"Thâm cung bí sử" chuyện bầu Giáo hoàng

04/03/2013 07:08 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi đã chào từ biệt Giáo hoàng Benedict XVI, các Hồng y sẽ bắt đầu việc chọn người thay thế bằng việc nhóm họp chính thức từ ngày hôm nay (4/3). Tuy nhiên đóng vai trò quan trọng không kém là các bữa ăn tối ở hậu trường, nơi các liên minh khác nhau được hình thành và cái tên của ứng viên cho vị trí Giáo hoàng tương lai được cân nhắc.

Kể từ ngày 4/3, Hồng y đoàn sẽ bắt đầu các cuộc gặp chính thức đầu tiên kể từ khi Giáo hoàng từ chức.

Cơ hội trong các cuộc họp chính thức

Hồng y Angelo Sodano, sẽ đóng vai trò chủ trì tổng Hồng y đoàn và ông sẽ giúp tạo nên một diễn đàn để các ứng cử viên tiềm năng cho ghế Giáo hoàng có cơ hội tỏa sáng. "Đây là một cơ hội, đặt biệt là với các Hồng y ở ngoài Giáo triều Roma, những người không đi lại nhiều và biết nhiều về các Hồng y khác" - Thomas Reese, nhà phân tích Vatican của tờ National Catholic Reporter nhận xét.

Một hoặc hai lần mỗi ngày, các Hồng y sẽ đổ về Vatican để tham gia các cuộc họp tổng Hồng y đoàn - những cuộc họp chính thức để bàn về nhiều vấn đề liên quan tới thế giới và tôn giáo, từ các vấn đề liên quan tới Công giáo quanh thế giới cho tới việc định ngày tiến hành Mật nghị Hồng y.

Một Hồng y có thể tăng cường hoặc phá hỏng cơ hội của mình trong các cuộc hội họp như thế này. Việc đưa ra các bình luận tùy tiện về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục hay về một ứng cử viên tiềm năng khác có thể đánh mất sự ủng hộ của các Hồng y tới từ Mỹ hoặc Ireland. Tuy nhiên cẩu thả trong vấn đề Hồi giáo có thể khiến ứng viên bị các Hồng y tới từ châu Phi loại bỏ. Ngoài ra, một Hồng y không được đánh giá cao bất ngờ gây ấn tượng với những người khác bằng sức hút và năng lực tiềm tàng của mình sẽ có thể giành được cơ hội chiến thắng.

Từ ngày hôm nay, các Hồng y sẽ tiến hành hội họp chính thức để định ngày bầu Giáo hoàng mới

Những cuộc vận động hậu trường

Nhưng các nhà nghiên cứu Vatican nói rằng những cuộc thảo luận quan trọng nhất lại diễn ra tại các căn hộ riêng hoặc trong các nhà hàng, quanh các quán cà phê, khi các Hồng y tụ tập thành từng nhóm nhỏ để bàn xem ai trong số họ sẽ xứng đáng trở thành Giáo hoàng kế tiếp khi tất cả cùng nhau tiến hành bỏ phiếu trước ngày 20/3 tới đây.

"Tất cả các hoạt động bàn thảo thực sự diễn ra vào ban đêm, bên cạnh những chai rượu anisette và grappa" - Christopher Bellitto, một phó giáo sư lịch sử tại Đại học Kean của Mỹ nhận xét - "Hiển nhiên anh sẽ không bàn chuyện bầu Giáo hoàng trong một quán ăn nhanh McDonald's. Đây là nơi các Hồng y sống tại Roma có lợi thế sân nhà bởi họ có các chung cư để ở, rất có thể họ còn có đầu bếp riêng hoặc biết một nhà hàng có phòng riêng, nơi họ có thể mời 3 hoặc 4 Hồng y tới ăn tối".

Các Hồng y sẽ trao đổi tên những người họ cho là xứng đáng. Những cái tên nặng ký sẽ được tra cứu thông tin qua trang Google. Các liên minh sẽ dần thành lập và các danh sách những lựa chọn hàng đầu/dự bị sẽ được thành lập.

James Weiss, một giáo sư thần học tại Trường Cao đẳng cộng đồng Boston nói rằng các cuộc họp lần này hẳn sẽ diễn ra phức tạp hơn, bởi vụ bê bối lộ tài liệu mật ra khỏi Vatican cho thấy có những vấn đề nội bộ trong Tòa thánh.

"Yếu tố gây phức tạp là các Hồng y không còn biết có thể tin tưởng ai nữa" - Weiss nói - "Họ có biết thứ gì đó tồi tệ đã xảy ra ở cấp độ cao nhất tại Vatican, nhưng họ không biết là ai. Mức độ nghi ngờ đã không lớn như thế này kể từ năm 1730".

Tuy nhiên nếu chiếu theo lịch sử gần đây, vào thời điểm 115 Hồng y tiến vào mật nghị và họ sẽ không trở ra khi khói hiệu màu trắng bốc lên tại ống khói tại Nhà nguyện Sistine ở Vatican, chắc chắn sẽ có các ứng cử viên số một để người ta lựa chọn làm Giáo hoàng.

Nếu xảy ra tình huống đấu đá trong Vatican, khả năng hai nhân vật dẫn đầu cuộc đua có thể sẽ không chấp nhận người kia, buộc những ai ủng hộ họ tìm một ứng cử viên khác, người có thể giành được 2/3 số phiếu bầu cần thiết để xỏ chân vào đôi giày đỏ.

Weiss dẫn một số báo cáo chưa được xác nhận về mật nghị diễn ra hồi năm 1978, khi có tới 50 Hồng y bảo thủ ngả về phía một nhân vật theo đường lối bảo thủ. Khi họ nhận ra rằng ứng cử viên của mình sẽ khó có thể chiến thắng, họ đã chuyển sang một nhân vật trung dung hơn và Hồng y Karol Wojtyla của Ba Lan đã đột ngột nhảy lên vị trí sáng giá. Wojtyla trở thành mối quan tâm mới của mật nghị và cuối cùng ông đã đắc cử, trở thành Giáo hoàng John Paul II.

Các cuộc họp kín, các cuộc vận động hậu trường trước mật nghị sẽ có ảnh hưởng lớn tới việc ai sẽ là Giáo hoàng

Mật nghị sẽ kéo dài bao lâu?

Các mật nghị hiện đại thường không kéo dài quá vài ngày và đây là điều không gây ngạc nhiên bởi mục đích của việc lập mật nghị là phải đưa ra quyết định nhanh.

Trong cuộc bầu cử năm nay, việc lặp lại sự kiện Viterbo (Giáo hoàng chỉ được bầu sau 3 năm trời) sẽ khó diễn ra. Nhưng một số nhà quan sát vẫn phỏng đoán nó vẫn sẽ là mật nghị kéo dài nhất trong 100 năm qua.

"Dù có nhiều ứng cử viên tiềm năng, vẫn không có ai là người sáng giá nhất như năm 2005" - chuyên gia Vatican của kênh truyền hình NBC News là George Weigel nhận xét - "Có cảm giác đây là một thời điểm khủng hoảng trong lịch sử nhà thờ. Các Hồng y đều không quen biết nhau lắm và họ sẽ cần thời gian để đưa ra quyết định đúng".

Ông đoán rằng nếu mật nghị không kết thúc trong 2 ngày, nó sẽ kéo dài tới 2 tuần. Tuy nhiên ông cũng đánh giá rất có thể vì sức ép hoặc vì đánh bóng tên tuổi của Giáo hội, các Hồng y sẽ kết thúc việc bầu bán sau 3 ngày. "Một trong những điều mà các Hồng y đều quan tâm là việc giữ thể diện. Và nếu mật nghị kéo dài hơn 3 ngày, thế giới sẽ biết rõ rằng mâu thuẫn đã hình thành rất sâu trong Tòa thánh".

Vì sao Giáo hoàng lại được bầu qua Mật nghị Hồng y?

Mật nghị được Giáo hoàng Gregory X tạo ra sau một cuộc bầu Giáo hoàng dài tới 3 năm, từ 1268 tới 1271, đã khiến người dân ở thị trấn trung cổ Viterbo, nơi các Giáo hoàng sống khi đó, không hài lòng.

"Người dân Viterbo đã chịu hết nổi nên họ nhốt các Hồng y vào một phòng họp lớn, cho tới khi họ chọn được ai đó. Họ vẫn không bầu được ai cả nên dân Viterbo đã dỡ sạch mái của phòng họp này. Nhưng như thế vẫn chưa ăn thua và rồi cư dân chỉ mang tới cho các Hồng y bánh mỳ và nước. Chỉ đến khi người dân thị trấn dọa ném rác rưởi xuống các Hồng y, họ mới thỏa hiệp với nhau và bầu Giáo hoàng Gregory" - Bellitto kể.

Gregory quyết định rằng mọi cuộc bầu Giáo hoàng tương lai cũng sẽ được tiến hành bởi các mật nghị như thế, trong đó các Hồng y sẽ bị tách rời với thế giới cho tới khi họ lựa chọn được một Giáo hoàng mới.


Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm