Mỹ sắp không kích và đổ quân vào Libya để tận diệt IS?

01/02/2016 11:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) -  Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu các cố vấn chủ chốt của ông đưa ra các lựa chọn nhằm tăng cường cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), bao gồm việc mở một mặt trận mới ở Lybia.

Theo AFP, 18 tháng sau khi liên minh do Mỹ dẫn đầu bắt đầu cuộc không kích chống IS ở Iraq và Syria, nhiều nguồn tin trong chính phủ hôm 29/1 cho biết Nhà Trắng muốn đẩy nhanh và mở rộng chiến dịch của họ.

Liên minh sẽ tăng cường nỗ lực nhằm tái chiếm thành phố Raqa ở Syria, thành phố Mosul ở Iraq và ngăn chặn sự trỗi dậy của các phần tử thánh chiến ở Afghanistan, song cũng sẽ tăng cường cho mặt trận Libya.

Mỹ muốn mở mặt trận ở Libya

Các lựa chọn bao gồm từ việc tăng cường không kích đến tham gia lực lượng bộ binh do Liên hợp quốc (LHQ) hậu thuẫn giúp chống lại khoảng 3.000 tay súng IS ở Libya.

Phát biểu với hãng tin AFP, Trung tá Michelle Baldanza cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ “đã ở thế sẵn sàng triển khai đầy đủ các chiến dịch quân sự theo yêu cầu. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phối hợp với cộng đồng quốc tế để làm giảm nhiệt cuộc xung đột ở Libya, thúc đẩy sự ổn định và tăng cường công tác quản trị”.

Các quan chức cho biết các kế hoạch quân sự cụ thể vẫn chưa được trình lên Tổng thống Obama, mặc dù tình hình an ninh đang rất nghiêm trọng. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói: “Hành động ở Libya là vô cùng cần thiết, trước khi nước này trở thành nơi ẩn náu của IS và trước khi việc đánh bại chúng trở nên cực kỳ khó khăn. Chúng tôi không muốn tình hình sẽ diễn ra như ở Iraq hay Syria”.

* Từ các chiến dịch đơn lẻ

Kể từ khi phe nổi dậy và lực lượng không quân của các nước phương Tây tiến hành lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011, Libya luôn thiếu vắng một chính phủ thực sự.

Trong bối cảnh hỗn loạn, một nhóm các tay súng nước ngoài, các tay súng trong nước, một số bộ lạc và tàn dư của Nhóm Chiến binh Hồi giáo Libya đã hợp nhất dưới ngọn cờ của IS và giành được chỗ đứng tại đây. Các phần tử thánh chiến này mới đây đã giành được quyền kiểm soát Sirte - quê hương của ông Gaddafi và là thành phố cảng chiến lược gần các mỏ dầu có thể cung cấp cho chúng nguồn lợi lớn.

Đến nay, sự hiện diện của Mỹ ở Libya vẫn chỉ giới hạn ở các cuộc không kích riêng lẻ và triển khai lực lượng đặc nhiệm Mỹ - những người đang xây dựng quan hệ với các nhóm vũ trang địa phương và cung cấp thông tin tình báo cho họ.

Belmokhtar, trùm IS ở Libya bị Mỹ không kích tiêu diệt hồi tháng 6/2015

Ngày 14/6/2015, Mỹ thông báo đã tiến hành chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt trùm khủng bố người Algeria Mokhtar Belmokhtar ở Libya.

Tháng 11/2015, một chiến đấu cơ F-16 của Mỹ đã tấn công vào thị trấn miền Đông Derna và tiêu diệt Abu Nabil - được biết với cái tên Wissam Najm Abd Zayd al-Zubaydi - thủ lĩnh của IS tại địa phương.

* Đến khả năng một chiến dịch trên bộ

Ngày 28/1, ông Obama đã triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về chiến dịch hiện tại và các bước đi tiếp theo. Biên bản cuộc họp ở Nhà Trắng có đoạn: “Tổng thống đã chỉ đạo đội ngũ an ninh quốc gia tiếp tục các nỗ lực để tăng cường sự quản lý và hậu thuẫn các nỗ lực chống khủng bố ở Libya và các nước khác, nơi IS đang tìm cách thiết lập sự hiện diện”.

Các nghị sĩ đảng Cộng hoà đã chỉ trích ông Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton vì đã không tiến hành thêm nhiều hành động để ngăn chặn sự trỗi dậy của IS. Người phát ngôn Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan nói: “Hạ viện đang kêu gọi Tổng thống đưa ra một chiến lược thực sự để đánh bại IS”.

Các bước đi tiếp theo - bao gồm các chiến dịch trên bộ - có thể sẽ phụ thuộc vào khả năng của Libya trong việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc mà LHQ vẫn đang cố gắng dàn xếp. Một quan chức quốc phòng khác nói: “Hiện cần có một giải pháp chính trị để tiến tới một giải pháp quân sự. Chúng tôi hy vọng giải pháp chính trị sẽ dẫn tới việc lập ra một chính phủ hợp pháp có thể yêu cầu chúng tôi hỗ trợ tiêu diệt IS”.

Washington cũng hướng đến việc yêu cầu các nước châu Âu, trong đó có Italy - nước từng chiếm Libya làm thuộc địa, phải đóng vai trò dẫn dắt. Ông Obama sẽ đề cập tới việc này khi đón tiếp người đứng đầu nhà nước Italy, Tổng thống Sergio Mattarella, tại Nhà Trắng vào ngày 8/2.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được cho là sẽ gặp gỡ những người đồng cấp châu Âu tại Rome vào ngày 2/2 tới. Một quan chức quốc phòng nói: “Ý tưởng ở đây là lập ra một liên minh gồm nhiều nước”. Một số chuyên gia an ninh cho biết tình hình ngày một xấu đi trên thực địa có thể khiến chính quyền Mỹ không còn nhiều lựa chọn ngoài việc phải tiến hành một chiến dịch trên bộ cho dù triển vọng lâu dài vẫn chưa rõ ràng.

Mỹ, NATO từng không kích Libya năm 2011, lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Gaddafi

Patrick Skinner - một cựu quan chức Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và hiện làm việc tại Nhóm tư vấn Soufan - nói: “Đáng tiếc rằng đây là một lựa chọn không hay, nhưng lại là duy nhất”. Các cuộc tấn công khủng bố có liên quan tới IS từ Thổ Nhĩ Kỳ cho tới Indonesia đã làm người ta thêm quan ngại về khả năng và sức mạnh của IS, cho dù tổ chức ngày chịu nhiều tổn thất ở vùng Lưỡng Hà.

Theo Karim Mezran - chuyên gia về Libya tại Hội đồng Đại Tây Dương, bất kỳ chính phủ nào ở Libya cũng khó có thể “sống sót” nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài. Ông Mezran nói: “Nếu không có sự trợ giúp của các lực lượng quốc tế, chính phủ mới ở Libya sẽ không thể tiến vào được Tripoli”.

TK (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm