Rồng, tiên trong tâm thức Việt Nam

11/02/2024 17:29 GMT+7 | Văn hoá

Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, trong những truyền thuyết của người Việt Nam, chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, chuyện cha rồng, mẹ tiên đã lý giải sự hình thành dân tộc. Truyền thuyết rồng, tiên đã đi vào chính sử - Đại Việt sử ký toàn thư. Đó là một tiền đề quan trọng tạo nên sự bùng nổ hình ảnh rồng, tiên trong nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVI, XVII và XVIII.

Đặc biệt, trong những đồ án mỹ thuật xung quanh cặp hình tượng nghệ thuật rồng, tiên, sự ra đời và tồn tại của đồ án "tiên nữ cưỡi rồng" cho thấy khả năng sáng tạo bất ngờ, đặc sắc và nhân văn của người Việt Nam trong quá trình tiếp biến và đối thoại với các nền văn minh khác từ bên ngoài.

Nhân năm Rồng, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế về một trong những biểu tượng văn hóa đặc sắc nhất của người Việt Nam.

Từ biểu tượng sinh thành dân tộc

* Xin được bắt đầu cuộc trò chuyện với cuốn sách "Tinh hoa mỹ thuật truyền thống - Hình tượng Tiên nữ" (NXB Giáo dục Việt Nam, 2022). Trong cuốn sách này, ông và các cộng sự đã tiếp cận hình tượng tiên nữ trong kho tàng mỹ thuật Việt Nam truyền thống một cách đa diện, từ góc nhìn liên văn hóa. Trong đó, có những phát hiện khá đặc biệt về mối liên hệ giữa rồng và tiên trong các đồ án mỹ thuật. Xin ông cho biết rõ thêm về sự kết hợp của cặp hình tượng nghệ thuật này?

- Câu chuyện rồng và tiên có những thời điểm hoàn toàn tách biệt với nhau. Thế nhưng, cũng có những thời điểm chúng gắn kết với nhau. Sự gắn kết này có thể thấy rất cụ thể thông qua cuộc hôn phối trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Nhìn rộng ra, ở góc độ biểu tượng, đây gần như là một lý giải về sự sinh thành dân tộc.

Thực tế, biểu tượng này xuất hiện cũng không quá sớm nếu lấy mốc truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ được ghi vào chính sử Việt Nam lần đầu vào năm 1479, trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, do sử gia Ngô Sĩ Liên biên soạn theo lệnh của vua Lê Thánh Tông, thời Hậu Lê. Mặc dù câu chuyện này đã xuất hiện ở dạng dã sử trước đó, nhưng việc nguồn gốc cha rồng mẹ tiên được chuẩn định trong quốc sử dưới thời Lê Thánh Tông - vị vua có công với sự phát triển, chấn hưng Nho giáo - lại đặt ra một vấn đề khá lạ, bởi tinh thần của Nho giáo vốn không đề cao những câu chuyện hoang đường.

Cũng cần nói thêm, mặc dù rồng tiên được xuất hiện trong chính sử, nhưng chúng ta không hề thấy một hình ảnh nào cho thấy câu chuyện kỳ ảo này được cụ thể hóa bằng đường nét, màu sắc ngay ở thời Lê sơ. Đáng nói, chỉ sau đó không lâu, vào thời Mạc và thời Lê Trung Hưng, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ của hình tượng rồng, tiên trong nghệ thuật điêu khắc.

Rồng, tiên trong tâm thức Việt Nam - Ảnh 1.

Sách “Tinh hoa mỹ thuật truyền thống - Hình tượng Tiên nữ” (NXB Giáo dục Việt Nam) của nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế, Trần Trung Hiếu, Lê Thị Liễu, Trần May

* Theo ông, sự bùng nổ của hình tượng rồng, tiên trong nghệ thuật điêu khắc giai đoạn về sau có thể được giải thích như thế nào?

- Ở đây, theo ý kiến của cá nhân tôi, có thể lý giải rằng, biểu tượng rồng, tiên, ngoài ý nghĩa giải thích nguồn gốc của dân tộc, còn có yếu tố chữa lành, gắn kết và hòa giải.

Chúng ta cùng nhìn lại bối cảnh lịch sử, thời Mạc và thời Lê Trung Hưng là giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh. Sự xuất hiện của hình tượng rồng, tiên như một ước nguyện của người dân muốn có sự gắn kết trở lại. Bản thân trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ cũng chứa đựng ý nghĩa sâu xa này. Đó là vào những hoàn cảnh khốn khó, chia xa cũng là lúc cả cha và mẹ xuất hiện trong cảnh đoàn viên, hạnh phúc cùng những đứa con.

Minh chứng trong thực tế, ở các chạm khắc đình, đền, chùa đã xuất hiện một hoạt cảnh rất vui cho ngụ ý này là cảnh rồng và tiên sum họp, đoàn tụ. Rõ hơn là cảnh tiên cưỡi rồng. Đây có thể nói là hoạt cảnh tuyệt đẹp, náo nức và cực kỳ lãng mạn.

Cụ thể, có thể kể tới câu chuyện về tấm bia ở đình Thổ Ngõa (Quốc Oai, Hà Nội). Tấm bia này ghi lại chuyện dân làng thắng kiện đòi lại được một phần đất đã mất về làng bên. Bia được lập ngày 17 tháng 8 năm Thịnh Đức thứ 5 (1657) ngay sau khi dân làng thắng kiện. Thú vị là tấm bia này có hình ảnh nàng tiên cưỡi rồng phô trần đôi gò bồng đảo.

Rồng, tiên trong tâm thức Việt Nam - Ảnh 3.

Bản vẽ Tiên nữ cưỡi rồng đình Viên Đình, Hà Nội. Tác giả: Trần Hậu Yên Thế

Bia đá kể rằng, người xã Sơn Lộ, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai khải bẩm rằng: bị thôn Thổ Ngõa, xã Tiên Lữ cưỡng tranh đất bờ ruộng ở xứ Đê Đốt và đất dưới chân núi Mai Lĩnh mà Thừa ty Nha môn của bản phủ nhận tiền rồi xử thiên vị. Sau quan nha phát hiện ra trong sổ địa bạ đã ghi khu đất đó từ xưa đã thuộc về người thôn Thổ Ngõa, nên quan đã xử cho họ thắng kiện. Hẳn trong ngày vui thắng kiện, đòi lại được đất đai và danh dự, người dân Thổ Ngõa nghĩ đến ân đức tổ tiên mà hồ hởi tạc lên trán bia hình tiên cưỡi rồng.

Ví dụ về tấm bia ở đình Thổ Ngõa là một câu chuyện cụ thể, có những số phận cụ thể, suy đoán một cách không khiên cưỡng thì hình ảnh tiên cưỡi rồng múa hát bay bổng trong trường hợp này đại diện cho sự tươi vui, sung sướng.

Như vậy, thông qua hình ảnh này, càng thấy rõ ngoài ý nghĩa sâu xa về cội nguồn dân tộc, hình ảnh tiên, rồng còn mang ý nghĩa rất cụ thể về mặt biểu tượng của sự chữa lành, gắn kết và hòa giải. Hay nói cách khác, có niềm vui sẽ có hình tượng rồng tiên. Nó trùng hợp với truyền thuyết rồng tiên sum họp trong cảnh hạnh phúc. Như vậy, hình ảnh rồng, tiên còn đại diện cho ước nguyện của dân tộc, giống nòi không bị chia cắt, phân tranh.

Rồng, tiên trong tâm thức Việt Nam - Ảnh 4.

Tiên cưỡi rồng trên bia Thổ Ngõa (Quốc Oai, Hà Nội)

Đến sự biến đổi đa biểu tượng

* Ông có nhắc tới một hình tượng khá đặc biệt đó là tiên nữ cưỡi rồng. Xin ông cho biết thêm về đồ án này?

- Cùng niên hiệu Thịnh Đức của tấm bia ở đình Thổ Ngõa, có thể như bức chạm trên trán bia Nam mô A Di Đà Phật, chùa Keo, Nam Định (1670), bia Chiêu Thiền tự, niên hiệu Thịnh Đức thứ 4 (1656), chùa Láng, Hà Nội cũng là những tấm bia trong chùa có hình tiên cưỡi rồng tuyệt đẹp. Đặc biệt so với tấm bia đình Thổ Ngõa, bia Chiêu Thiền tự cùng là 2 tấm bia có hình tiên nữ cưỡi rồng khoe đôi gò bồng đảo, nhưng ở trên tấm bia chùa Láng, tiên nữ tuy ngực trần, nhưng không khắc đầu ti.

Xét về mặt niên đại trên những hiện vật hiện còn, đồ án tiên cưỡi rồng xuất hiện sớm trên bia ký ở chùa. Đáng nói, cả trường hợp bia chùa Keo và chùa Láng có đồ án này đều là chùa theo khuynh hướng Mật tông. Trong khi Phật giáo Mật tông lại có đặc điểm đề cao tính nữ. Đặc điểm này cho phép yếu tố âm được đặt trên yếu tố dương, đề cao vai trò của phụ nữ. Dễ thấy, chân dung của các vị bồ tát theo khuynh hướng Mật tông bao giờ cũng có một khuôn mặt thanh tú mang tính nữ rất rõ.

Ở đây, xét về mặt niên đại như vậy, có thể nói uyên nguyên thầm kín chi phối hiện tượng tiên cưỡi rồng có liên quan đến sự ảnh hưởng của Phật giáo Mật tông. Xét trên phạm vi rộng, đồ án tiên cưỡi rồng còn tìm thấy nhiều ở đình, đền, nhưng hiện chưa tìm thấy một đồ án nào sớm về mặt niên đại trên bia hơn ở chùa.

Chưa kể, đồ án tiên nữ cưỡi rồng ở đình Thổ Ngõa hay ở chùa Láng còn để cả ngực trần cho thấy ý nghĩa táo bạo của hình tượng. Bởi, trong xã hội phong kiến, do ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo khiến hình ảnh người nữ để ngực trần đã hiếm xuất hiện, đây lại là hình ảnh tiên nữ để ngực trần cưỡi rồng càng trở nên đặc biệt.

Cũng cần nói thêm, trong nghệ thuật Việt, đặc tính trào lộng còn thể hiện rất rõ, thậm chí ở một chừng mực nào đó còn là sự giễu nhại. Từ khía cạnh này, hình tượng rồng tiên không chỉ thuần túy còn ở trạng thái kính ngưỡng. Sự trào lộng thể hiện rõ ở những đồ án tiên cưỡi rồng được tạo hình theo cấu trúc "chính diện long" ((hình tượng rồng nhìn thẳng từ phía trước - PV). Kiểu tạo hình ảnh này mang lại cảm giác nàng tiên đè đầu cưỡi cổ rồng. Ở đây cho thấy vị thế của tiên nữ rất mạnh. Trong khi đồ án "chính diện long" vốn chỉ được dùng cho các bậc đế vương và xuất hiện ở cung vua, phủ chúa.

Rồng, tiên trong tâm thức Việt Nam - Ảnh 5.

Tiên cưỡi rồng trên bia Chùa Keo (Nam Định)

* Như vậy, đồ án tiên nữ cưỡi rồng đã có sự biến đổi về tạo hình, sâu xa hơn là những nội hàm văn hóa hướng đến đa biểu tượng?

- Trường hợp tạo hình vô tiền khoáng hậu của hình tượng tiên nữ cưỡi rồng thế kỷ XVI, XVII, XVIII có thể do thời kỳ này Nho giáo suy yếu và cũng là thời cơ để các lễ tục, lề thói thôn quê trỗi dậy. Sự hỗn loạn, suy yếu của chính thể phong kiến, của tầng lớp thống trị khiến cho tự do làng xã trào lộng đến mức quá đà đặc biệt vào giai đoạn cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỉ XVIII.

Ở đây, phải rành mạch và tường minh một vấn đề, trong giai đoạn đầu xuất hiện, đồ án này là một biểu tượng thuần khiết về giống nòi nên tuyệt đại đa số là tạo hình rồng nằm ngang. Chỉ đến giai đoạn về sau tương ứng với thời Lê mạt suy tàn với những rối ren của triều đình, biến động xã hội đã để lại dư âm trên đồ án tiên cưỡi rồng với tạo hình "chính diện long" mang âm hưởng trào lộng, giễu nhại.

Minh chứng rõ nhất có thể kể đến bức chạm tiên nữ cưỡi rồng ở đình Thắng vào thế kỷ XVII, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là hình ảnh rất táo bạo với tạo hình tiên nữ dùng hai tay nâng bầu ngực rất độc đáo, hiếm có trong nghệ thuật người Việt Nam.

Với hình tượng táo bạo như vậy, vẫn chưa có cách giải thích nào ngã ngũ. Chỉ có thể nói, những đồ án tiên nữ cưỡi rồng để ngực trần được tạo ra hoặc do sự ghìm nén dữ dội của bối cảnh xã hội, hoặc do sự phóng khoáng gần như một thiên tính của người Việt với đặc tính trào lộng cũng phổ biến trong nhiều hình thức nghệ thuật dân gian khác.

Tóm lại, tạo hình cũng như ý nghĩa văn hóa của đồ án tiên nữ cưỡi rồng có sự thay đổi tuần tự. Ở giai đoạn đầu xuất hiện, đồ án này mang ý nghĩa thiêng liêng, thành kính của biểu tượng sinh thành, giống nòi dân tộc. Khi ấy, tiên nữ cưỡi rồng phần lớn có tạo hình ngay ngắn, bay bổng, có thể nói đẹp một cách lãng mạn.

Giai đoạn tiếp sau, đồ án tiên nữ cưỡi rồng mang ý nghĩa chữa lành, niềm vui của một biểu tượng hạnh phúc. Đến giai đoạn cuối, đồ án tiên cưỡi rồng lại mang tinh thần trào lộng, giễu nhại. Lúc này, con rồng gần như đồng nghĩa với tầng lớp thống trị phong kiến và tiên nữ giống như một thế lực có khả năng trấn áp vương quyền, mang ý thức phê phán, châm biếm rõ nét. Ở khía cạnh này, những cấp độ ý nghĩa của biểu tượng tiên nữ cưỡi rồng có ít nhiều liên quan đến yếu tố thời đại.

Rồng, tiên trong tâm thức Việt Nam - Ảnh 6.

Tiên cưỡi rồng, chạm khắc đình Thắng, thế kỷ XVII, thuộc sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Quyền uy, linh thiêng, nhưng cũng rất nhân từ

* Với ý nghĩa châm biếm vương quyền như ông đề cập, phải chăng đồ án tiên nữ cưỡi rồng chỉ có thể xuất hiện ở các thiết chế làng xã, thôn quê, cụ thể là ở các chạm khắc đình, đền, chùa thay vì xuất hiện ở các thiết chế triều đình phong kiến?

- Mặc dù Toàn thư đã đưa hình tượng rồng, tiên vào chính sử, nhưng qua tìm hiểu di tích khảo cổ ở Hoàng thành Thăng Long, hay khảo sát ở các di tích thời Lê sơ ở Lam Kinh Thanh Hóa, tuyệt nhiên không thấy bất cứ đồ án rồng, tiên nào. Do vậy, có thể nói đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn tin rằng, hình tượng rồng, tiên chưa được phép xuất hiện trong các đồ án mỹ thuật thuộc về tầng lớp thống trị phong kiến. Điều này cũng dễ hiểu khi tầng lớp thống trị đương thời khi ấy đang bị ý thức hệ Nho giáo chi phối sâu nặng.

Thế nhưng có một điều khá lạ, đó là tuy hình tượng rồng, tiên không xuất hiện trong trang trí kiến trúc, nhưng trong thơ ca, trong các diễn ngôn thời Nguyễn thì biểu tượng rồng, tiên vẫn xuất hiện. Năm 1914, Nguyễn Huy Hổ đã viết hai câu đối trên đền Thượng (đền Hùng): "Non nước cao sâu, tưởng bóng long, tiên còn thoáng đó/ Khói hương ngào ngạt, động lòng sơn hải biết yêu nhau".

Như vậy để thấy rằng, tuy thời Nguyễn có thể không cho phép xuất hiện hình tượng rồng, tiên trong trang trí kiến trúc, nhưng những câu đối, diễn ngôn liên quan đến rồng, tiên vẫn được duy trì cho thấy tâm thức về cha rồng, mẹ tiên đã đi sâu vào văn hóa người Việt.

Rồng, tiên trong tâm thức Việt Nam - Ảnh 7.

Tiên nữ cưỡi rồng trên tấm bia Chiêu Thiền tự tạo lệ bi ở chùa Láng (Hà Nội)

* Nói rộng ra, sẽ không sai khi khẳng định con rồng là một biểu tượng đặc biệt quan trọng trong văn hóa của người Việt Nam?

- So với các nước lân bang, điển hình là các triều đại phong kiến Trung Hoa từ rất sớm đã thâu dụng và độc chiếm hình ảnh rồng, nâng nó lên thành một biểu tượng cho vương quyền tối cao kể từ thời Hán. Đối chiếu với văn hóa Việt Nam, con rồng không hề cực đoan như vậy, mặc dù rồng cũng được các bậc đế vương thu lấy về mình. Điều này được minh chứng cụ thể qua hình tượng tiên nữ cưỡi rồng xuất hiện tuy muộn trong mỹ thuật Đại Việt nhưng lại tỏa sáng suốt ba thế kỷ XVI, XVII và XVIII.

Mặt khác, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra và thống nhất rằng người Việt Nam sùng ngưỡng biểu tượng rồng. Con rồng đối với người Việt ở một chừng mực nào đó vẫn có sự thân thuộc mà không bị kéo quá xa về phía triều đình phong kiến. Đặc biệt, trong mỹ thuật người Việt, nhất là mỹ thuật ở làng, con rồng của muôn nhà. Nó là con vật quyền uy nhất, linh thiêng nhất nhưng cũng rất nhân từ với tâm thức tiên là mẹ, rồng là cha.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

"Trong mỹ thuật người Việt, nhất là mỹ thuật ở làng, con rồng của muôn nhà. Nó là con vật quyền uy nhất, linh thiêng nhất nhưng cũng rất nhân từ với tâm thức tiên là mẹ, rồng là cha" - nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm