Tìm thấy hầm mộ của bạo chúa nhà Tùy

30/11/2013 13:35 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tùy Dạng Đế (569-618), là một trong những bạo chúa khét tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Mới đây, các nhà khảo cổ nước này đã tìm thấy hầm mộ được cho là của ông ở thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô.

Thực ra, hầm mộ này được tìm thấy từ hồi tháng 4, song phải tới gần đây các nhà khảo cổ hàng đầu Trung Quốc mới khẳng định nó thuộc về Tùy Dạng Đế, tên thật Dương Quảng. Đây là vị hoàng đế thứ hai, đồng thời là cuối cùng, trong triều đại nhà Tùy ngắn ngủi (581-618).

Hai mặt của một bạo chúa

Tùy Dạng Đế trị vì Trung Quốc trong khoảng 14 năm. Theo tư liệu lịch sử, ông này là một người thông minh, có tài văn chương. Ông để lại hơn 40 bài thơ. Sau khi đọc Tùy Dạng Đế tập, Đường Thái Tông khen ngợi là “văn chương uyên bác”.

Trong triều đại của mình, Tùy Dạng Đế đã xây dựng được nhiều công trình lớn, gồm Đông Đô Lạc Dương. Ông còn cho xây Trường thành, đào hào Đại Vận Hà, xây kho, xây thành Đại Hưng ở Trường An. Ông chính thức lập ra hệ thống thi cử nhằm chọn ra người tài phục vụ chính quyền phong kiến ở Trung Quốc. Hệ thống này kéo dài khoảng 1.300 năm. 

Tùy Dạng Đế. Tranh của Diêm Lập Bản

Nhưng ngoài những ưu điểm ít ỏi đó, Tùy Dạng Đế là người ăn chơi sa đọa, thích gì làm nấy, huênh hoang, tự đắc. Việc xây dựng Đông Đô, sửa kênh đào, đắp thành quách còn có ý nghĩa nhất định về mặt chính trị, kinh tế, quân sự, nhưng đại tu cung thất, vườn hoa hoàn toàn chỉ để phục vụ lạc thú.

Trong mỗi hạng mục công trình, ông đều ép buộc khẩn trương về thời gian, không đếm xỉa gì đến thời vụ nông nghiệp, phá hoại nghiêm trọng việc sản xuất. Công trình Đông Đô to lớn như thế mà thời hạn hoàn thành không đến một năm, nhân công mỗi tháng cần hơn 2 triệu người. Do đôn đốc lao dịch quá gấp gáp, khắt khe nên phu dịch cứ 10 người thì chết đến 4-5, đội thu xác chết phải làm việc không ngơi nghỉ.

Hầu hết sử gia Trung Quốc đều cho rằng, tính cách bạo ngược của Tùy Dạng Đế đã khiến nhà Tùy giàu có nhanh chóng đi đến lụi bại, diệt vong.

Thông tin nhận dạng khớp với sử sách

Khai quật mộ Tùy Dạng Đế, di hài ông chỉ còn lại 2 chiếc răng. Tiến hành nhận dạng răng, các chuyên gia biết được chủ nhân của chúng là một người khoảng 50 tuổi, đúng tuổi của Tùy Dạng Đế khi ông bị giết trong một cuộc nổi dậy.  

Hầm mộ của Tùy Dạng Đế được xây bằng gạch, chỉ dài 24,48m, rộng 8,22m và cao 2,76m, gồm 1 phòng chính, 2 phòng ở phía Đông và Tây cùng 2 hành lang dẫn đến phòng chính, lối đi chính. Ở phía Đông Nam hầm mộ của Tùy Dạng Đế là mộ của vợ ông, có cấu trúc tương tự. Song mộ của Dạng Mẫn Hoàng hậu chỉ dài 12,64m, rộng 5,9m và cao 1,6m. 

Dây đai bằng ngọc, vàng và tay nắm cửa mang hình đầu sư tử được tìm thấy trong hầm mộ Tùy Dạng Đế.

So với Tùy Dạng Đế, hài cốt của hoàng hậu còn nguyên vẹn hơn. Các chuyên gia Trường Đại học Nam Kinh tiến hành phân tích di hài trong mộ, kết quả cho thấy đây là một người phụ nữ khoảng 56 tuổi, cao 1,5m. Thông số này khớp với những mô tả về Dạng Mẫn Hoàng hậu trong các sách lịch sử.

Wang Wei, Viện trưởng Viện Khảo cổ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết những dòng chữ khắc trên bài vị tìm thấy trong hầm mộ Tùy Dạng Đế là chứng cứ chủ chốt chứng minh danh tính những người bên trong.

“Nhiều phần trong hầm mộ của Tùy Dạng Đế đã bị sụp và trộm từng đột nhập vào đây. Đó chính là lý do giải thích tại sao di hài ông không còn nguyên vẹn như Dạng Mẫn Hoàng hậu. Hơn nữa, di hài chôn ở vùng châu thổ sông Dương Tử nên khó giữ được sự nguyên vẹn, do đất có a-xít” - Shu Jiaping, Giám đốc Sở Khảo cổ Dương Châu, cho biết.

Còn Liu Qingzhu, nhà nghiên cứu ở Viện Khảo cổ, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng sở dĩ Tùy Dạng Đế chỉ được những người sáng lập nên nhà Đường chôn trong một hầm mộ xoàng xĩnh, bởi ông là một hoàng đế của đế chế đã diệt vong. Vì thế ông không thể được chôn cất trong một lăng mộ đúng chuẩn của một vị vua.

Mặc dù vậy, hầm mộ của Tùy Dạng Đế vẫn còn nhiều di sản quý hiếm được làm bằng ngọc, đồng, sắt, gốm, gỗ và gỗ sơn, như 4 vòng đập cửa mang hình đầu sư tử, nhiều hình động vật, binh lính… Trong đó, có 1 dây đai bằng ngọc và vàng được coi là di sản cực kỳ có giá trị. Theo Xu Guobin, Phó Giám đốc Sở Khảo cổ Dương Châu, đây là dây đai ngọc bích hoàn hảo nhất được tìm thấy ở Trung Quốc và chỉ người có địa vị cao nhất trong xã hội mới được dùng nó.

Từ đời Thanh người ta đã tin rằng, một lăng mộ cổ nằm cách 2 ngôi mộ mới phát hiện khoảng 6km, là mộ của Tùy Dạng Đế. Lăng mộ này có diện tích 30.000m2, có cửa ra vào mộ và nhiều bức tường. Nó đã trở thành điểm thu hút khách du lịch ở Dương Châu từ những năm 1980.Tuy nhiên với phát hiện này, thì lăng mộ trên không phải của Tùy Dạng Đế


VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm