19/01/2013 08:24 GMT+7 | Trong nước
Giới chức Bắc Kinh hiện đang muốn tái tạo lại một phần lịch sử triều đại đầy huy hoàng của Trung Quốc, bằng cách tái xây dựng một quảng trường mang phong cách của nhà Thanh trong thế kỷ 18, nằm rất gần với công trình Chung Lầu và Cổ Lầu nổi tiếng.
Phá di sản thật để xây di sản nhái
Để làm vậy, người ta sẽ phải phá hủy hàng chục ngôi nhà có sân trong kiểu cổ, vốn được các chuyên gia bảo tồn đánh giá đã trở thành một phần của lịch sử văn hóa và đang biến mất nhanh trong làn sóng xây dựng ở Bắc Kinh.
Bởi những hoạt động tân trang diễn ra gần đây, có rất ít các ngôi nhà này còn được xem là "cổ". Nhưng chúng lại nằm quanh các con hẻm được gọi là hutong ở Trung Quốc. Về cơ bản, hutong là những con hẻm nhỏ được xây theo cấu trúc dọc ngang như bàn cờ, chỉ xuất hiện tập trung ở Bắc Kinh đã có niên đại hàng thế kỷ.
Dọc theo hutong, một lối sống cũ vẫn hiển hiện rõ ràng. Đó là những nhà chơi mạt chược, những phần sân các gia đình chung nhau, những chỗ phơi quần áo... nổi bật lên trong khung cảnh của các tòa cao ốc chọc trời.
Kế hoạch phá bỏ các ngôi nhà cổ để thiết kế lại khu vực thành một công trình có dáng dấp lịch sử đã khiến nhiều nhà nghiên cứu phẫn nộ. Họ xem đây như việc hoán đổi một phần lịch sử có thực và đang tồn tại của Bắc Kinh với một cái gì đó mang tính "giả lịch sử".
"Họ muốn khôi phục Chung Lầu và Cổ Lầu trở lại thời nhà Thanh còn phồn thịnh" - He Shuzhong, sáng lập viên Trung tâm bảo tồn Di sản Văn hóa Bắc Kinh nhận xét - "Nhưng khi làm vậy, họ sẽ phá hủy một kho tàng di sản văn hóa khác hết sức giàu có. Chúng tôi tin rằng bảo vệ di sản văn hóa đồng nghĩa tới việc kế thừa, tích lũy. Đó là một tiến trình lịch sử".
Khu phố cổ nằm gần Chung Lầu và Cổ Lầu sắp bị "dọn sạch" để phục dựng quảng trường thời Thanh |
"Không có giá trị văn hóa lịch sử"
Dominic Johnson-Hill, một doanh nhân Anh đã có 9 năm sống ở khu vực quanh Chung Lầu và Cổ Lầu nói rằng hutong là một dạng bảo tàng sống của Trung Quốc, hoặc chí ít cũng là của khu vực Bắc Kinh.
"Nếu anh tới Tử Cấm thành, nơi này sẽ tạo cho anh cảm giác hơi trống trải, giống nhiều địa điểm văn hóa khác. Nhưng khi anh tới một hutong, anh sẽ cảm thấy như mình đang ở trong một khu vực tuyệt vời nhất của Bắc Kinh còn sót lại tới nay" - Johnson-Hill nói.
Chung Lầu và Cổ Lầu được xây dựng lần đầu vào năm 1272 để thông báo thời gian và trong nhiều thời điểm của lịch sử, quảng trường quanh nó đã là một khu chợ sầm uất. Ngày hôm nay chuyện hoàn toàn khác. Các ngôi nhà quanh chúng rơi vào cảnh đổ nát xiêu vẹo, còn các hutong cũng xuống cấp nghiêm trọng.
Chỉ có ít du khách đi qua các hutong trong khu này, còn người địa phương mang theo các giỏ đi chợ, một số thi thoảng dừng lại để đọc các thông báo về việc những ngôi nhà nào sẽ bị phá hủy.
Được biết một kế hoạch phá hủy các ngôi nhà đã từng được thảo ra hồi năm 2009. Khi đó người ta muốn xây một khu chợ ngầm trong khu vực. Tuy nhiên thời điểm đó, kế hoạch đã vấp phải sự phản đối từ nhiều nhóm bảo vệ quyền dân sự và cả các cư dân ở khu phố cổ.
Nhưng giờ đây, một kế hoạch ít tham vọng hơn lại được người ta thảo ra. Chính quyền quận Dongcheng, nơi quản lý khu phố cổ, nói rằng sẽ khôi phục quảng trường trở lại "trạng thái nguyên thủy" thông qua việc sử dụng các bản đồ vẽ dưới thời Càn Long trong thế kỷ 18 và các giai đoạn trước đó.
Song trong khi kế hoạch chưa ngã ngũ, cư dân ở khu phố cổ đã nhận được lệnh di dời từ tháng 12 năm ngoái. Theo Liu Jingdi, một thành viên cơ quan bảo tồn lịch sử quận Dongcheng, việc phá hủy các ngôi nhà cổ cũng chẳng gây thiệt hại lớn lắm về mặt văn hóa. Ông chỉ ra rằng ngôi nhà cổ nhất sẽ bị phá hủy đã được xây trong giai đoạn 1911-1949. Nhưng phần lớn các ngôi nhà khác đã đã được xây mới sau những năm 1970. Liu nói rằng các ngôi nhà này "không có giá trị lịch sử". Ông cũng khẳng định hoàn toàn không có giá trị di sản văn hóa nào trong khu vực rộng 4.700m2 sẽ bị phá hủy.
Theo giới chức địa phương, không gian sống trung bình của các hộ gia đình ở đây chỉ là 20m2/ hộ và nguy cơ cháy nổ là rất cao. Nhiều ngôi nhà được làm từ gỗ và các hutong với chiều rộng chỉ 3 mét khiến xe cứu hỏa khó tiếp cận để dập lửa.
Theo Li Quanghui, quan chức phụ trách nhà đất ở Dongcheng, những người nhận lệnh di dời sẽ được tái định cư ở các chung cư lớn hơn nằm cách xa hơn một chút so với trung tâm thành phố. Những người cơi nới trái phép thêm tầng 2 và tầng 3 ngôi nhà của họ sẽ không được bồi thường.
Theo chính quyền, dự án sẽ nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân, đồng thời bảo vệ diện mạo lịch sử của khu vực. Tuy nhiên các chuyên gia di sản văn hóa lại không đồng tình. Họ nói rằng các ngôi nhà cổ nên được tu sửa, chứ không phải bị phá hủy.
"Chúng tôi tôn trọng nơi này bởi nó chứa bên trong quá nhiều giá trị lịch sử, quá nhiều câu chuyện, quá nhiều sự tưởng tượng" - He nói - "Người ta chỉ nghĩ được rằng đây là một nơi đã xuống cấp, bẩn nhất, bừa bộn nhất của Bắc Kinh và làm xấu bộ mặt phát triển của Bắc Kinh. Trong đầu họ, Bắc Kinh phải là một nơi to lớn, mới mẻ và sáng lấp lánh".
Các hutong có nguy cơ "tuyệt chủng"
Trong ví dụ minh họa rõ nhất, một cộng đồng hutong ở phía Nam Tử Cấm thành và quảng trường Thiên An Môn đã bị ủi sạch để dọn đường cho các cửa hàng mới, dưới hình hài các kiến trúc cổ, mọc lên. Giới bảo tồn đã kinh hãi khi biết rằng nơi này được xây mới hoàn toàn bằng vật liệu hiện đại thay vì tái sử dụng các vật liệu cổ và giờ đã biến thành một trung tâm bán đầy hàng hiệu, thay vì một điểm bảo tồn di sản văn hóa. Giới chức Dongcheng tuyên bố Chung Lầu và Cổ Lầu sẽ không trở thành một phố thương mại và rằng các khu vực xung quanh đó vẫn có dân ở. Nhưng những người nằm trong khu vực quảng trường sẽ phải lập tức rời đi. Với nhiều người, sự thay đổi này là tín hiệu đáng mừng, bởi họ đã muốn dọn đi từ lâu. Song với những cá nhân như Johnson-Hill, được sống quanh các hutong, được cảm nhận không khí cộng đồng mới là điều tuyệt vời nhất. Gia đình ông từng sống chung sân với 4 gia đình Trung Quốc. Nhưng giờ tất cả đều phải dọn đi. "Những gia đình đó đã giống như một gia đình lớn của chúng tôi. Con cái chúng tôi thường ghé vào nhà họ trước khi chúng về nhà mình" - ông thổ lộ - "Những ngày tuyệt vời nhất trong đời tôi chính là những ngày được sống gần các hutong như thế". |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất