Liga vẫn chỉ là của Barca và Real

04/04/2015 20:35 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(Thethaovanhoa.vn) - Mùa giải La Liga 2014-15 còn 10 vòng đấu nữa, nhưng có thể nói Atletico đã phải sớm từ bỏ vương miện mà họ giành được năm ngoái. Thất bại của Atletico là hệ quả từ việc La Liga được “quy hoạch” dành cho Real Madrid và Barca.

1. Khi Diego Godin đánh đầu tung lưới Pinto trong ngày lịch sử 17/5/2014 trên sân Camp Nou, trong trận đấu mà Diego Costa rồi Arda Turan lần lượt rời sân chỉ sau 23 phút vì chấn thương, Atletico chấm dứt 18 năm không vô địch La Liga.

Khoảnh khắc ấy cũng giúp Atletico chấm dứt sự luân phiên thống trị của hai thế lực Real Madrid - Barca. Hai đội bóng ấy đã cùng nhau chia sẻ chức vô địch La Liga suốt 9 mùa giải trước đó (6 thuộc về Barca).

Sau vinh quang, Atletico đã nghĩ đến viễn cảnh có thể bảo vệ thành công ngôi quán quân, điều mà trong lịch sử của họ không ghi nhận kể từ mùa 1949-50 và 1950-51.

Nhưng giấc mơ của Atletico rất khó thành hiện thực. Atletico vẫn còn Diego Simeone - kiến trúc sư của thành công - và một số nhân tố chủ lực trong mùa giải trước. Tuy vậy, phải thừa nhận rằng, tiềm lực của đội bóng đỏ - trắng thành Madrid chỉ đủ để đua tranh vị trí thứ 3 với Valencia, kèm suất vào thẳng vòng bảng Champions League.

Thất bại của Atletico, có thể khẳng định như thế dù còn 10 vòng đấu nữa, cùng sự trỗi dậy của Valencia là minh chứng cho việc đồng tiền quyết định thành công. Khi mà Atletico phải bán những ngôi sao lớn để cân bằng tài chính, thì Valencia hồi sinh nhờ túi tiền của tỷ phú Peter Lim.

2. Vinh quang của Atletico mùa trước từng được cả thế giới ví von là “chiến thắng của những trái tim”. Nhưng trái tim nào cũng cần “máu” để nuôi. Atletico đang có nhiều khoản nợ nhưng không được đối tác ngân hàng bảo lãnh, nên để lấy “máu”, họ phải bán Diego Costa hay Filipe Luis - hai cầu thủ mà Chelsea thèm muốn.

Vấn đề tài chính mà Atletico trải qua phản ánh một thực trạng rất cũ ở Tây Ban Nha: Real và Barca thao túng tất cả.

BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp (LFP) vừa công bố tài chính mùa 2013-14 của 20 CLB La Liga và 21 đội Segunda (Barca B được đại diện bởi đội bóng mẹ Barca). Trong đó, doanh thu tăng lên mức 2,328 tỷ euro, và tổng nợ còn 2,757 tỷ euro.

Atletico sa sút, La Liga lại trở thành màn song mã Real Madrid – Barcelona

Riêng doanh thu của các đội Liga là 2,170 tỷ euro, tăng 4,1%. Nhưng chiếc bánh đó không đẹp, khi miếng to miếng nhỏ xen lẫn nhau. Hơn 1,1 tỷ euro (chính xác là 1.103.500.000) là doanh thu của Real - Barca, tăng 8,4% so với mùa 2012-13. Tổng doanh thu của 18 CLB còn lại là 1,066 tỷ euro, chỉ tăng 1 tỷ. Điều đó nghĩa là doanh thu của các đội còn lại trì trệ.

Phần lớn doanh thu là tiền bản quyền truyền hình. Liga nhận 844,2 triệu euro từ bán bản quyền truyền hình, nhưng 45,4% (383 triệu euro) chảy vào tài khoản ngân hàng của Real và Barca. Atletico là đội ĐKVĐ nhưng chỉ nhận một phần nhỏ trong chiếc bánh khổng lồ ấy.

Sự bất công còn thể hiện qua việc Real và Barca tích lũy số nợ 766,7 triệu euro, chiếm 27,8%. Các đội nhỏ sẽ phải gò lưng trả nợ mỗi năm, riêng Real và Barca thì không.

3. Bóng đá là sân chơi tập thể. Một trận đấu hợp lệ là phải có 22 cầu thủ xuất phát trong thành phần hai đội. Một giải đấu cũng chỉ được thành lập từ nhiều CLB.

Nhưng ở La Liga, Real và Barca đang được nuông chiều quá mức. Mọi thứ đang diễn ra cứ như thể thiếu hai đội bóng ấy thì Liga không thể hình thành. Cần phải có sự công bằng, chứ không phải cứ danh to thì được ngồi mâm trên, ăn hết miếng ngon của người khác. Đó là tư tưởng lỗi thời!

Người Tây Ban Nha cần nhìn sang Anh hoặc Đức để học hỏi về sự công bằng. Một ví dụ: Bundesliga vừa chia tiền bản quyền truyền hình mùa 2015-16. Bayern Munich là đội thống trị, thu hút người xem truyền hình nhờ nhiều ngôi sao lớn, gồm cả Pep Guardiola, nhưng chỉ nhận 69 triệu euro. Tiếp theo có Schalke (58,4 triệu euro), Dortmund (57,1), Leverkusen (56,2).

Ngọc Huy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm