"Sếu vườn" Bùi Tấn Trường

29/03/2010 07:15 GMT+7 | V-League

(TT&VH cuối tuần) - Cao như cây sào (có lẽ cũng vì thế mà người ta gọi Trường là “sếu vườn”), chàng trai xứ bưng biền Bùi Tấn Trường đã là thủ môn số 1 của Đồng Tháp, từ cách đây hơn 3 năm và là sự lựa chọn đầu tiên, nếu không nói là duy nhất, trong khung thành U23 Việt Nam trong những ngày tham dự SEA Games 25 trên đất Lào. Trường lại vừa đi vào lịch sử của bóng đá Việt Nam, với tư cách là thủ môn đắt giá nhất, dựa trên giá trị bản hợp đồng 3 năm: 5 tỷ đồng.

Truyền nhân của ai ?

Đứng cạnh thầy Trần Văn Khánh (trợ lý HLV thủ môn Đội tuyển Việt Nam), Tấn Trường có phần trội hơn về chiều cao, nhưng kỹ năng làm chủ khu vực cấm địa, có lẽ còn dưới “bố” Khánh một bậc. Tấn Trường vẫn đang được “bố” Khánh dạy để hoàn thiện những điểm yếu, trong đó có việc phán đoán những đường tạt tầm thấp và có độ xoáy của đối phương. So với thủ thành nổi tiếng của bóng đá Đồng Tháp trước đây là Trần Thanh Nhạc, Trường có lối bắt bóng hiện đại hơn. Trường đã và đang có sự phản xạ nhanh nhạy không kém gì đàn anh Hồng Sơn, sự ổn định của Văn Cường (Bình Định và Đội tuyển Việt Nam trước đây) và bằng với Santos (ĐT.LA) với khả năng phát động tấn công bằng chỉ một cú phát bóng…


Bùi Tấn Trường. Ảnh: Khang Huy

Phải, Tấn Trường có chiều cao ngoại cỡ của người Việt Nam (1m88, năm 2007). Trường đáng ra đã là một chủ công trong đội bóng chuyền quốc gia hay bóng rổ. Nhưng, Trường lại chọn bóng đá. Phần vì ngày ấy, đó là con đường ngắn nhất, để một đứa trẻ ở xứ Tràm chim đổi đời, thoát khỏi cuộc sống khốn khó. Phần nữa, bóng đá ở Việt Nam hẳn có giá trị thương mại cao hơn, so với các môn bóng còn lại. Tấn Trường bước vào thế giới môn thể thao vua như thế, khi các thầy dạy thể dục ở trường cấp 2 quê anh (Lai Vung - Đồng Tháp) quyết định đưa cho anh đôi găng tay và bảo đứng trong khung gỗ đội tuyển trường. Từ đó Tấn Trường gắn chặt ở vị trí đặc thù ấy cho đến nay.

Chuyện cách đây khá lâu, thời điểm Trường còn học lớp 7. Học lớp 7, nhưng Trường khi đó cao đến 1m76. Có người nói cậu bé này phát triển không bình thường, nhưng chính xác thì Tấn Trường thừa hưởng gen di truyền của ba mẹ.

Lên như diều

“Tôi sinh ra ở đã mang trong người tính chịu khó của một đứa nhà quê, chân chất. Cuộc sống là chuỗi những ngày nỗ lực không ngừng. Cần có sự nghiêm túc với nghề, để đưa ra những kế hoạch và phải biết đứng lên khi thất bại”, Tấn Trường từng nói thế ở Nakhon Ratchasima (Thái Lan), SEA Games 2007.

V-League 2007, mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên Trường được đứng trong hàng ngũ đội 1 Đồng Tháp, ngang với Thanh Bình, Quý Sửu, Việt Cường… Trận làm khách ở Long An (vòng 16), Tấn Trường thậm chí giúp đội nhà giật được 1 điểm, với bàn thắng như thể một trung phong, khi lên tham gia tấn công ở phút bù giờ. Đến vòng 17, Đồng Tháp tiếp Đà Nẵng, GĐKT Trần Vũ phải thốt lên: “Không có Tấn Trường, Đồng Tháp đã “chết” với chúng tôi rồi”. Và ở vòng đấu 18 tại Vinh, không ai khác thủ môn 21 tuổi này chính là cầu thủ chơi hay nhất phía đội khách khi vô hiệu hóa hàng loạt cú dứt điểm của Valdiney và Công Vinh.


HLV trưởng ĐT Olympic, U23 quốc gia cũng như đội tuyển quốc gia, từ Alfred Riedl (2007) đến Henrique Calisto bây giờ, đã bị Trường “khuất phục” theo cách đó. Những trận đấu tuyệt vời, các pha cản phá như không tưởng trong các trận đấu cấp câu lạc bộ, cho Trường “quota” lên tuyển, mà không cần phải đấu tranh hay bàn cãi gì nhiều. Từ vị trí số 3 trong khung gỗ U23 Việt Nam ở SEA Games 2007 (sau Đức Cường và Vĩnh Lợi), 2 năm sau đó Trường đã là số 1, giải đấu trên đất Lào. Bùi Tấn Trường cũng đang được kỳ vọng, sẽ thế vai hoàn hảo các thế hệ đàn anh trên bình diện Đội tuyển Việt Nam, từ Thế Anh, đến Hồng Sơn. Và thực tế, Trường có vài trận bắt chính trong màu áo đội tuyền quốc gia, dưới thời HLV Calisto.

Với Tấn Trường, khung gỗ, đôi găng và những trận cầu nảy lửa mới là cuộc sống đích thực. Ở đó, Trường từng bao lần vã mồ hôi, bao lần rơi nước mắt, thậm chí có cả những thương tích rất nặng. Đó là kỷ niệm buồn trong trận chung kết SEA Games 25, trận đấu mà Trường chơi như một cảm tử quân, để rồi phải nhập viện vì chấn thương nơi bả vai và phải sống nhiều ngày không bóng đá sau đó…

Và kỷ lục gia Tấn Trường

Bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên, sau giai đoạn cống hiến và đào tạo trẻ, được ký với đội bóng quê hương TĐCS.ĐT của Trường có giá lên đến 5 tỷ đồng, một kỷ lục. Ngay cả Hồng Sơn, khi gia nhập HN.T&T (từ SLNA) cách đây 2 năm, cũng chỉ nhận 1,8 tỷ đồng/3 năm. Con số 5 tỷ đồng cho một thủ môn nội, khiến người nghe có thể phải choáng váng, càng choáng hơn khi nó lại diễn ra trong bối cảnh mà bóng đá Đồng Tháp đang phải vắt chân lên cổ tìm nhà tại trợ cho mùa giải tới. Đồng Tháp cũng không có tiền lệ vung tiền giữ hiền tài. Thì điều đó mới càng đáng nói.


Tấn Trường có khả năng phát động tấn công chỉ bằng một cú phát bóng. Ảnh: Khang Huy

Tuy nhiên, Tấn Trường xứng đáng với đồng tiền bát gạo, hơn bất cứ cầu thủ nào nếu được Đồng Tháp mời lại ký hợp đồng. Nếu Trường ruồng bỏ quê hương, hàng tá các đại gia khác có thể chào anh bằng bản hợp đồng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi con số ấy. Vào thời điểm mà có đến gần nửa các CLB ở V-League phải dùng thủ môn ngoại, nó chứng minh rằng những người như Trường đang trở nên quý và hiếm như thế nào. Trường còn rất trẻ (24 tuổi, tính trên giấy tờ) và năng lực cống hiến của anh có lẽ còn kéo dài cả chục năm nữa. Trường chọn ở lại, bởi Đồng Tháp đã cho anh tất cả, để có ngày hôm nay.

Không xe đắt tiền, không những chuyến du hý theo kiểu ngôi sao - vương giả, Tấn Trường phác thảo những kế hoạch nghiêm túc, trong đó có cả “vấn đề” với cô bạn gái nhỏ nhắn, đã lẽo đẽo theo Trường suốt những ngày dài đá SEA Games trên đất Lào. Chuyện mở quán café phục vụ đồ ăn nhanh, rồi mở cửa hàng internet ở quê nhà, để người thân có công việc làm và để “khai sáng văn minh” cho trẻ em miệt vườn… Thực tế và rất nhân văn.

Trường là thủ môn duy nhất ở Việt Nam bây giờ, mà tôi tin rằng có thể đạt đến một đẳng cấp rất khác, so với phần còn lại. Tất nhiên, cậu ấy phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu và rèn dũa những ngón nghề độc, chứ không chỉ biết thừa hưởng lợi điểm hình thể”, trợ lý HLV thủ môn ĐTVN và cũng là thầy của Tấn Trường, Trần Văn Khánh.


THẢO NGUYÊN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm