Số 1 Việt Nam và giấc mơ Grand Slam

29/01/2015 14:26 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Sức lan toả của sự kiện Lý Hoàng Nam lọt vào vòng 2 đơn nam trẻ Australian Open vượt trội so với việc ai đó vô địch giải Các cây vợt xuất sắc cũng như việc tuyển Davis Cup của Việt Nam rớt xuống hạng Ba. Đơn giản, đây là 1 trong những sự kiện xứng đáng đi vào lịch sử quần vợt nước nhà.

Có nên coi đây là một điều bất thường? Câu trả lời là không. Dù cho chỉ là một trận đấu đơn nam trẻ - một nội dung thi đấu thường chỉ được tổ chức trên những sân phụ có khán đài quy mô chỉ vài trăm ghế thì nó cũng là một phần của tiến trình phát triển của tennis Việt.  

Để có mặt ở Australian Open với Hoàng Nam là một quá trình nỗ lực bền bỉ. Tính từ đầu năm 2014, thời điểm Nam chuẩn bị bị kỷ luật cho tới khi giải Grand Slam đầu tiên trong năm khởi tranh, tay vợt năm nay 18 tuổi này (sinh năm 1987) đã tham dự tới 15 giải đấu và chơi cả thảy 66 trận (đơn và đôi, ITF tính điểm cả hai hình thức thi đấu này để xếp hạng).  Và nó bao gồm cả những xung đột mà cao trào của nó là việc Hoàng Nam không lên tuyển khi tuyển Davis Cup Việt Nam tập trung và sau đó bị cấm thi đấu ở các giải đấu trong nước trong suốt cả năm 2014 trong đó có Các cây vợt xuất sắc.



Lý Hoàng Nam đang là gương mặt sáng giá của quần vợt Việt Nam


Số 1 Việt Nam để làm gì?

Cây vợt xuất sắc là một trong những giải đấu (cùng với giải vô địch quốc gia) được tổ chức thường niên và kết quả của nó được dùng để tính điểm xếp thứ hạng các tay vợt.

Chẳng hạn, gần bốn năm trước, Hoàng Thành Trung sau khi vô địch giải các Cây vợt xuất sắc đã được gắn mác “số 1 Việt Nam” thay cho Đỗ Minh Quân, người từng giữ vị trí này gần chục năm.

Nhưng số 1 Việt Nam, như HLV Roy Coopersmith, người từng dẫn dắt Hoàng Thiên (và cả Jelena Jankovic, cựu số 1 thế giới) nói, là một danh hiệu không có những giá trị cần thiết của tennis chuyên nghiệp nếu chúng ta coi ATP và WTA là những đích đến.

Đỗ Minh Quân, một tài năng thực sự của quần vợt Việt Nam, từng mười lần vô địch Việt Nam nhưng chưa từng lọt vào top 1000 ATP và chưa bao giờ giành được một danh hiệu đáng kể nào của quần vợt thế giới.

Nhưng quãng thời gian ngự trị kỷ lục của một tay vợt của quần vợt Việt không phải là mười năm của Quân mà của Kim Trang với 17 năm vô địch quốc gia.Tay vợt nữ người Khánh Hoà cũng được coi là số 1 Việt Nam trong quãng thời gian đó nhưng cũng gần như con số 0 tròn trĩnh khi ra với thế giới.

Và rồi cả hai cùng sẻ chia một ước mơ: được tu nghiệp HLV ở Mỹ. Giờ Kim Trang đang là một HLV ở Atlanta còn Minh Quân đang theo học những khoá huấn luyện ở Florida.

Chưa hết, người được coi là tài năng nhất sau Kim Trang (dù trước đó Mai Huỳnh từng năm lần vô địch Việt Nam) và có sự đầu tư cực kỳ tốn kém với những chuyến tập huấn ở Mỹ dài ngày là Thuỳ Dung cũng chứng tỏ cho thấy những vấn đề từ ngôi số 1 quần vợt Việt Nam. Sau khiđã giành tất cả các danh hiệu của quần vợt Việt Nam trong đó có ba năm liền vô địch quốc gia, trở thành số 1, Thuỳ Dung gác vợt khi cô mới 23 tuổi.

Đó là một quyết định gây bất ngờ nhưng được cho là tỉnh táo vì Dung có thể thống trị ở trong nước nhưng khi chơi ở những giải đấu có tổng tiền thưởng chỉ cỡ 25 ngàn USD thì kiếm một trận thắng với Dung cũng khó.

Gác vợt tức là dừng công cuộc đốt tiền (chi phí đi tập huấn và đánh giải) để Dung bắt đầu hành trình kiếm tiền nhưng không phải từ quần vợt nữa mà kinh doanh nhà hàng.  

Và cuối cùng, giá trị sót lại của danh vị “số 1 Việt Nam” đã phần nào đó giúp Dung bước qua cánh cổng 43 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, trở thành biên tập viên thể thao của VTV.

Bỏ số 1 chạy lấy người

Thế hệ của Minh Quân và Thuỳ Dung cũng là giai đoạn đáng chú ý nhất mà danh vị số 1 Việt Nam của họ không trở thành mầm mống của tranh luận. Vì họ đồng thời cũng là những người có thứ hạng cao nhất của Việt Nam trên bảng xếp hạng ATP và WTA tại thời điểm đó.

Còn bây giờ, người vô địch giải Cây vợt xuất sắc của nam là Lâm Quang Trí, của nữ là Tâm Hảo, đều không có tên trên BXH của ATP và WTA. Liệu có thể gọi Tâm Hảo là số 1 Việt Nam, dù tay vợt TP HCM này còn vô địch cả giải quốc gia, bởi quần vợt nữ Việt Nam còn một tay vợt nữ nữa là Đài Trang xuất sắc hơn, từng đứng thứ 876 WTA?

Đài Trang, năm nay mới 22 tuổi, mấy năm qua đấu cho tuyển quần vợt của Đại học Troy (tiểu bang Alabama, Mỹ), coi như xác định rõ ràng tương lai của mình không còn là quần vợt chuyên nghiệp nữa.

Tương tự, có thể hỏi Quang Trí có phải là số 1 Việt Nam khi mà trên bảng xếp hạng ATP, người duy nhất đại diện cho Việt Nam có tên trên đó là Lý Hoàng Nam?

Quần vợt ở các nền thể thao phát triển không phải đối diện với tình huống như thế. Tây Ban Nha không tổ chức một giải vô địch quốc gia để xem ai xuất sắc hơn ai, mà thứ bậc của những Nadal, Ferrer,  Lopez, Almagro được xác định bởi thứ tự của họ trên bảng xếp hạng ATP. Nadal hiện được coi là số 1 Tây Ban Nha vì anh là đại diện cao nhất của quốc gia này.  

Nadal trong năm qua thậm chí còn không tham dự Davis Cup nhưng niềm tự hào mà anh mang lại cho Tây Ban Nha là rất lớn nhờ lần thứ chín vô địch Roland Garros – một thành tích cá nhân thuần tuý.

Chẳng có gì mâu thuẫn ở đây cả bởi tennis là môn thể thao cá nhân với vinh quang cho mỗi dân tộc đơn thuần là thành tích của một vài cá nhân nào đó.

Chúng ta không có một tay vợt tầm cỡ như thế, nhưng bất cứ ai mơ ước làm nên những chuyên lớn, và quyết đi theo một con đường hướng ngoại chuẩn mực cần được ủng hộ tối đa.

Theo đuổi tennis chuyên nghiệp là một cuộc chơi đầy rủi ro. Khắp thế giới, chỉ những ai lọt vào nhóm 200 tay vợt hàng đầu mới có thể kiếm tiền từ việc đi đánh giải và tài trợ.  Tức là xác suất thành công là rất nhỏ, là một  phần ngàn.

Không xa là trường hợp của Hoàng Thiên, người có biệt danh “tay vợt triệu đô”, đã được đầu tư kỹ lưỡng với những chuyến tập luyện ở nước ngoài, cũng chẳng thể làm nên chuyện. Hoàng Thiên từng là số 1  châu Á của lứa tuổi dưới 14, nhưng nay 20 tuổilại thấy ATP Tour trở nên xa vời.

Thế nên, nếu Hoàng Nam vẫn tiếp tục muốn vượt ra khỏi quỹ đạo của VTF, mặc cho cuộc chiến trở thành số 1 Việt Nam là của ai đó, sẽ là quyết định rất đáng tôn trọng.

Dưới ánh đèn của Rod Laver Arena

Người ta không coi việc có mặt ở Melbourne tham dự nội dung trẻ là đã có mặt ở Grand Slam. Với Hoàng Nam cũng chẳng là ngoại lệ dù cây vợt này đã viết 1 trang sử mới cho quần vợt Việt Nam khi lọt vào tới vòng 3 đơn nam trẻ giải Australian Open 2015.

Nó chỉ là một sự trải nghiệm, kiểm chứng quá trình học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm. Các trận đấu ở nội dung trẻ thường chỉ được tổ chức ở những sân phụ với vài chục, hoặc hơn trăm ghế ngồi. Phải tới chung kết họ mới được đưa vào sân Rod Laver thi đấu.

Và nhiều tay vợt từng vô địch Grand Slam trẻ nhưng khi lên đẳng cấp chuyên nghiệp thì mất hút như tay vợt nay đã 24 tuổi Yang Tsung-hua (Đài Loan) từng giành ba Grand Slam trẻ (1 đơn, 2 đôi) trong năm 2008.





Phạm Tấn
Thể thao văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm