tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử quần vợt. Tôi rất vui vì có cơ hội đối đầu với anh ấy”, Dzumhur nói về cuộc so tài với thần tượng hôm nay sau khi vượt qua Marcos Baghdatis ở vòng 2.

“Đối đầu với Federer có lẽ là giấc mơ của mọi tay vợt. Tôi lại được gặp anh ấy ở Roland Garros. Đây là giải Grand Slam tôi thích nhất vì đây là mặt sân yêu thích của tôi”. Dzumhur năm nay 23 tuổi, xếp hạng 88 thế giới.

Anh không phải tay vợt đầu tiên sinh tại Bosnia vào tới vòng 3 một giải Grand Slam nhưng anh là tay vợt đầu tiên đại diện cho Bosnia đạt được thành tích này. Trước đó có hai tay vợt sinh tại Bosnia khác là Marin Cilic và Amer Delic cũng từng làm được bằng hoặc tốt hơn Dzumhur nhưng Cilic đại diện cho Croatia khi vô địch US Open 2014 còn Delic đại diện cho tennis Mỹ khi vào đến vòng 3 Australian Open 2009.

Tuổi thơ khó khăn, tình yêu mãnh liệt

Dzumhur cất tiếng khóc chào đời ở một bệnh viện phụ sản gần khu liên hợp thể thao đa năng Zetra Olympic Hall ở Sarajevo, không lâu sau khi chiến tranh nổ ra ở Bosnia. Khu thể thao trong nhà này bị chiến tranh tàn phá vào thời điểm đó nhưng cũng chính ở nơi này Dzumhur bắt đầu tập luyện tennis dưới sự dạy dỗ của cha anh, Nerfid.

Tuổi thơ của Dzumhur trôi qua trong bom đạn chiến tranh và xung đột sắc tộc ở Nam Tư (cũ) nhưng cuộc sống đầy thử thách và khó khăn ấy vẫn không khiến cho tình yêu quần vợt của cậu thiếu niên Dzumhur khi ấy lụi tàn.

Trang thiết bị luyện tập thiếu thốn đủ thứ. Ngân sách của Liên đoàn quần vợt Bosnia cũng rất “khiêm tốn”. Nhưng Dzumhur vượt qua tất cả. “Tình yêu quần vợt đã chắp cánh cho tôi vượt qua khó khăn. Tôi rất vui vì là một trong những tay vợt đại diện cho quốc gia nhỏ bé này, chơi tennis trong Top 100 tay vợt hàng đầu”.

“Tất cả người Bosnia đều cảm thấy khó khăn sau khi đất nước trải qua bom đạn chiến tranh. Tôi không phải là ngoại lệ nhưng đã vượt qua tất cả. Tôi tự hào vì đại diện cho đất nước Bosnia nhỏ bé ở một giải đấu lớn như Roland Garros. Tự hào khi được thấy quốc hiệu và quốc kỳ Bosnia xuất hiện ở những giải đấu lớn như thế này”.

“Năm 14 hay 16 tuổi gì đó, tôi đã nhận được đề nghị đại diện cho đội tuyển quần vợt Croatia nhưng đã từ chối. Tôi luôn nói với cha mẹ mình rằng là tôi hy vọng tình hình ở Bosnia sẽ ngày càng trở nên sáng sủa hơn. Tôi cảm thấy mình không thể đại diện cho một quốc gia nào khác”, Dzumhur tâm sự.

Hôm nay Bosnia đã sáng sủa lên nhiều so với hơn 2 thập niên về trước. Đã không còn những tiếng bom rơi đạn nổ. Không còn những cảnh tử biệt chia ly. Hôm nay quần vợt Bosnia cũng đã sang trang mới ở Roland Garros.

Ước mong của Dzumhur về một Bosnia thanh bình đã thành hiện thực. Còn anh cũng đã tự dệt nên ước mơ cho riêng mình khi có mặt ở vòng 3 Roland Garros và tuyệt hơn nữa là được thi đấu với thần tượng Federer. Ngay cả khi thua, Dzumhur biết rằng tình yêu tennis vẫn chiến thắng và tạo cảm hứng cho anh vươn tới những đỉnh cao mới.

Damir Dzumhur mới 4 lần tham dự các giải Grand Slam và thành tích tốt nhất của anh tới lúc này là vào vòng 3 các giải Australian Open 2014 và Roland Garros 2015. Vị trí xếp hạng cao nhất của Dzumhur là thứ 81 thế giới hồi đầu tháng 5/2015. Anh đã chơi 32 trận đánh đơn với thành tích thắng thua cân bằng nhau 16-16. Dzumhur nói được tiếng Anh. Ngoài tennis, anh còn thích bóng đá và trượt tuyết. Ngoài Federer, Dzumhur còn thần tượng tay vợt Australia từng hai lần vô địch US Open Patrick Rafter.


Trọng Tuệ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm