Victoria’s Secret: Hơn cả thời trang

10/11/2012 09:18 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Những năm gần đây, buổi trình diễn nội y hằng năm của Victoria’s Secret đã vượt ra ngoài khuôn khổ một sự kiện thời trang, trở thành hiện tượng văn hóa đại chúng, tạp kỹ, nghệ thuật và cả kinh doanh, tiếp thị được mong chờ trong làng giải trí phương Tây.

Mỗi năm, có khoảng 10 triệu khán giả đón xem khi chương trình được tường thuật lại trên truyền hình. Sau khi chiếu ở Mỹ, chương trình tiếp tục lên sóng ở khoảng 100 nước khác.

Năm nay, đêm diễn Victoria’s Secret diễn ra vào ngày 7/11, chiếu lại trên kênh CBS vào ngày 4/12. Hình ảnh các người đẹp trong những bộ đồ lót đầy màu sắc, trang trí nhiều khi cực kỳ rườm rà, đi đôi giày 20cm (điều khiến nhiều người e sợ) lại chiếm lĩnh các trang mạng.

Thời trang, giải trí, nghệ thuật và lối sống

Điều gì làm nên sức hút của Victoria’s Secret? Những người mẫu tuyệt đẹp, các mẫu thiết kế nội y bắt mắt nhất? Đúng, nhưng không phải là tất cả.

Là một sự kiện văn hóa đại chúng, âm nhạc là điều không thể thiếu. Những năm gần đây, các buổi diễn của hãng thời trang này không bao giờ thiếu vắng các ngôi sao ca nhạc. Năm nay là Rihanna và Justin Bieber. Những năm trước có The Black Eyed Peas, Justin Timberlake, Usher, Kanye West, Jay-Z, Katy Perry, Nicki Minaj, Maroon 5… Nếu không xem thời trang, người ta sẽ “xem” nhạc.

Và nếu chỉ là thời trang, người ta không nhất thiết phải làm nên những bộ nội y đính kim cương, pha lê Swarovski, khảm trai… trị giá hàng triệu USD. Mẫu thiết kể đắt nhất của Victoria’s Secret tính đến thời điểm này là bộ Red Hot Fantasy do siêu mẫu hàng đầu Gisele Bundchen mặc vào năm 2000 (không trình diễn): 15 triệu USD. Những năm gần đây, vì các bộ đồ lót trình diễn đắt nhất cũng chỉ đến hơn 2 triệu USD nên con số 15 triệu USD có vẻ sẽ là “vô tiền khoáng hậu” thêm một thời gian nữa.

Siêu mẫu Miranda Kerr, vợ của tài tử Orlando Bloom, trình diễn trong chương trình Victoria’s Secret 2012 tại New York (Mỹ) hôm 7/11. Ảnh: Getty Images.

Victoria’s Secret không chỉ ảnh hưởng đến công chúng về mặt tiêu dùng mà còn cả lối sống. Trong chương trình, các mẫu thiết kế không phải là nhân vật chính mà là cách người ta trình diễn chúng, tôn vinh chúng, kết hợp với các phụ kiện, những đôi cánh đủ hình thù, ánh sáng, âm thanh, âm nhạc, những nụ hôn gió của người mẫu… Tóm lại, không chỉ là tiêu dùng, mà nhấn mạnh vào phong cách tiêu dùng.

Những hình ảnh hậu trường được chăm chút và ghi nhận từng li từng tí cho thấy chương trình muốn đến gần nhất với công chúng, cho họ cảm giác như thể đang tham gia vào chương trình, không chỉ là người chiêm ngưỡng.

Phụ nữ xem nhiều hơn đàn ông

Độ nổi tiếng toàn cầu của Victoria’s Secret ngày càng tăng cao. Buổi trình diễn đầu tiên được tổ chức vào năm 1999, khi đó chỉ được chiếu qua mạng và có khoảng 2 triệu người xem. Thêm vào đó là một đoạn phim quảng cáo chiếu trong trận bóng bầu dục Super Bowl năm đó. Năm 2002, hãng Victoria’s Secret đạt được thỏa thuận phát sóng và quảng cáo với đài CBS (đối tác lâu dài của họ sau này) chỉ vài tuần trước Giáng sinh.

Đáng ngạc nhiên, theo thống kê, có đến 60% khán giả của Victoria’s Secret qua các năm là phái nữ trong độ tuổi từ 16 đến 44, thông tin do Jack Sussman, giám đốc sản xuất của chương trình, nói với Hollywood Reporter. Điều này trái với suy đoán của nhiều người là đàn ông yêu thích chương trình này hơn phụ nữ.

Câu trả lời là: phụ nữ tìm thấy sự hứng thú khi xem chương trình và hình dung chính họ bỏ tiền ra (hoặc được tặng) những bộ đồ lót cao cấp này. Họ mơ ước, không chỉ bộ đồ lót thời trang, sở hữu thân hình có thể mặc được bộ đồ đó. Thành công hào nhoáng của Victoria’s Secret phản chiếu tâm lý con người.

Một quan niệm sai lầm khác là: trong chương trình trình diễn trực tiếp, các người mẫu không thể được “tút tát” kỹ càng như trong những bức ảnh tạp chí. Sai. Nhiều người mẫu của Victoria's Secret đã tiết lộ với báo chí: khi lên sàn diễn, họ “khuất sau” 8 lớp trang điểm dày dặn để che đi mọi khuyết điểm dù là nhỏ nhất. Năm ngoái, “thiên thần đầu đàn” Adriana Lima đã thoải mái tiết lộ chế độ ăn kiêng cực kỳ khắc nghiệt và chuyên nghiệp: trong những ngày cuối hầu như chỉ uống nước, đến 12 tiếng trước khi diễn tuyệt đối không ăn không uống.

Nhưng, các người mẫu đã không uổng công sức. Trung bình, mỗi người trong số họ được trả cát-sê 10.000 USD cho đêm diễn này.

Sức nặng của đôi cánh thiên thần

“Sức nặng” ở đây là theo nghĩa đen. Trong chương trình của Victoria’s Secret, chỉ những người mẫu nổi tiếng và trụ lại lâu năm nhất mới được khoác lên mình đôi cánh thiên thần, được gọi là các “thiên thần Victoria’s Secret” - những người ở đẳng cấp cao trong một chương trình đẳng cấp cao. Nổi tiếng nhất trong số đó là Miranda Kerr, Adriana Lima và Alessandra Ambrosio, đều là những người mẫu thuộc lớp “đàn chị” của hãng.

Người mẫu Joan Smalls than phiền sau đêm diễn 7/11: “Người ta nghĩ: Ồ, dễ thôi mà, nhưng thực ra rất khó để giữ được thăng bằng, độ vững vàng và phối hợp các bộ phận cơ thể”. Smalls phải đeo lên người đôi cánh nặng khoảng 9kg. Các người mẫu khác cũng không “nhẹ gánh” hơn là bao.

“Có rất nhiều áp lực khi phô bày thân thể trên sàn diễn”, người mẫu Doutzen Kroes chia sẻ với báo chí ở hậu trường sau khi đêm diễn hôm 7/11 ở Mỹ. “Tôi nghĩ mọi phụ nữ đều có lúc thiếu tự tin, kể cả chúng tôi” - người mẫu Brazil Isabeli Fontana nói - “Mọi người thường nói: Nhìn kìa, họ thật thon thả! Nhưng chúng tôi cần phải như vậy vì công việc. Họ không hiểu rằng chính vóc dáng của tôi cũng khiến tôi mất tự tin”.

Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm