Minh Nhí gần ngũ thập mới... trưởng thành

07/10/2009 00:47 GMT+7 | Văn hoá

Sau vở Mẹ và người tình do Minh Nhí đạo diễn tại rạp Kim Châu (Sân khấu Phú Nhuận TP.HCM), mọi người đã nhìn Minh Nhí với đôi mắt khác. Thật sự anh đã trở thành con người khác hẳn, không chỉ trong nghệ thuật mà còn trong cả đời thường.

Tôi biết Minh Nhí từ năm anh mới tốt nghiệp khóa đạo diễn 1988 tại Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Bởi anh là đồng hương với tôi ở tỉnh Đồng Tháp, ngôi nhà của mẹ anh nằm gần chùa Bửu Quang (Sa Đéc) là nơi tôi thường lui tới thắp hương, tham dự những buổi học Phật. Sau này tôi còn biết cả người vợ đầu tiên của anh, chia tay anh, xuất gia, trở thành một sư cô mẫu mực, học tới chương trình Cao cấp Phật học, được giáo hội và Phật tử tin cậy. Bản thân Minh Nhí cũng có người chị ruột xuất gia, cả nhà đều rất tâm đạo. Lâu lâu, chị và sư cô nọ vẫn lên thăm anh ở ngôi nhà mới mua tại quận Bình Thạnh, vẫn hòa ái trong tình đồng đạo, vì anh đã là một mạnh thường quân cúng dường tăng ni thường xuyên. Minh Nhí bây giờ không giống chút nào so với Minh Nhí cách đây 4 năm…

Chảnh và hung dữ

Khi Minh Nhí vừa xong khóa đạo diễn, anh lập nhóm hài cùng với nhiều bạn bè, trong đó có Hữu Châu. Tôi vẫn ấn tượng về đôi bạn diễn này, một người lùn tịt, còn một người cao kều, đứng bên nhau càng tăng phần thú vị. Hễ họ xuất hiện là khán giả cười bò lăn, nên không mấy chốc mà họ trở thành “ngôi sao”, “danh hài”, chạy sô khắp các tỉnh, kiếm tiền như chơi. Rồi trường sân khấu mời Minh Nhí về dạy học suốt 12 năm. Rồi vài nơi mời dựng vở. Chính năng lực “diễn - dạy - dựng” ấy đã quay trở lại hại Minh Nhí. Anh kể không giấu diếm: “Tôi sinh ra chảnh và hung dữ. Ai làm tôi mích lòng là tôi đùng đùng trợn mắt, quát nạt: “Không thèm diễn! Gỡ hình tôi xuống đi! Gỡ băng-rôn, áp-phích xuống luôn! Đừng có đụng tới tên tôi!”. Thậm chí, tôi đi dạy mà sắm cây roi mây, rượt học trò chạy vòng vòng”. Nhưng lúc đó người ta vẫn phải chiều anh vì anh đang là “sao”, hái doanh thu cho họ.

Tây đen (Minh Nhí) trong vở Kỹ nghệ lấy Tây - Ảnh: H.Kim

Đến khi Minh Nhí hùn vốn với Quốc Thảo gầy dựng sân khấu số 7 Trần Cao Vân, bị thất bại, mất bao nhiêu tiền bạc, coi như một vố đau điếng. Rồi năm 2004, anh đi Mỹ, ở luôn cả năm để cưới vợ, không báo cáo. Năm 2005 về nước, anh bị kiểm điểm. Đưa giấy tờ nhà đất, hộ khẩu ra để chứng minh mình không hề có ý trốn đi, chỉ do cái tính bồng bột thích gì là làm ngay cho thỏa, Minh chỉ bị kỷ luật 6 tháng. Nhưng anh cũng mất biên chế dạy học tại trường, mất sân khấu để diễn, mất cả bạn bè. Anh khủng hoảng trầm trọng, và nhận ra một điều là thiên hạ ghét anh nhưng hồi anh còn thế thần thì họ không dám biểu hiện, giờ anh bị tai nạn họ mới dám bộc lộ thật lòng. Anh giận người, nhưng rồi sau những đêm nằm suy nghiệm đau đớn, anh quay sang giận mình, thấu hiểu. Anh lặng lẽ chịu đựng khúc quanh cuộc đời ấy, đóng cửa tự soi rọi tâm ý để sửa chữa, ăn năn.

Những bàn tay nâng đỡ, trị âm

Trong thời gian ấy, có hai người vẫn đưa bàn tay ra cho anh nắm lấy, không để anh rơi xuống vực - NSƯT Thành Lộc và NSƯT Hồng Vân. Hai tấm lòng chân thành, luôn động viên anh bình tĩnh, vượt qua. Hồng Vân còn nói: “Tôi hiểu Minh lắm, Minh ráng hết 6 tháng này rồi qua làm Phó giám đốc cho tôi”. Nhưng sau đó anh về IDECAF biểu diễn mấy năm, mãi đến 2008 mới chịu về Phú Nhuận. Và vở đầu tiên anh chào hàng tay nghề đạo diễn là Mẹ và người tình quả không phụ lòng tin cậy của Hồng Vân. Lúc nghe Vân nói: “Minh à, ông lớn rồi, phải kiếm bi kịch mà làm chứ đừng đóng hài hoài, uổng lắm”, thì anh cảm động vô cùng. Nhưng anh vẫn còn e dè, vì lâu quá mình đã bỏ bi kịch.

Minh Nhí trong một vở diễn - Ảnh:Đào Ngọc Thạch

Thật ra tôi biết Minh Nhí trong thời gian dạy học ở trường sân khấu chỉ toàn dựng các tiểu phẩm, biến đoạn, hoặc vở ngắn dưới hình thức bi kịch. Anh thường mời tôi đi xem học trò anh báo cáo. Tôi ngạc nhiên vì anh thích chọn chủ đề chiến tranh, bộ đội, lấy nước mắt người xem. Học trò anh có ông thầy chủ nhiệm hơi “trẻ con” hay rượt chạy và chửi mắng, nhưng bù lại cực kỳ nghiêm túc, bắt học trò làm chính kịch suốt năm, khi báo cáo thường đạt điểm cao. Hình như trong con người Minh Nhí có những mâu thuẫn kỳ lạ. Và chính điều đó mà bà bầu Hồng Vân với con mắt xanh nhìn người đã dám tin cậy anh, giao việc cho anh. Anh cười: “Nói thật, trong vở đó công lao của Hồng Vân rất lớn, vì tôi vốn chất Nam, mà vở thì chất Bắc, tôi phải nhờ Hồng Vân chăm chút. Có khi tôi và Vân ban đêm sực nhớ ra chi tiết, bèn gọi điện bàn thảo say mê. Sắp tới Vân còn sắp xếp cho tôi đóng hẳn một vai bi nữa. “Lệnh” của bà bầu mà chứa đựng bao nhiêu thân tình, tôi nhất quyết làm cho kỳ được để không phụ lòng Hồng Vân”.

Tìm lại thương yêu

Thật ra bây giờ Minh Nhí hạnh phúc không phải vì có chỗ làm ngon lành mà còn vì tình thương của mọi người dành cho mình. Sau những thăng trầm, tự nhiên tính tình anh thay đổi. Anh không la hét, không giận dữ như trước, mà biết cách ăn nói tế nhị, biết phân xử nhẹ nhàng với đồng nghiệp, đàn em. Nhiều hôm, Hồng Vân lặng lẽ quan sát Minh Nhí làm việc với diễn viên, rồi mỉm cười nói nhỏ: “Tôi thích ông Minh Nhí của bây giờ quá! Ông dễ thương ghê!”. Anh cũng không la cà đi ăn đi nhậu thâu đêm như trước, xong việc thì về nhà, mua đồ vừa ăn vừa xem phim. Anh từ chối những cuộc vui vì sợ ngồi lâu sinh… nhiều chuyện, đâm ra thị phi phiền phức. Ai phải ai quấy anh cũng cho qua, hết còn hung hăng thua đủ. Anh cười: “Mình 47 tuổi rồi, đâu bồng bột nữa. Bắt chước bà chị, thử tu thấy khỏe cả người!”. Gương mặt anh thật sự có nét hòa ái. Tâm thế nào thì hiện tướng thế ấy.

Hỏi anh về tình bạn với Anh Vũ, liệu hai “ngôi sao” ở chung có đụng nhau không? Anh hớn hở khoe: “Trời, tôi với Vũ bây giờ rất thân. Có chuyện gì buồn, Vũ gọi điện tâm sự với tôi, có khi nửa đêm mà hai đứa nói chuyện cả tiếng đồng hồ. Nhớ hồi xưa, tôi bị người ta “chọt”, rồi tôi hiểu lầm, ghét Vũ. Vũ không biết mình bị oan, cũng đâm ra ghét tôi. Chuyện xưa bỏ hết, thấy nhẹ lòng. Ngôi sao gì cũng không bằng tình thương với nhau”.

Minh Nhí giờ đã sống thanh thản. Anh bỏ tấu hài, bớt chạy sô, không ham kiếm tiền và kiếm danh như điên nữa. Anh chỉ chăm chút cho Kịch Phú Nhuận, thỉnh thoảng đóng phim, và được mời dạy kỹ thuật diễn xuất cho lớp đào tạo diễn viên của Công ty Lasta. Tiền vậy là dư xài, thời gian khít khao. Anh ngạc nhiên vì nhận ra mình yêu nghề sư phạm lạ lùng. Anh ước ao mình được trở lại trường Sân khấu dù là thỉnh giảng, không cần vô biên chế. Và anh còn chút ấm ức là bây giờ rất nhiều nghệ sĩ đã có thẻ xanh ở Mỹ nhanh chóng hơn anh nhưng họ vẫn được giải thưởng, được mời đóng truyền hình, còn anh vẫn bị những đơn vị nghệ thuật nhà nước gạt ra, thành kiến. Mà thôi, anh mỉm cười, cũng nhờ đó mà mình trưởng thành, điều đó mới thật là đáng quý trong đời.
 
Theo TNTS

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm