Vì sao nhân loại mê mẩn sao Hỏa?

06/08/2012 09:05 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày hôm nay (5/8), con tàu thăm dò sao Hỏa hiện đại nhất và lớn nhất từ trước tới nay mang tên Curiosity sẽ hạ cánh xuống hành tinh Đỏ để tiếp tục hành trình khám phá “cậu em” trong Thái dương hệ của chúng ta. Đây đã là lần thứ 14 con người định tìm cách hạ cánh xuống để khám phá sao Hỏa, nhiều hơn bất kỳ hành tinh nào khác. Câu hỏi đặt ra là vì sao nhân loại tập trung sự chú ý nhiều tới vậy cho hành tinh Đỏ?

Ngày hôm nay, thông tin về sao Hỏa đã ngập tràn trên báo chí và mọi người đều có thể trang bị cho mình kiến thức sơ đẳng về hành tinh Đỏ nhờ công cụ tìm kiếm Google. Nhưng cách đây 60 năm, sao Hỏa vẫn là một bí ẩn lớn và người ta từng tin tưởng tuyệt đối rằng có sự sống tồn tại trên hành tinh Đỏ.

Khát vọng tìm thấy thế giới khác

Trước khi tàu thăm dò Mariner bay ngang qua sao Hỏa trong những năm 1960, ngay cả giới khoa học cũng tin rằng sao Hỏa có nước và sự sống, dù sự sống mới chỉ dừng lại ở dạng rêu. “Quang phổ sao Hỏa, màu sắc của nó khi được chụp bằng ống kính phổ hồng ngoại gần, cho thấy hình ảnh rất giống rêu. Trở lại giai đoạn những năm 50 và 60, người ta kết luận rằng đó là bằng chứng của chất diệp lục và sao Hỏa có rêu sống ở trên” - Josh Bandfield, một chuyên gia về sao Hỏa và là nhà khoa học hành tinh ở Đại học Washington cho biết.

Quan niệm trên đã đặt nền móng cho một làn sóng văn hóa liên quan tới sao Hỏa phát triển hết sức mạnh mẽ trong giai đoạn 50-60. Các tác giả như Rad Bradbury chuyên viết truyện khoa học viễn tưởng từng lấy sao Hỏa làm đề tài trong tác phẩm của mình. Tương tự là các cuốn sách của Kim Stanley Robinson với nội dung viễn tưởng nói về khả năng phát triển bền vững kinh tế và xã hội trên sao Hỏa.

Nếu hạ cánh thành công, tàu Curiosity sẽ cung cấp cho nhân loại nhiều thông tin giá trị để hiểu thêm về sao Hỏa

Trên màn bạc, bởi người ta tin sao Hỏa có sự sống thực vật, hành tinh này đã nhanh chóng trở thành nguồn gốc của nhiều giống quái vật độc ác đáng sợ, trong hàng loạt bộ phim của thập niên 50 - 60. Các kịch bản về một giống loài từ sao Hỏa sẽ xâm chiếm Trái đất cũng được vẽ ra. Họ có thể là những sinh vật rất thông minh, với khả năng điều khiển trí não con người như trong phim Invaders from Mars ra đời năm 1953. Hoặc họ có thể là những sinh vật mang hình thù quái dị như trong phim truyền hình Mars needs Women sản xuất năm 1967. Năm 1964, phim Santa Claus Conquers the Martians ra đời và bị “ném đá” tơi bời vì nội dung dở. Nhưng vô số các cuốn sách và bộ phim sản xuất trong giai đoạn 50 và 60 đã đảm bảo rằng sao Hỏa ghi dấu ấn sâu đậm vào nhận thức của dư luận và không bao giờ phai nhạt.

“Chính hướng giả thuyết sao Hỏa có thể hỗ trợ một cộng đồng dân cư có trí tuệ đã khiến đại chúng quan tâm tới hành tinh này” - Bob Crossley, một giáo sư tiếng Anh tại Đại học Massachusetts, Boston, và là tác giả cuốn Imagining Mars: A Literary History viết về sao Hỏa, cho biết. Crossley nói rằng sự mê mẩn của nhân loại với sao Hỏa không chỉ vì không khí thần bí bao quanh hành tinh Đỏ. “Nằm sâu thẳm trong tâm thức tôi và có thể là cả những con người sống cùng thời, là khát vọng tìm thấy một thế giới khác” - ông thổ lộ.

Chưa hết sự quan tâm tới hành tinh Đỏ

Santa Claus Conquers the Martians là một trong những phim mang nội dung sao Hỏa cuối cùng ra đời trước khi nhân loại thay đổi hoàn toàn tư duy về hành tinh Đỏ. Ngày 28/11/1964, tàu thăm dò Mariner-4 được phóng thành công. Sau 8 tháng, Mariner-4 tiếp cận sao Hỏa. Ngày 14/7/1965, Mariner-4 bay qua sao Hỏa, và lần đầu tiên nhân loại được nhìn những bức hình cận cảnh chụp bề mặt hành tinh này. Các hình ảnh mang về cho thấy một hành tinh dường như đã chết, đầy miệng núi lửa, đã thay đổi hoàn toàn quan hệ của con người trên Trái đất với hành tinh Đỏ.

“Hình ảnh chụp lại cho thấy khung cảnh sao Hỏa trông như Mặt trăng, đã tạo nên các tác động khổng lồ. Nó khiến người ta nản chí” - Bill Sheehan, tác giả cuốn Mars: The Lure of the Red Planet nói. Ông tin rằng chương trình Mariner của NASA đã giết chết một số chủ nghĩa lãng mạn về hành tinh Đỏ. “Càng ít thông tin về sao Hỏa được công bố, chúng ta càng muốn tìm hiểu về nó. Chúng ta dùng sao Hỏa làm phương tiện để thể hiện hy vọng và cả nỗi sợ hãi của mình. Khi sao Hỏa được tìm hiểu và bức màn bí ẩn dần được vén lên, những tác dụng trên cũng không còn” - ông nói.

Sau nhiệm vụ Mariner, phải mất nhiều năm trước khi sao Hỏa trở lại trong văn hóa đại chúng. Những ngày này, các tác giả sẽ không thể phóng bút tùy tiện mà phải xem xét cẩn thận nhiều dữ liệu khoa học hơn, để công chúng không thấy mâu thuẫn trong tác phẩm của họ. “Sao Hỏa trong văn hóa đại chúng hiện nay hoàn toàn không tách rời khỏi khoa học nghiên cứu sao Hỏa” - Crossley nhận xét.

Sheehan nói rằng các phim mang nội dung nhảm về sao Hỏa trước kia như Mars Attacks Total Recall có thể dễ được công chúng đón nhận. Nhưng bất kỳ nỗ lực nào trong việc tái tạo chân thực môi trường của hành tinh Đỏ sẽ chỉ mang lại kết quả thảm hại về doanh thu. Ông lấy ví dụ như phim John Carter, với nội dung mô tả chi tiết điều gì sẽ xảy ra khi một cựu binh thời Nội chiến Mỹ đột nhiên bị đưa tới sao Hỏa. “Đó là một trong những bộ phim thảm họa của mùa Hè năm nay” - ông nói.

Vậy trong ngày hôm nay, sao Hỏa có còn là đề tài ưa thích của công chúng nữa hay không, khi bất kỳ ai cũng có thể khám phá hành tinh Đỏ, thông qua môi trường ảo. Với Erika Harnett, một nhà vật lý thiên thể rất mê truyện viễn tưởng, câu trả lời là có. “Chúng ta đã tìm hiểu sao Hỏa và nắm rõ thông tin về nó hơn nhiều các hành tinh và mặt trăng khác trong Thái dương hệ. Tôi tin điều khiến các nhà khoa học hiện nay trở nên phấn khích sẽ chẳng khác nhiều điều sẽ khiến dư luận quan tâm: đó là ý tưởng khi nào chúng ta sẽ đưa người lên hành tinh Đỏ và liệu nơi này có sự sống hay không” - Harnett nói.

Tường Linh (Theo Live Science)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm