Tạo “vòm trời động”…trên hai di tích

26/02/2009 15:59 GMT+7 | Đánh thức không gian

Giữa “mỗi ngày một lễ khởi công…” tạo càng nhiều những công trình lớn – đẹp…ở hơn 3 nghìn km2 của thủ đô Hà Nội, có 2 công trình sau ngót 110 năm và gần 70 năm tồn tại vẫn có “độ lớn” và vẻ đẹp rất riêng.

Sự “trơ gan cùng tuế nguyệt”, vượt qua ngàn bão đạn mưa bom này, đã mặc nhiên đưa cầu Long Biên và đài phát sóng Mễ Trì thành “di tích của trường tồn”. Suốt thời 1964 – 1968 và riêng năm 1972, không riêng người Hà Nội mà cả quân và dân ta trên mọi mặt trận, đã luôn hướng về vòm trời trên 2 di tích sau mỗi lần máy bay Mỹ gào rú oanh tạc. Để, cùng với tàu xe vẫn qua cầu sông Cái – với làn sóng: “Đây là Tiếng nói Việt Nam! Phát đi từ Hà Nội…” vẫn khuếch tán cao xa, là dày rộng hơn niềm tin chiến thắng.

Có 2 yếu tố góp tạo tư thế vươn vững ấy, rất cần luôn được gợi nhắc để các lứa hậu duệ nhớ không quên…càng gắng lòng phát triển.

1/Khôi phục “Trận địa thép” trên cầu Long Biên

Những năm ấy, cùng với các trận địa từ hai bờ và cả trên bãi giữa sông Hồng, để bảo vệ cầu đứng vượt bom đạn, còn có cả 4 “trận địa” pháo 14,5 ly ở 4 khoang đỉnh của vòm cầu mềm mại uốn lượn. Chính từ 4 “quyết chiến điểm” này, các pháo thủ cảm tử đã nhiều lần quất những làn đạn căng rát vào lũ “giặc trời” đang hằm hè bổ nhào cắt bom, hất chiếc này ra xa mục tiêu hoặc vít cổ chiếc kia đâm sầm xuống lòng sông.


Hãy lập lại dù chỉ 1 trong 4 “trận địa” ấy. Cùng với sàn thép nối từ một đỉnh vòm nhịp để nâng khẩu 14, 5 ly; cho ai qua cầu chỉ hơi ngước nhìn là thấy – ai theo tàu, thuyền trên sông cũng từ xa đã thấy, sẽ:

-         Gắn bảng (như bia) ghi công, với các nội dung cô đọng gợi tả chiến tích do các “khẩu đội cảm tử” đã lập nên.

-         Khoang nhịp cầu có “trận địa” này được sơn một màu khác với toàn cầu, được trang trí cờ Tổ quốc và cờ hoa các loại vào mỗi dịp Lễ Tết.

-         Lấy ngày 05 tháng 8 hàng năm (kể từ 05/08/1964 mở màn cho chuỗi các “Điện Biên Phủ trên không” dài tới 29/12/1972) làm tiêu điểm của “ôn lại và nhân lên…” với lần lượt là các tập thể học sinh hoặc công nhân – thanh niên .v.v. được “sinh hoạt tiếp lửa” ở lối dành cho xe máy – xe đạp – bộ hành ngay dưới “trận địa” ấy.

2/ Mô phỏng “hàng rào trên cao” gần Đài Mễ Trì:

Khi điên cuồng xâm lược Liên Xô, trùm phát xít Đức là Hit-le từng tuyên bố: “Chiếm được Matxcoxa, sẽ giết ngay Lê-vi-tan”. Nhưng phát xít Đức không thể chiếm được, và câu nói đầy cay cú của Hit-le nhằm vào người phát thanh viên có giọng nói mang sức mạnh của cả sư đoàn ấy, càng xác nhận giá trị của “cơ quan ngôn luận trên làn sóng điện” của mỗi quốc gia.

Từ 25/06/1965 bắt đầu ném bom Hà Nội, các máy bay Mỹ cũng lấy Đài phát sóng Mễ trì – nơi đưa “Tiếng nói Việt Nam” lan vang – là mục tiêu số 1 cần đánh sập – phá nát.

Nhưng, suốt ngàn ngày hứng bom gần – bom xa, Đài phát sóng Mễ Trì vẫn…để không chỉ nhờ các bản tin chiến sự nóng hổi – các bài bình luận sắc sảo – các khúc ca, bản nhạc, bài thơ .v.v. luôn ngân vang, mà cả nhỏ thôi là mỗi ngày 4 lần tiếng “tút – tút – tút – tút – tút – tút” báo 6 giờ sáng hay 6 giờ chiều cũng đủ truyền tin tưởng tới triệu người nghe.


Đã nhiều biện pháp chiến thuật do ngàn người kiên cường thực hiện, để có bền vang ấy. Trong đó, có việc: vào những đợt ác liệt nhất của mỗi “chiến dịch hủy diệt” từ phía “giặc trời”, lại có trên tầng không ở gần Đài, các quả bóng như là “bóng thám không” của ngành Khí tượng. Chính những “quả…” này, nằm ở nhiều độ cao – thấp khác nhau, đã là một “hàng rào” hiệu nghiệm, ngăn sự liều bay tới sát mục tiêu mới ném bom của lũ F.4 – F.105 .v.v.

Bây giờ, và sau nữa, cứ mỗi dịp kỷ niệm “12 ngày đêm tháng Chạp” từ 1972 mãi mãi rực sáng, rất nên:

-         Thả lên vùng trời gần Đài Mễ Trì 3 hoặc 5 “quả bóng” đúng loại đã sử dụng thời 1964 – 1968 và 1972, với độ cao 70 – 100 mét.

-         Đáy bóng (nơi có nút dây níu gắn với mặt đất) sẽ có những dải băng vải đỏ buông dài, mang dòng chữ “Tinh thần Điện Biên Phủ trên không muôn năm”, chữ to, đủ cho mắt thường cách 70 – 100 mét cũng đọc rõ.

-         Đúng ngày 30 – 12 hàng năm (ngày mà Ních-xơn ngấm đòn đau, phải chịu ngừng đợt B.52 rải thảm Hà Nội), có các cuộc kỷ niệm với đa dạng hình thức – quy mô…tại nơi neo giữ các “quả bóng” biểu tượng ấy.

Có thể chưa đầy đủ ý nghĩa – điều kiện  thực hiện .v.v., song thiển nghĩ, nếu 2 ý tưởng trên được bổ sung hoàn hảo để áp dụng, thì lời Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta…” càng hiện thực hơn với thêm 2 “vòm trời động” trên Thăng Long – Hà Nội ngàn năm.

Tác giả: Nguyễn Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm