Nghệ sỹ saxophone Trần Mạnh Tuấn: Chuyên nghiệp đối phó với rắc rối

08/04/2013 15:19 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Sở hữu 3 bản “hit”: Về quê, Hạ trắng, Bèo dạt mây trôi; bộ dạng lại nom “kỳ bí” tựa một tay… buôn đồ cổ, nhưng Trần Mạnh Tuấn nhất định không chịu nhận mình là một tay “buôn đồ cổ” throng âm nhạc. Càng không hề là một “tay mơ” khi chỉ sau hơn 10 năm “Nam tiến” là chủ sở hữu của một cơ số gạch đầu dòng đáng ghen tỵ: một quán bar khủng nằm trên đường Lê Lợi – một trong những con đường vàng tại TP. HCM, một phòng thu tại gia cũng vào hạng khủng và gần nhất là dàn nhạc Big Band lần đầu tiên có ở TP.HCM, tháng một lần diễn miễn phí trước Nhà hát Lớn thành phố vào ngày thứ Bảy đầu tiên của tháng, kể từ tháng 1 năm nay… Một lộ trình mà như anh nói là: “Túng thì phải tính và tính thì...!”

* Chả giấu gì anh là Tết rồi tôi cũng vừa vào Sài Gòn ăn Tết. Gặp một số bạn bè từng có cùng xuất phát điểm với mình, giờ đứng cách mình một trời một vực, tôi thấy… ân hận quá! Dường như cứ “Nam tiến” là “chắc thắng”?

- Với tôi thì có lẽ là đúng. Khi mà ở thời điểm tôi quyết định chuyển hẳn vào Sài Gòn, lúc đó là năm 2000, hẳn chị còn nhớ, đời sống âm nhạc ở Hà Nội chuyển động chậm chạp như thế nào. Trong khi đó, ở Sài Gòn, phòng trà nhiều vô kể và Tuấn thường xuyên được mời vào biểu diễn. Bay mãi rồi cũng mỏi cánh, muốn tìm một chỗ đỗ, để đỡ được tiền vé và đỡ phải xa gia đình, thế là chọn Sài Gòn làm bãi đáp, đơn giản vậy thôi!  


* Chứ không phải để được thoải mái làm “vua một cõi” sao?

- Không hề. Như đã nói, tôi rời chợ chính là vì chợ vắng. Thực sự là Hà Nội lúc đó quá ít việc. Đến năng nổ, chăm chỉ như Trần Mạnh Tuấn mà lúc đó chạy lèo phèo khắp nơi, hết dạy ở trường quốc tế đến trường quân đội mà cũng vẫn mãi không đủ tiền làm album, chưa kể còn phải lo cho vợ con…

* Nỗi lo “cớm nắng” mà không đáng sợ sao?

- Tuấn đã bao giờ biết sợ ai! Đến Tây còn… chả sợ, vì đã có lần “cả gan” biểu diễn cùng một “chú” Tây từng giành tới 10 giải Grammy! Nếu như không muốn nói: không bắt chước ai, không nề hà ai - đó là phương châm làm nghề của Tuấn.

Nếu sợ thì đã không có chuyện thâu đĩa không lời để bán, mà bán chạy đàng hoàng, và làm được một việc trước nay hiếm khi có trong giới chơi kèn: tạo ra những bản hit. Có album như Hạ trắng, Về quê thậm chí còn lập được kỷ lục phát hành mà ngay cả album bán chạy của các ca sĩ hạng sao ở ta cho tới nay cũng vẫn chưa phá được. 10 album chỉ biết lãi, chưa từng biết lỗ. Không tin bạn cứ hỏi Vafaco và Phương Nam Film thì biết! Vậy, tại sao lại phải sợ?

* Kể cũng lạ nhỉ, jazz khó sống ở Việt Nam là thế, vậy mà sao bao năm qua Trần Mạnh Tuấn vẫn sống tốt, là sao nhỉ?

- Ai bảo jazz khó sống chứ tôi không nghĩ thế! Đúng là công chúng Việt Nam chưa quen nghe jazz nhiều. Nhưng tại sao người ta vẫn chấp nhận bỏ cả một đống tiền, có thể nói là không thua kém gì mức cát-sê của bất cứ một ca sĩ hạng A, hạng A* nào ở Việt Nam.  Hay tương tự, là trả cho Tuấn một mức thù lao không nhỏ để thuê Tuấn dạy? Tại sao đêm diễn vừa qua của Tuấn, vé bán tới 1 triệu/chiếc, mà khán giả vẫn đông nghẹt? Khó sống hay không, vì vậy, là do mình.

* Vậy cách anh chinh phục là gì?

- Rất đơn giản. Ngoài bài bản, kỹ thuật, là điều đương nhiên không bàn tới nữa rồi, một khi đã là dân chơi chuyên nghiệp. Vậy thì cái hơn thua ở đây, chính là cảm xúc, là gu thẩm mỹ, sự tinh tế. Kèm một chút suy tính trong đó.

Để đi đúng con đường của mình, thì trước hết cần hiểu đúng công chúng của mình là ai, công chúng của mình có gì. Nếu cái công chúng có là số 0, thì cũng đừng vì thế mà nghĩ đến chuyện dễ dàng áp đặt họ, dù trong nghệ thuật, ít nhiều là có chuyện áp đặt. Vấn đề là anh đừng gây cho khán giả cảm giác họ bị áp đặt, khi quyết định đưa ra một cái mới. Người thông minh thì phải biết tìm ra phương pháp đó. Bằng không, thì đó là dại chứ chưa phải là khôn.

* Phương pháp đó là: “sang hóa” những thứ sến, và “sến hóa” những thứ sang, có phải?

- Why not (Tại sao không?). Thành phố buồn, chẳng hạn, chính xác là một ca khúc cực sến đúng không, nhưng hãy xem Tuấn đã “sang hóa” nó thế nào? Hãy tin đi, sẽ có lúc Tuấn sẽ ra một album tập hợp toàn bài sến, nhưng vẫn sang như thường. Vấn đề không phải tác phẩm đó thế nào mà là chúng ta sẽ thể hiện nó như thế nào mà thôi!

* Đó là lý do Việt Nam không hẳn hiếm những cây saxo chơi cừ, nhưng cho tới nay, vẫn chỉ có Trần Mạnh Tuấn có bản “hit” và có album tái bản, bán chạy?

- Ồ thì đương nhiên phải khôn thì mới sống được ở đất này, nghề này và sống tới giờ này chứ! Nhưng có khi, vấn đề cũng không hẳn là khôn hay dại, mà có chăng, chỉ là… khôn đúng hay khôn sai mà thôi!

* Vậy, giữa hai hành động chơi sang của anh: quán bar trên đường Lê Lợi - nơi không quán cà phê ca nhạc nào dám bén mảng, huống hồ là còn trụ được trong bằng ấy năm và mang cả một dàn Big Band xuống đường biểu diễn miễn phí hàng tháng, cái nào là khôn đúng, cái nào là khôn sai?

- Cái club ở Lê Lợi, nó là nơi xây dựng hình ảnh của mình, nên có những cái lãi, nó là gián tiếp. Còn vụ Big Band, thì đó chính là cái TP.HCM hiện nay đang thiếu, sau khi Hà Nội đã có Luala Concert và là cái Tuấn có thể làm cho nơi mình sống, khi đã thoát ra được khỏi mối lo cơm áo gạo tiền.


* Chứ không phải vì sau lưng anh luôn có những Mạnh Thường Quân sao - một trong những cái “thuận” lớn nhất của anh khi Nam tiến?

- Đúng là đã từng có những sự giúp đỡ hết sức vô tư, quý giá của những người bạn, người anh mà chỉ đơn giản là vì sự đồng cảm trong âm nhạc. Có người thậm chí còn từng âm thầm giúp đỡ Tuấn chỉ vì một câu nói của anh Trịnh Công Sơn với họ: “Anh có một người em mà anh nghĩ cũng có thể trở thành em của em được!”. Và ngay cả bây giờ, chỉ cần Tuấn mở lời, các anh cũng sẵn sàng.

* Tới lúc này, anh nghĩ khán giả của anh là ai? Phải chăng đó là những người đủ tiền và đủ trình để không… thèm mua đĩa lậu?

- Trước, thì chủ yếu là những người lớn tuổi, có tiền và có trình độ. Giờ thì không. Mà đêm diễn vừa qua là một minh chứng. Không ít trong số những khán giả chịu bỏ tiền ra mua vé xem Trần Mạnh Tuấn chơi jazz là những người trẻ. Vẻ như họ đang chán những gì quá quen tai vậy!

"Hãy tin đi, sẽ có lúc Tuấn sẽ ra một album tập hợp toàn bài "sến", nhưng vẫn "sang" như thường. Vấn đề không phải tác phẩm đó thế nào mà là chúng ta sẽ thể hiện nó như thế nào mà thôi"!

* Công chúng của anh thì trẻ ra, còn anh thì… già đi?

- Không già. Già thì làm sao dám lập cả một Big Band với hơn 30 nghệ sĩ, tháng một lần lôi nhau ra Nhà hát Lớn thành phố chơi nhạc miễn phí. Rồi thì mỗi tối, là chơi ở club tới khuya. Chưa kể, ba ngày cuối tuần, còn đi dạy… Chính xác tôi là người lao động rất hăng say. Và cũng chính xác là lao động đã giúp tôi trẻ ra.

* “Còn hai con mắt khóc người một con”. Còn anh thì ngược lại, còn một con mắt, thậm chí, một quả thận, nhưng nhất định vẫn không cho phép ai được cười mình, và vẫn làm việc như điên?

- Thì đấy, chính là nhờ niềm đam mê âm nhạc! Vả, đời Tuấn cũng đã quen với đủ mọi thăng trầm rồi, thêm hay bớt lúc này xem ra không là điều quan trọng nữa. Vậy sao mình phải băn khoăn làm gì? Làm được gì thì cứ làm thôi!

* Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn từng nói với tôi rằng: Mỗi khi anh ấy gặp một nỗi buồn, thì anh ấy thường tự an ủi mình rằng, ít ra mình còn có đủ hai tay, hai chân, có những người còn không có nổi những niềm hạnh phúc tối thiểu đó thì sao… Lời an ủi đó có vẻ… không áp dụng được vào anh?

- Tôi thậm chí còn tránh nhắc đến điều đó là khác. Dù khi điều đó được nói ra, trong một bối cảnh thích hợp nào đó, “hiệu ứng truyền thông” là trông thấy rõ: Nhiều người đã nhìn tôi bằng con mắt kinh ngạc vì họ gần như không tin tôi lại có thể làm được nhiều việc đến thế khi trong mình chỉ còn một quả thận, mà còn là quả thận được cho.

* Không ít ca ghép tạng đã phải đối diện với nguy cơ đào thải. Có rắc rối nào tương tự xảy đến với anh không?

- Đương nhiên là rắc rối có trừ một ai, không bị cái này thì cũng bị cái khác. Có chăng là có ông bị nhẹ, có ông bị nặng mà thôi. Nhưng thôi thì, đành “sống chung với lũ” vậy. Lũ đến thì bơi thôi, kệ! Cũng may, riêng về khoản đối phó với những ca rắc rối, làm phiền này thì tới giờ này mình đã chuyên nghiệp lắm rồi!

* FB của anh “tố cáo” rằng, bù vào thận, quả tim của anh xem ra còn đập rất khỏe. Bằng chứng là ngày 14/2 năm nay, anh vẫn… lãng mạn như thường?

- À đấy, sau hai mươi năm chung sống, vẫn lẫm liệt ôm hoa trao cho vợ như… hoa đám cưới, oách quá còn gì! Gì chứ riêng về khoản làm chồng thì Tuấn hơi bị cao điểm đấy nhé! Chơi nhạc khuya cách mấy, sáng hôm sau vẫn chăm chỉ dậy sớm cùng vợ đưa con đi học. Riêng “hạng mục” chung thủy thì đúng là cao vút. Cao đến mức độ… hơi bị “nhà quê”!

Thư Quỳnh(thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm