Những người âm thầm khởi danh từ Thủy Hử Truyện

30/07/2009 06:33 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(TT&VH Online) - Đầu tháng 7/2009, bộ phim Tân Thủy Hử Truyện chính thức bấm máy tại Long Hổ Sơn – Giang Tây. Một bộ phim kinh điển được dàn dựng lại khiến người ta lại nhớ về bản Thủy Hử Truyện đã rất thành công trước đây. Thủy Hử Truyện năm 1996 sở dĩ thành công là nhờ những nhân vật cực kỳ tâm huyết.

Nhà sản xuất Trương Kỷ Trung 


Trương Kỷ Trung

Thủy Hử Truyện năm 1996 do Trương  Thiệu Lâm đạo diễn và Trương Kỷ Trung làm nhà sản xuất. Và đây cũng là một cột mốc quan trọng cho sự nghiệp đạo diễn sau này của Trương Kỷ Trung.

Đạo diễn Trương Kỷ Trung nổi tiếng với một loạt các phim võ hiệp Kim Dung như: Tiếu ngạo giang hồ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Lộc Đỉnh Ký... nhưng đó là chuyện của những năm sau này. Vào thời điểm năm 1995, ông vẫn là người của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc. Sau khi tham gia sản xuất phim Tam Quốc diễn nghĩa, ông được đạo diễn Trương Thiệu Lâm mời làm nhà sản xuất cho Thủy Hử Truyện.

Trong phim, tổ đạo diễn và nhà sản xuất đặt yêu cầu rất cao cho những cảnh quay võ thuật, vì thế để đem lại màu sắc mới mẻ cho những màn võ thuật trong phim, Trương Kỷ Trung đã bỏ nhiều tâm huyết mời nhà chỉ đạo võ thuật nổi tiếng Hong Kong – Viên Hòa Bình đến Trung Quốc đảm nhận vai trò chỉ đạo võ thuật. Không chỉ vậy, ông còn đóng góp rất nhiều cho phim này với vai trò là một nhà sản xuất.

Sau khi Thủy Hử Truyện hoàn thành, đạo diễn Trương Thiệu Lâm tiếp tục ở lại phục vụ cho đài truyền hình Trung ương, còn đạo diễn Trương Kỷ Trung một mặt vẫn tiếp tục dàn dựng cho Đài truyền hình Trung ương các phim như Nhân công, Lữ Lương anh hùng truyện; mặt khác ông bắt tay vào công việc hợp tác kinh doanh với các hãng phim tư nhân với tư cách một nhà sản xuất. Và ông đã thành công với vai trò này. Đến nay đạo diễn Trương Kỷ Trung được người ta đặt danh hiệu là “Người sản xuất phim truyền hình số 1 Trung Quốc”.

Nhà quay phim Vu Mẫn

Nhà quay phim - đạo diễn Vu Mẫn
 
Những cảnh quay đẹp trong Thủy Hử Truyện được thực hiện dưới bàn tay Vu Mẫn. Lần đầu tiên đạo diễn Trương Kỷ Trung gặp Vu Mẫn là vào tháng 11/1995, khi đó phim Thủy Hử Truyện chuẩn bị khởi quay và Vu Mẫn vẫn chưa phải là một nhà quay phim có tên tuổi. Vu Mẫn được đạo diễn Trương Kỷ Trung mời tham gia trong phim với tư cách là nhà quay phim dự bị.

Lúc ban đầu nhà chỉ đạo võ thuật Viên Hòa Bình có ý định giới thiệu đoàn phim một nhà quay phim có tay nghề cao của Hong Kong, người này đã hợp tác rất ăn ý với Viên Hòa Bình trong nhiều bộ phim võ thuật, nhưng sau khi xem một vài cảnh quay thử của Vu Mẫn, ông đã nói: “Những cảnh quay này hiệu quả quá tốt rồi, đạt tất cả yêu cầu, quay không hề thua kém nhà quay phim của chúng tôi”. Sau đó, Vu Mẫn chính thức đảm nhận vị trí nhà quay phim của Thủy Hử Truyện.

Năm 1998, với Thủy Hử Truyện, Vu Mẫn nhận giải thưởng Nhà quay phim truyền hình xuất sắc nhất. Cái tên Vu Mẫn dần trở nên quen thuộc với khán giả truyền hình, anh không dừng lại ở vai trò nhà quay phim, mà còn bước tiếp đến công việc đạo diễn trong các phim của Trương Kỷ Trung sau này như:
Anh hùng xạ điêu và Thiên Long bát bộ...

Đạo diễn Khang Hồng Lôi
 

Đạo diễn Khang Hồng Lôi
Tổ đạo diễn của Thủy Hử Truyện năm 1996, ngoài tổng đạo diễn Trương Thiệu Lâm còn có các phó đạo diễn khác như: Lục Đào, Triệu Xuân Minh, Phan Dẫn Lai, Khang Hồng Lôi.

Trong số các đạo diễn kể trên thì hiện nay sự nghiệp của Khang Hồng Lôi nổi bật hơn cả. Năm 1996, Khang Hồng Lôi là một đạo diễn trẻ (ông sinh năm 1962), còn đến thời điểm này ông đã là đạo diễn nổi danh của truyền hình Trung Quốc.

Vào năm 2008, phim truyền hình Lính đột kích do Khang Hồng Lôi đạo diễn là bộ phim ăn khách nhất Trung Quốc. Còn đầu năm nay, ông cũng gây sốt với bộ phim Đoàn trường của tôi - đoàn của tôi khi vừa trình chiếu trên truyền hình đã đạt hiệu suất người xem ở con số kỷ lục. Bản thân đạo diễn Khang Hồng Lôi cũng đã nhận được rất nhiều giải thưởng lớn về điện ảnh.

Lưu Hoan và ca khúc chủ đề Hảo hán ca

“Sông lớn chảy về đông/Muôn sao chầu Bắc đẩu/Đã nói đi là không dừng bước/Có anh, có tôi, ta có tất cả/ Giữa đường thấy việc bất bình gầm vang một tiếng/Việc đáng ra tay liền đưa tay cứu giúp...” những ca từ đó vẫn còn đọng lại trong ký ức khán giả sau khi xem xong Thủy Hử Truyện.

 Lưu Hoan

Cũng giống như trường hợp của bài hát Đường đi dưới chân ta trong phim Tây Du Ký, ca khúc Hảo Hán Ca trong Thủy Hử đã vượt qua khuôn khổ bài hát trong phim.

Hảo Hán Ca do nhạc sĩ Triệu Quý Bình viết nhạc, Dịch Minh viết lời, người thể hiện bài hát là ca sĩ Lưu Hoan – anh cũng là người đã hát ca khúc You and Me trong lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 cùng nữ ca sĩ Sarah Brightman.

Giọng ca hào sảng của ca sĩ Lưu Hoan cùng bản phối khí mang âm hưởng dân gian Trung Quốc và dàn hợp xướng hát đối đáp phụ họa đã toát lên cái hào khí, cái phóng khoáng của những bậc “anh hùng chốn giang hồ”.

Mỗi khi nghe bài hát này người ta lại cảm thấy chút gì đó rạo rực trong lòng. Lưu Hoan sinh năm 1963 và là ca sĩ giọng nam cao hàng đầu của Trung Quốc. Anh đã nổi tiếng trước khi hát Hảo Hán Ca song đây lại là ca khúc để đời của anh, bởi đến bây giờ nói đến Lưu Hoan là nói đến Hảo hán ca và ngược lại.

Xin gửi tặng độc giả TT&VH Online ca khúc Hảo hán ca:


Hiền Thương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm