Quý Phước nhưng không có phước

05/07/2012 09:39 GMT+7 | Thể thao

Thông tin Hoàng Quý Phước không được tham dự Olympic London khiến nhiều người hâm mộ thể thao “choáng”, bởi trước đó Phước được coi như một ngôi sao mới của bơi lội Việt Nam, vượt xa các đàn anh, đàn chị trong việc tiệm cận với thành tích bơi lội của thế giới!

Hôm qua, phía liên đoàn Bơi lội Việt Nam đã chính thức xác nhận Phước “hết cửa” đến Olympic London. Việc Quý Phước không được tham dự Olympic London, theo liên đoàn, là do số lượng vận động viên đoạt chuẩn A khá nhiều nên số lượng vận động viên chuẩn B được liên đoàn Bơi lội thế giới (FINA) lựa chọn đến London chỉ dừng lại ở con số 157, bằng cách lấy theo thứ tự từ cao đến thấp.

Số lượng nghe có vẻ nhiều nhưng kỳ thật, mỗi nội dung được chọn không quá sáu người.



Qúy Phước phải ở nhà dù được kỳ vọng là niềm hy vọng của bơi lội VN tại Olympic chứ không phải Ánh Viên

Quý Phước được phía Việt Nam đăng ký tham dự ở nội dung bơi bướm, tiếc thay khi so thành tích, Phước chỉ có thể xếp hạng 18 ở nội dung 100m bướm.

Điều đáng nói là sau thành công rực rỡ ở SEA Games, được mọi người hâm mộ động viên, Phước dường như chỉ “nổi tiếng” với các vụ lùm xùm tranh cãi thay vì những thông tin tốt lành quanh việc cải thiện thành tích.

Vận động viên Li Tao của Singapore, người từng bại trận trước Hoàng Quý Phước tại SEA Games, ngược lại, đã có tên trong bản danh sách do FINA công bố.

Khu vực Đông Nam Á chỉ có năm vận động viên đạt tiêu chuẩn tham dự Olympic qua cửa chính gồm: Josep Schooling (Singapore, chuẩn A), Li Tao (Singapore, chuẩn B), Sudatarwa I Gede (Indonesia, chuẩn B), Ketin Nuttapong (Thái Lan, chuẩn B), và Nguyễn Thị Ánh Viên (chuẩn B).

Ánh Viên đứng thứ năm trong số sáu vận động viên được chọn nhờ thành tích 2 phút 13 giây 84 ở nội dung 200m ngửa tại giải vô địch Đông Nam Á 2012, đứng trên vận động viên Yulduz Kuchkarova (Uzbekistan, 2 phút 14 giây 18).

Thật ra, chuyện Quý Phước phải ở nhà sau khi là sự kỳ vọng số một của Việt Nam ở môn bơi lội chứ không phải Ánh Viên, ngoài lỗi của Phước, còn là lỗi yếu kém trong việc quản lý.

Trách Phước “bay”, Phước có biểu hiện “ngôi sao” thì quá dễ. Nhưng rõ ràng, việc các huấn luyện viên tranh cãi để tạo ảnh hưởng cũng như dễ gắn công trạng của mình với thành tích của Phước sau này, khiến chuyến đưa Phước sang Mỹ tập huấn để nâng cao thành tích trở thành thảm hoạ.

Cũng vì sự tranh cãi của “lắm thầy” mà ngay giải bơi Indianapolis Grand Prix, giải đấu để các “kình ngư” nâng cao thành tích, diễn ra ngay tại Mỹ trong thời gian Phước đang tập huấn tại đó, nhưng Phước đã không được đăng ký thi đấu.

Giải thích chuyện này, ông Đặng Anh Tuấn, huấn luyện viên trưởng đội tuyển bơi lội Việt Nam đã cho rằng “vô tình bỏ quên” (!?) Sau đó, mọi việc càng trở nên nghiêm trọng hơn khi “thầy ruột” của Phước là ông Tấn Quảng, người đã có xích mích với “các thầy Hà Nội” đã xin cho Phước chuyển hướng sang tập huấn tại Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của Đà Nẵng.

Các chuyến tập huấn nước ngoài đầy tốn kém của Phước biến thành nơi để người lớn đấu nhau, Quý Phước cũng bị lôi vào cuộc đấu giữa những ông thầy để rồi thay vì tập trung vào chuyên môn, Quý Phước đành “dậm chân tại chỗ” nếu không muốn nói là thành tích đang có dấu hiệu xuống dần – theo những thông số tập luyện gần đây cho thấy.

Nhiều người cho rằng, Quý Phước đã không có phước khi có quá nhiều người muốn gắn tên mình vào thành tích của Phước là vì vậy.

Theo SGTT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm